16/12/2013 08:01 GMT+7

John Kerry, từ chiến tranh đến hòa bình

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trong cuộc gặp các nhân viên Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và gia đình họ, trong bầu không khí “người nhà” (công vụ), ông John Kerry đã tâm tình khá nhiều về ông và thành phố Sài Gòn mà ông từng có mặt trong những năm 1968, 1969. Ông kể: ” Tôi nhớ tôi ngồi ở tầng thượng khách sạn Rex và lúc đó chưa có bất cứ tòa nhà cao tầng khác ở đây. Và chúng tôi lên đó ngồi. Lần đó tôi được rời đơn vị trong vài ngày, lên Sài Gòn họp”.

Ông nhớ lại như in cảm giác của ông lúc đó, đang từ một nơi mà tiếng súng đại liên xoay nòng từ các máy bay C-130 “rồng phun lửa” rú lên như bò rống. Ông tâm sự rằng mấy ngày êm ả đó “... Quả là một điều kỳ lạ. Không tài nào tả được với các bạn cảm giác vô cùng kỳ lạ khi ngồi trên nóc một khách sạn, nhắp một chai bia, nói chuyện với thiên hạ quanh mình...”. Từ sự sánh đôi kỳ lạ đó của chiến tranh và hòa bình, ông bắt đầu trăn trở. Và trăn trở đó đã thôi thúc ông và nghị sĩ McCain sau này khi vào thượng viện cùng cảm thấy cần phải cố gắng tìm cách để thay đổi mối quan hệ, để chấm dứt chiến tranh. Do lẽ, bằng nhiều cách, chiến tranh đâu đã kết thúc!

Trong buổi gặp các thành viên Phòng Thương mại và công nghiệp Mỹ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ông đã nhắc lại lần đầu ông trở lại Sài Gòn đầu những năm 1990. Lúc đó hai nước còn “kẹt” lệnh cấm vận cùng một số khó khăn tồn tại từ chiến tranh vẫn chưa giải quyết. Thế nhưng theo ông, thời đó nhiều người trong số những cựu binh như ông mơ rằng sẽ có một ngày mà người ta có thể nghĩ đến Việt Nam không ở góc độ chiến tranh, mà chỉ như là một đất nước với những chuyện bình thường giữa các nước với nhau. Và hôm thứ bảy 14-12-2013 đó, ông có thể quả quyết: ”Tôi hãnh diện và hân hoan nói rằng ngày hôm nay đây, chắc chắn đối với tôi, chính là thời điểm đó”.

Tất nhiên, hai nước đã cải thiện quan hệ từ năm 1995, song vẫn còn đó những “tồn tại chiến tranh”. Và hành trình đi đến bình thường thật sự quả là dài. Còn nhớ năm 1992 ông trở lại Sài Gòn để giải quyết vấn đề POW/MIA (tù binh chiến tranh/mất tích trong chiến đấu). Trên đường ra sân bay rời Sài Gòn bay qua Thái Lan trên một chuyên cơ nhỏ, theo lịch trình ông ghé Bảo tàng Quân khu 7. Ở đó, ông được cho xem một khẩu Colt 45 và một tấm thẻ bài lính Mỹ. Ông nhấc khẩu súng lên rồi đặt xuống, còn tấm thẻ bài ông cầm lấy đem về. Có thể đoán chọn lựa của ông lúc đó: khẩu súng ấy có thể là di vật của một quân nhân Mỹ nào đó, song có đem về cũng chẳng ích gì; còn tấm thẻ bài kia chắc chắn sẽ giúp một gia đình “chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam” của họ.

Trong thực tế, từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973 đến nay đã 40 năm, song cuộc chiến tranh có thể vẫn còn đâu đó trong tâm thức. Những nỗ lực cất chiến tranh về phía sau của ông trước kia trong vai trò chủ tịch Tiểu ban thượng viện về vấn đề tù nhân chiến tranh và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và hiện tại trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, cũng như của nhiều người khác, đã đơm hoa kết trái. Đó là lý do mà hôm thứ bảy, ông đã long trọng quả quyết quan hệ với Việt Nam như là quan hệ bình thường giữa các nước với nhau. Cũng có thể hi vọng rằng là một người đã kinh qua chiến tranh, nay trong cương vị ngoại trưởng, ông có thể giúp những người khác chưa biết chiến tranh là gì hiểu thế nào là sự quý báu của hòa bình, và rằng trong một cuộc chiến tranh chưa hẳn nước lớn hơn cầm chắc chiến thắng, như từng thấy trong cuộc chiến mà ông đã trải qua.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp