Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra, làm việc tại hiện trường cứu nạn - Ảnh: DUY THANH |
Ngày 18-12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường vụ tai nạn sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) để thị sát, chỉ đạo phương án cứu nạn 12 công nhân bị kẹt trong hầm từ ngày 16-12.
Sau cuộc làm việc, trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về phương án giải cứu các nạn nhân, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết:
"Hiện nay tại hiện trường, các lực lượng của tỉnh Lâm Đồng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Công an TP.HCM, Công an Lâm Đồng, đội cứu hộ cứu nạn thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam… đã đang thực hiện các giải pháp hết sức tích cực.
Tuy vậy tốc độ không nhanh được. Lý do là địa chất của khu vực này rất yếu. Nếu làm nhanh mà không tính toán đến rủi ro địa chất thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người bên trong.
Vì vậy, hôm nay chúng ta đưa ra thêm giải pháp là công binh mở thêm một tuyến đường cứu nạn nữa đi theo ngách bên trái hầm để ránh rủi ro nếu tuyến bên phải không đi nhanh được hoặc rủi ro địa chất mà ngách bên phải không đến đích được thì còn dự phòng bên trái".
Theo phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngoài hai tuyến cứu nạn song song trong hầm, hiện có một tuyến nữa là khoan từ trên nóc hầm xuống và khả năng đêm nay 18-12 sẽ thông tuyến này. Nếu thông tuyến này, chỉ có thể đưa áo ấm, thuốc men xuống cho 12 công nhân, bảo đảm giúp họ đủ sức khỏe để qua được những ngày tới.
Phó thủ tướng khẳng định: "Theo tính toán hiện nay, tốc độ đào ở ngách hầm bên phải là tối đa 8m/ngày. Với tốc độ này, chúng ta phải mất 3 ngày nữa mới có thể thông vào bên trong được."
Tuy nhiên, theo phó thủ tướng dù Tập đoàn Than - khoáng sản và lực lượng công an, công binh bố trí rất nhiều người nhưng chưa nói chắc được vì hiện nay phía hầm bên phải đang đi gặp phải đá và sắp tới phải sử dụng liều nổ nhỏ để phá đá đi tiếp.
"Nhưng những việc như thế phải làm hết sức thận trọng, bởi nếu không thì đất đá sập xuống, các đường ống tiếp nước hay tiếp sữa, tiếp thức ăn, tiếp ô xy bị vùi đi thì hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, các lực lượng đã triển khai đang phối hợp nhịp nhàng. Cần phải hết sức kiên nhẫn." - phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra, làm việc tại hiện trường cứu nạn - Ảnh: DUY THANH |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng: "Điều quan trọng là sức khỏe của 12 công nhân vẫn tốt, họ có bị lạnh, nhưng hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đang đưa lên những dung dịch, thuốc men đặc biệt nhằm giúp người trong hầm có sức khỏe, có thêm trợ lực để vượt qua.
Có một phương án tiếp theo ở là tạo đường hầm ở phía cửa hạ lưu. Tôi đã giao cho Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Sông Đà và công binh nghiên cứu tiếp. Mặc dù hướng đấy thì địa chất rất yếu, khó khăn hơn nhều và dày đến 60m. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị bị tất cả các giải pháp."
"Tôi muốn nói với mọi người dân rằng hãy yên tâm vì các lực lượng trên này đã tập trung ngày đêm để cố gắng tiếp cận người bị nạn sớm và bảo đảm tối đa sự sống của tất cả mọi người" - Phó thủ tướng trấn an.
Các chuyên gia tâm lý đã sẵn sàng PGS.BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhấn mạnh cần phải có biện pháp ổn định tâm lý cho các nạn nhân ngay khi họ còn bị mắc kẹt bên trong đường hầm và sau khi được giải cứu. Ông Trường cho biết các chuyên gia tâm lý đã sẵn sàng. Hiện đội cứu hộ đang thường xuyên liên lạc với nạn nhân qua đường ống cứu sinh để động viên. Các thông tin tích cực về cuộc giải cứu khẩn trường thường xuyên được chuyển vào bên trong tạo không khí lạc quan. Hiện tại, từ phía bên ngoài, ôxy hàm lượng cao liên tục được bơm vào bên trong, không chỉ cấp dưỡng khí mà tạo tiếng động liên tục khiến nạn nhân bên trong yên tâm, cũng như đảm bảo liên lạc trong và ngoài liền lạc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận