17/04/2018 11:37 GMT+7

Ít nhất 10 sở ngành sẽ hợp nhất ở cấp tỉnh

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TTO - Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các sở ngành như tài chính, kế hoạch - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... sẽ được sáp nhập.

Ít nhất 10 sở ngành sẽ hợp nhất ở cấp tỉnh - Ảnh 1.

Ở cấp tỉnh, Sở Công Thương được đề xuất hợp nhất với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Sở Công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - Ảnh: NGỌC AN

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của bộ này.

10 sở ngành sẽ hợp nhất theo cặp 

Theo đó, 17 sở ngành thuộc các UBND cấp tỉnh, thành hiện nay sẽ được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành chuyên sâu có tính ổn định cao, gồm 4 sở: Tư pháp, Tài nguyên - môi trường, Lao động - thương binh và xã hội, và Y tế.

Nhóm 2 gồm các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất (kèm theo điều chỉnh về tên gọi, chức năng), gồm 10 sở: Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục - đào tạo, Khoa học - công nghệ, Văn hóa - thể thao và du lịch (hoặc Văn hóa - thể thao), và Thông tin truyền thông.

Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập các sở ngành này như sau:

+ Hợp nhất Sở Kế hoạch - đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Tài chính - kế hoạch;

+ Hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - xây dựng;

+ Hợp nhất Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Sở Công Thương thành Sở Công nghiệp, nông nghiệp và thương mại;

+ Hợp nhất Sở Thông tin truyền thông với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (hoặc Sở Văn hóa - thể thao) thành Sở Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch hoặc Sở Văn hóa, thông tin và thể thao (đối với các địa phương có Sở Du lịch riêng);

+ Hợp nhất Sở Khoa học - công nghệ với Sở Giáo dục - đào tạo thành Sở Giáo dục và khoa học, công nghệ.

Nhóm 3 gồm các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất, gồm: 

+ Sở Nội vụ hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Sở Tổ chức - nội vụ; 

+ Thanh tra tỉnh hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Kiểm tra - thanh tra tỉnh; 

+ Văn phòng UBND cấp tỉnh hợp nhất với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Ít nhất 10 sở ngành sẽ hợp nhất ở cấp tỉnh - Ảnh 2.

Công chức tiếp nhận hồ sơ nhà đất tại UBND Q.7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngoài ra, đối với 4 sở đặc thù chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, gồm: Sở Quy hoạch - kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP.HCM và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) thì giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (kể cả khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Trường hợp không thành lập các sở trên thì giao Văn phòng UBND cấp tỉnh (hoặc Văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh) thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc; giao Sở Văn hóa - thể thao (hoặc Sở Văn hóa, thông tin và thể thao) thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về du lịch và đổi tên sở này thành Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc Sở Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch).

Đối với TP Hà Nội và TP.HCM, nếu không thành lập Sở Quy hoạch - kiến trúc thì sáp nhập sở này vào Sở Xây dựng (hoặc Sở Giao thông vận tải - xây dựng).

Hà Nội và TP.HCM không quá 20 sở

Dự thảo nghị định cũng đưa ra 3 phương án quy định số lượng các sở.

phương án 1, TP Hà Nội và TP.HCM không quá 20 sở, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I không quá 19 sở, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II không quá 18 và đơn vị hành chính cấp tỉnh loại III không quá 17 sở.

Theo phương án này, Bộ Nội vụ tính toán giảm tối thiểu 46 sở (chưa tính các sở không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập cần phải sắp xếp lại) tại 34 tỉnh, thành phố. 

phương án 2, TP Hà Nội và TP.HCM còn không quá 20 sở, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I không quá 18 sở, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II và loại III không quá 17 sở. Theo phương án này, Bộ Nội vụ cho biết giảm tối thiểu 88 sở.

Phương án 3 là số lượng sở sau khi thực hiện việc sắp xếp bảo đảm không vượt quá số lượng sở hiện có tại thời điểm tổ chức thực hiện nghị định.

Bộ Nội vụ nghiêng về phương án 1 với lý do bảo đảm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ cũng công bố dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, 10 phòng chuyên môn hiện nay được chia thành 3 nhóm.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về hai dự thảo nghị định này là từ 16-4 đến 16-6-2018.

Hợp nhất một số sở: phải tính hiệu quả khi sáp nhập

TTO - Việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán kỹ để việc sáp nhập đem lại hiệu quả thực sự.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp