James Rockwell (bìa trái) và Christopher Runckel trong buổi gặp gỡ các nhân viên người Việt của sứ quán Hoa Kỳ - Ảnh: tư liệu C.R. |
Tại thời điểm này, cộng đồng người nước ngoài vẫn còn nhỏ và cộng đồng người Mỹ thậm chí còn nhỏ hơn, có lẽ ít hơn 20 người.
Một trong những người Mỹ đầu tiên tại Hà Nội là James Rockwell, người nhận được giấy phép hoạt động đầu tiên do Chính phủ Việt Nam cấp vào năm 1991. Công ty của James tên là VATICO - Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Vietnam America Trade and Investment Consulting Company).
Tâm sự của James
James Rockwell viết về thời gian đó như sau: “Tôi không tham gia chiến tranh Việt Nam. Lúc đó tôi còn quá trẻ! Tuy nhiên, trong suốt 20 năm, tôi xem hết bộ phim này đến bộ phim khác về chiến tranh Việt Nam. Tôi trở nên quen thuộc với các con số thống kê từ cuộc chiến này. Nhiều cựu binh chiến tranh Việt Nam đã chết vì tự tử hơn là chết trên chiến trường Việt Nam.
Khi lớn lên tôi tự hỏi làm thế nào một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như Hoa Kỳ lại thua trận? Tôi tự hỏi tại sao chúng ta, nước Mỹ, chưa bao giờ vứt bỏ được sự tàn khốc của chiến tranh ra khỏi đôi vai người lính?
Tại sao chúng ta với tư cách là một quốc gia mà lại hành động như thể Hoa Kỳ không chịu trách nhiệm về những hành động của người lãnh đạo đất nước mình? Tôi tự hỏi làm thế nào một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lại có thể đứng yên khi những binh lính nam, nữ của chúng ta bị đọa đày bởi chiến tranh và bị tước đoạt mạng sống? Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không bao giờ trải thảm đỏ để chào đón các cựu binh chiến tranh Việt Nam trở về trong khúc hoan ca?
Tôi nghĩ cách xử trí của chúng ta đối với các cựu chiến binh như vậy là hèn nhát, là thảm bại. Hội chứng hậu sang chấn thần kinh là lời ngụy biện thay cho sự nhận lỗi của chúng ta. Tôi cho là thế. Vì vậy tôi tự hỏi tại sao chúng ta vẫn còn trong tình trạng đối đầu chính trị với đất nước nhỏ bé này dù chiến tranh đã kết thúc 20 năm?
Sự lúng túng chính trị của chúng ta lớn đến thế ư? Có phải chúng ta không đủ dũng khí để thừa nhận rằng chiến tranh đã kết thúc? Dân tộc này xấu xa đến vậy sao? Tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam là một cơ hội kinh doanh tốt. Một nửa quốc gia này có hiểu biết tốt về ngành công nghiệp của chúng ta, biết nói chuyện tếu kiểu chúng ta, biết sử dụng ngôn ngữ của chúng ta.
Người Việt Nam biết Coke, IBM, Jeep và thang máy Otis. Tôi biết rằng khi Mỹ dần dà bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, người Việt Nam muốn mua sản phẩm của chúng ta. Tôi biết rằng họ sẽ muốn kinh doanh với các công ty Mỹ để tái xây dựng đất nước của họ. Họ biết chúng ta và chúng ta biết họ.
... Vào ngày 6-10-1994, chúng tôi nghe Laurie Rockwell hạ sinh em bé Mỹ đầu tiên ở Hà Nội. Gia đình Rockwell đặt con trai tên James và lấy chữ lót là Nguyễn để thể hiện lòng quý trọng Việt Nam. Bé James được sinh ra tại Bệnh viện C, nơi cho đến lúc ấy chỉ được người Việt sử dụng. |
Xuyên qua sự nghèo khổ, tôi chứng kiến trong chuyến thăm đầu tiên đến đất nước này là một đất nước giàu tiềm năng. Một đất nước của 70 triệu người. Hầu như không có nhiều xe hơi đáng để nói đến ngoài vài chiếc xe cũ do Nga chế tạo, hoặc những chiếc xe Mỹ có từ thập niên 1950 và 1960.
Việt Nam có một nhu cầu rất cao về hàng hóa sản phẩm của Mỹ. Họ nói với tôi rằng chất lượng sản phẩm của chúng ta là tốt nhất thế giới, và đây là bằng chứng - họ chỉ vào những chiếc xe Mỹ vẫn còn chạy tốt trên đường. Họ muốn chúng ta trở lại.
Tôi bị ấn tượng bởi dân tộc này. Mặc dù rất nghèo, họ dường như có niềm lạc quan khác thường về cuộc sống. Họ tin rằng mọi thứ rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Họ có vẻ trung thực, sống hạnh phúc, trọng danh dự.
Người Việt Nam đối xử với chúng ta vào năm 1991 như khách quý của hoàng gia. Các nhà lãnh đạo chính phủ cũng trải thảm chào đón chúng ta. Mọi người đã thảo luận về chiến tranh. Ở miền Bắc, "Hãy để quá khứ là quá khứ!" là cụm từ được sử dụng rộng rãi nhất. Họ hỏi tại sao chúng ta vẫn ghét họ, đã 20 năm rồi! Tôi bắt đầu phát triển quan điểm cho rằng đây không phải là một đất nước đang có chiến tranh với Mỹ. Họ muốn người Mỹ trở lại. Tôi bắt đầu mày mò nghĩ cách kinh doanh vài thứ”...
AmCham ra đời
Vào tháng 9-1992 James cùng Laurie, vợ ông, và Chase, con trai họ, đến Việt Nam trên tinh thần thiện chí, bắt đầu quá trình thành lập một công ty và xây dựng một cuộc sống mới tại Việt Nam. James từng làm việc cho Thống đốc Wally Hickel bang Alaska.
Ban đầu họ ở nhà khách Quân đội, sau họ chuyển đến một ngôi nhà ở làng hoa nhìn ra hồ Tây và sau đó chuyển đến một tòa nhà văn phòng trên đường Nguyễn Khuyến cạnh Văn miếu. Công ty Rockwell và VATICO là những tia sáng thật sự trong lối mòn xây dựng doanh nghiệp thuộc sở hữu của Mỹ ở Việt Nam.
Theo sau là Al DeMatteis, một chuyên gia xây dựng giàu kinh nghiệm, từng xây dựng khắp Saudi Arabia và Trung Đông. Họ bắt đầu lập ra một số liên doanh tại Việt Nam. Al DeMatteis và chúng tôi thường gặp nhau tại khách sạn Metropole và những nơi khác quanh thủ đô.
Chúng tôi gọi ông ấy là “thị trưởng của cộng đồng người Mỹ tại Hà Nội”. Al luôn là người kéo mọi người lại với nhau, giúp đỡ bằng cách đưa ra một gợi ý, một lời giới thiệu và bất cứ điều gì cần thiết. Ông thành lập hội bóng chày (loại bóng mềm) Mỹ tại Hà Nội và nhập về các loại bóng, gậy và trang thiết bị để nhóm người Mỹ có thể chơi với nhau vào mỗi chiều thứ bảy.
Vào tháng 4-1994, Al DeMatteis khai mạc giải bóng chày đầu tiên tại Hà Nội. Al DeMatteis được trao danh hiệu "cao ủy viên 26" của hội. Sau đó, Al và James Rockwell đồng sáng lập Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) đầu tiên tại Hà Nội. Al DeMatteis và James trở thành thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ Mỹ mà chúng tôi thành lập tại số 19-21 Hai Bà Trưng.
Al cho chúng tôi mượn một máy kéo nhỏ hiệu Bobcat để san lấp một khu đất tạo sự an toàn cho bọn trẻ con. Sau đó, ông tặng xích đu và băng trượt cùng nhiều thứ khác cho bọn trẻ. Một lò nướng thịt barbecue cùng các món khác.
Sau đó ông còn tặng chúng tôi một mái che bằng tre. Lịch hẹn cũ của tôi cho thấy James, Al và tôi đã gặp nhau vào ngày 12-1 để ăn trưa và sau đó lại gặp nhau ở Hội nghị AmCham vào thứ tư ngày 18-1 tại nhà khách Quân đội. Một lần khác vào tháng 2 và từ đó tôi đều đặn đến dự các cuộc họp hằng tháng của AmCham bất cứ khi nào tôi có mặt ở thủ đô.
Trong tháng 4-1994, Al DeMatteis, James Rockwell, Chris Coughlin, Mark Gelinas và Mark Lockwood thành lập Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam trong một cuộc họp ở khách sạn Metropole. Al DeMatteis được bầu làm chủ tịch sáng lập, James Rockwell làm cấp phó.
Ngày 12-5, VATICO được cấp giấy phép kinh doanh đầu tiên mà Việt Nam trao cho công ty Mỹ. James Rockwell nhận giấy phép trong một cuộc họp với Thứ trưởng Lương Văn Tự của Bộ Thương mại.
________________
Kỳ tới: Thứ trưởng Lê Mai và những vị “mafia Cuba”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận