01/03/2012 07:43 GMT+7

Israel gây sức ép với Mỹ về Iran

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Iran đang cố trấn an thế giới rằng Tehran không có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Israel tiếp tục gây sức ép buộc Mỹ chấp thuận một giải pháp quân sự.

hni1ursF.jpgPhóng to

Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln hoạt động ở eo biển Hormuz - Ảnh: Reuters

Theo báo Tehran Times, chính quyền Iran mới đây đã kêu gọi nối lại đàm phán với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và lên án việc sản xuất vũ khí hạt nhân là một “trọng tội”.

Tại một cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 28-2, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi khẳng định Tehran “không tìm kiếm vinh quang, niềm tự hào hay quyền lực bằng vũ khí nguyên tử”. Ông Salehi cho biết Iran hi vọng cuộc đàm phán với IAEA sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, phương Tây vẫn tỏ ý hoài nghi, và như Reuters cho biết, IAEA tuyên bố vẫn chưa có kế hoạch nối lại đàm phán với Tehran.

Trên thực tế, Chính phủ Mỹ vẫn giữ thái độ thận trọng về vấn đề Iran. Tình báo Mỹ khẳng định không có bằng chứng cho thấy Iran đang chế tạo bom hạt nhân. Washington liên tục gửi các quan chức cao cấp đến Tel Aviv để khuyến cáo Israel không nên manh động và còn “quá sớm” cho một cuộc tấn công Iran vào lúc này khi các biện pháp cấm vận đang được thực hiện. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống Obama xem chừng đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phía Israel và cả từ nước Mỹ.

Thủ tướng Israel đến Mỹ

Tiếp bước Bộ trưởng Quốc phòng Edmuk Barak, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng sẽ bay đến Washington vào ngày 4-3 để thuyết phục chính quyền Obama chấp thuận giải pháp quân sự đối với Iran. “Trọng tâm của cuộc đối thoại là việc Iran đẩy mạnh chương trình hạt nhân” - báo Hareetz dẫn lời ông Netanyahu cho biết.

Theo lịch trình, ông Obama và ông Netanyahu sẽ tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị Ủy ban quan hệ Mỹ - Israel (AIPAC) vào ngày 4-3. AIPAC là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh nhất cho các lợi ích của Israel tại Quốc hội Mỹ, có tầm ảnh hưởng chính trị cực lớn, rất thân cận với nhiều nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngày 5-3, ông Obama và ông Netanyahu sẽ chính thức hội kiến.

Báo Wall Street Journal cho biết phía Israel muốn buộc Nhà Trắng phải xác định một “lằn ranh đỏ” mà Iran không được phép vượt qua. Đó là Iran làm chủ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Và nếu Tehran xâm phạm lằn ranh này, Israel có quyền tấn công phủ đầu. Ông Netanyahu, các quan chức Israel cũng như AIPAC cũng muốn ông Obama phải chính thức tuyên bố “mọi giải pháp về Iran (bao gồm tấn công quân sự) đều được để ngỏ”.

Nhà hoạt động Medea Benjamin, người sáng lập phong trào “Chiếm lấy AIPAC” (sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-3 ở Washington), trên trang Forusa.org, đã nhấn mạnh sự nhân nhượng lâu nay của Nhà Trắng về việc trừng phạt Iran đã dẫn tới hậu quả là giá dầu tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và đời sống của Mỹ và châu Âu.

Báo Huffington Post bình luận thẳng thừng: “AIPAC đang vận động Quốc hội Mỹ gây chiến với Iran”.

Obama: giữa hai chọn lựa khó khăn

Trên trang Asia Times, chuyên gia về Iran là Kaveh L Afrasiabi nhận định ông Obama hiện phải đối mặt với lựa chọn cực kỳ khó khăn: làm hài lòng phe diều hâu đòi chiến tranh, hay dùng quyền lực để ngăn cản một cuộc chiến đẫm máu mới ở Trung Đông.

Theo báo New York Times, tại Mỹ, những tuyên bố sặc mùi chiến tranh đang vang lên trở lại. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa, các nhà bình luận và một bộ phận dư luận Mỹ đang ngả theo khuynh hướng ủng hộ một cuộc tấn công Iran.

Báo này đặt câu hỏi: nước Mỹ đã đối mặt với hai cuộc xung đột vũ trang dài nhất trong lịch sử của mình, với cái giá phải trả là sinh mạng của hơn 6.300 lính Mỹ và 46.000 người khác bị thương ở Iraq và Afghanistan (với chi phí ước tính hơn 3.000 tỉ USD). Hai cuộc chiến tranh này đã kéo dài lâu hơn dự kiến, còn kết quả xem chừng cũng đáng thất vọng. Vậy tại sao giờ đây ta lại ngửi thấy mùi thuốc súng mới?

Theo kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew mới đây, 58% người Mỹ được hỏi đã cho rằng nếu cần thiết Mỹ phải sử dụng đến sức mạnh quân sự để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chỉ 30% là chống lại.

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Obama có đủ sự mạnh mẽ để chống lại sức ép từ phía Israel và từ nội bộ nước Mỹ. Cho đến lúc này, giới quân sự và tình báo Mỹ đang lặng lẽ tìm cách hạ nhiệt thái độ và luận điệu hiếu chiến của các chính trị gia về chương trình hạt nhân của Iran.

Giáo sư chính trị Israel Jonathan Rynhold thuộc Đại học Bar IIan nhận định Chính phủ Mỹ sẽ kháng cự lại sức ép của Israel với quan điểm phải để các biện pháp trừng phạt Iran có thời gian phát huy tác dụng. Bị dồn vào đường cùng về kinh tế, Tehran sẽ phải nhượng bộ. Và chính Israel sẽ phải chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế và chấp nhận quan điểm này.

“Quan điểm đó nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong giai đoạn trước mắt, và ít nhất trong ba tháng tới Israel sẽ không có động thái nào” - giáo sư Rynhold dự báo.

Tuy nhiên, báo Huffington Post cho rằng nếu quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật do thượng nghị sĩ Lieberman đang đề xuất, trong đó khẳng định việc Iran sở hữu khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”, đúng như yêu cầu của phía Israel, thì đó sẽ là lời tuyên chiến.

Bà Peter Feaver, thuộc Đại học Duke, chuyên gia về các mối quan hệ giữa dư luận và chiến tranh, cho rằng chính sách của ông Obama hiện nằm ở “giao điểm những luồng ý kiến khác nhau của dư luận Mỹ về vấn đề Iran”. Tuy chống lại việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng bà bác bỏ giải pháp quân sự vào lúc này và ủng hộ việc tăng cường hơn nữa các biện pháp cấm vận. Nhưng theo bà, càng đến gần ngày bầu cử tổng thống vào tháng 11, những tuyên bố “đổ dầu vào lửa” sẽ tăng lên.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp