08/11/2023 10:11 GMT+7

Israel - Hamas và một tháng hủy diệt Dải Gaza

Đã tròn một tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7-10, nhưng cho tới giờ, chưa ai biết cảnh mưa bom bão đạn, vạn người chết chóc, nhà cửa tan hoang ở Dải Gaza sẽ còn kéo dài tới khi nào nữa.

Nguồn: WSJ, Viện Nghiên cứu chiến tranh - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: WSJ, Viện Nghiên cứu chiến tranh - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bất chấp các kêu gọi từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Nga, Trung Quốc, các nước Ả Rập... về việc ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, Dải Gaza vẫn chìm trong bom đạn. 

Đầu tuần này Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi Israel khôi phục quyền kiểm soát "an ninh tổng thể" ở Gaza.

Chết chóc và hủy diệt

Khi lên tiếng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, ông Guterres đã nói: "Người Palestine đã phải chịu đựng 56 năm bị chiếm đóng ngột ngạt. Họ đã chứng kiến đất đai của mình liên tục bị tàn phá bởi các khu định cư và bạo lực; nền kinh tế của họ bị bóp nghẹt; người dân phải sơ tán và nhà cửa của họ bị phá hủy".

Và lúc này, Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine, lại chìm trong xung đột. Sau khi phong trào Hamas của Palestine (nhóm đang kiểm soát Dải Gaza) phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7-10, Israel đã đáp trả cực mạnh: phong tỏa toàn diện Gaza, không kích liên tục vào hàng loạt mục tiêu, và mới nhất là triển khai chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza với quyết tâm "diệt tận gốc" Hamas.

Đây là cuộc xung đột chết chóc nhất giữa Israel - Palestine kể từ khi Israel lập quốc 75 năm trước. Cơ quan y tế ở Dải Gaza đầu tuần này cho biết số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel đã hơn 10.000. Trong khi đó, khoảng 1.400 người ở Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas hôm 7-10.

Khoảng 70% trong số 2,3 triệu dân Palestine ở Dải Gaza đã rời bỏ nhà cửa kể từ sau ngày 7-10. Nhiều người phải ngủ ngoài đường. Trong những ngày qua, các cuộc không kích của Israel còn bắn trúng nhiều cơ sở của Liên Hiệp Quốc cũng như các bệnh viện ở Gaza. Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đã trở nên trầm trọng, dân thường thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực, nước sạch cho tới nhiên liệu, thuốc men.

Sau một tháng xung đột, các quan chức Liên Hiệp Quốc mô tả Gaza là "hiện trường của chết chóc và hủy diệt". Hiện tại áp lực quốc tế dồn lên Israel ngày một tăng, nhằm buộc quốc gia này ngừng tấn công ở Gaza. Có nước lên án, có nước triệu hồi đại sứ và cũng có nước cắt đứt quan hệ với Nhà nước Do Thái để phản đối "cuộc tấn công quân sự không cân xứng của Israel".

Chuyện gì tiếp theo?

Người dân Palestine tìm kiếm những người còn sống sót sau vụ không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza - Ảnh: AFP

Người dân Palestine tìm kiếm những người còn sống sót sau vụ không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza - Ảnh: AFP

Quân đội Israel tuyên bố đã "cắt đôi" Dải Gaza và tiếp tục không kích ở phía bắc Gaza vào đầu tuần này, chuẩn bị cho những cuộc chiến trên bộ với Hamas ở TP Gaza, và bước vào giai đoạn mới có thể còn đẫm máu hơn sau một tháng xung đột.

Theo Hãng tin AP, sắp tới số thương vong có thể sẽ tăng mạnh khi các bên chuyển sang giai đoạn chiến đấu ở khoảng cách gần trong đô thị. Truyền thông Israel đưa tin quân đội nước này dự kiến sẽ sớm tiến vào TP Gaza, trong khi các chiến binh Hamas có thể đối mặt với binh sĩ Israel trên từng con phố và tiến hành phục kích từ mạng lưới đường hầm của họ.

Trung tá Richard Hecht, người phát ngôn quân đội Israel, thông tin: "Chúng tôi đang tiến sát họ. Chúng tôi đã hoàn thành việc bao vây, chia cắt các thành trì của Hamas ở phía bắc với phía nam".

Hàng trăm ngàn người được cho là vẫn còn ở phía bắc Dải Gaza. Quân đội Israel cho biết còn hành lang một chiều dành cho người dân ở TP Gaza và các khu vực xung quanh chạy về phía nam dải đất này. Tuy nhiên nhiều người ngại sử dụng tuyến đường đó, một phần vì nó do Israel kiểm soát.

Theo kênh CNBC, các nhà phân tích quân sự chỉ ra cuộc chiến trong đô thị kéo dài sẽ đặt ra một loạt thách thức chết người với quân đội Israel ở Dải Gaza. "Khi chiến đấu trong đô thị, bạn sẽ chịu thương vong cao hơn. Đó là sự thật lịch sử" - ông Jim Webb, cựu binh Mỹ từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan, nói.

Một trong những thách thức lớn nhất của Israel là đối phó với mạng lưới đường hầm chằng chịt ở Gaza của Hamas. Hiện không ai biết chắc liệu Israel có thể tiêu diệt được Hamas không. Các nhà phân tích cũng chỉ ra nếu Israel diệt được Hamas thì đó cũng chỉ là khởi đầu cho những thách thức mới của Tel Aviv mà thôi.

"Giả sử Israel xóa sổ được Hamas thì vẫn còn hơn 2 triệu người dân nghèo khổ ở Gaza. Nếu không mang lại cho họ cuộc sống tốt hơn, thì Israel sẽ gặp lại rắc rối sau 5 hoặc 10 năm nữa" - GS Dave Des Roches tại ĐH Quốc phòng Mỹ phân tích.

Nga đặt câu hỏi về vũ khí hạt nhân của Israel

Ngày 7-11, Nga cho rằng Israel dường như đã thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi Bộ trưởng Di sản Israel Amihai Eliyahu tuyên bố việc ném bom nguyên tử vào Dải Gaza "là một lựa chọn" của Israel. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã kỷ luật ông Eliyahu.

"Phát biểu đó đặt ra rất nhiều câu hỏi lớn. Câu hỏi đầu tiên là có phải chúng ta đang nghe tuyên bố chính thức về việc sở hữu vũ khí hạt nhân hay không?" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, theo Hãng tin RIA.

Nhìn lại một tháng xung đột Israel - Hamas qua ảnhNhìn lại một tháng xung đột Israel - Hamas qua ảnh

Hôm nay (7-11) đánh dấu tròn một tháng xung đột nổ ra giữa Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp