Vụ tấn công làm bị thương 15 binh sĩ UNIFIL trên đã chính thức "bật đèn xanh" về pháp lý cho phép các nỗ lực quốc tế can dự quyết đoán hơn vào "điểm nóng" nam Lebanon theo nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đường Xanh nguy cơ "đỏ lửa"
Đường Xanh là ranh giới tạm thời được quốc tế công nhận ở phía nam Lebanon được thiết lập từ năm 2000 và củng cố vị trí chính xác từ sau nghị quyết 1701. Đây là khu vực được Liên Hiệp Quốc ủy quyền giám sát duy nhất cho lực lượng UNIFIL nhằm giúp đỡ Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) cùng gìn giữ hòa bình sau cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006.
Phía Israel từ lâu đã nhìn nhận sự thất bại của UNIFIL trong sứ mệnh duy trì nghị quyết 1701 vì không ngăn cản được lực lượng Hezbollah phát triển hạ tầng quân sự trái phép ở khu vực biên giới phía nam Lebanon.
Do đó, động thái dẫn các phóng viên phương Tây đến chứng kiến các "tiền đồn quân sự bí mật" của Hezbollah ở khu vực này vào ngày 13-10 cũng nhằm vào mục tiêu vô hiệu nghị quyết 1701 cũng như vai trò của UNIFIL.
Mặc cho các diễn giải của Israel, phía UNIFIL đã quyết định giữ vững vị trí khi tuyên bố "vẫn ở lại" các căn cứ lớn hơn trên Đường Xanh kể từ ngày 10-10.
Tuyên bố này được công khai bất chấp yêu cầu từ Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đề nghị UNIFIL phải di dời hơn 5km khỏi Đường Xanh "càng sớm càng tốt" kể từ ngày 3-10, cũng như các đợt tấn công của IDF vào hệ thống tháp canh, máy ảnh, thiết bị liên lạc và đèn chiếu sáng được báo cáo ngay sau đó nhằm hạn chế khả năng giám sát chiến sự của UNIFIL.
Lập trường kiên quyết của UNIFIL cho thấy lực lượng này đang phát huy kinh nghiệm giữ vững vị trí giữa hai làn đạn của Israel và Hezbollah kể từ tháng 10-2023, khi lần đầu tiên trụ sở chính của họ ở Naqoura (Lebanon) bị tấn công tên lửa nhưng may mắn không có thương vong. Các báo cáo cũng ghi nhận nhiều vụ tấn công của Israel vào lực lượng UNIFIL kể từ năm 1987.
Không chỉ vậy, UNIFIL dường như đã quen thuộc với các lập luận của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quan ngại rằng lực lượng này đang tự trở thành "lá chắn sống" bảo vệ cho Hezbollah.
Thậm chí, ngay trước vụ tấn công phá hủy cổng căn cứ UNIFIL ngày 13-10, ông Netanyahu đã một lần nữa yêu cầu lực lượng này "rời khỏi nơi nguy hiểm" nếu không muốn "trở thành con tin" của lực lượng Hezbollah, dù cho tất cả các bên đều cùng bác bỏ.
"Đòn nghi binh" của Israel?
Thêm vào đó, UNIFIL hiện đang thể hiện rõ vai trò "chốt chặn" cuối cùng của tập thể các quốc gia có tiếng nói trong Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh tuyên bố phản đối chung của nhóm 40 quốc gia tham gia UNIFIL, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni từ vị trí một trong các lãnh đạo Tây Âu ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất cũng đã chuyển sang chỉ trích các vụ tấn công của IDF vào lực lượng UNIFIL là "không thể chấp nhận được" vào ngày 13-10.
Kết hợp với lập trường ủng hộ chấm dứt xuất khẩu vũ khí châu Âu cho Israel từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay trước đó, cũng như nỗ lực của ông nhằm kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" ở Lebanon đến từ 88 quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ (mà Lebanon là một thành viên) dường như đã gây đủ áp lực để Thủ tướng Netanyahu thừa nhận hối tiếc trước "bất kỳ tổn hại" nào của UNIFIL ở Lebanon.
Tuy nhiên, thực tiễn chiến sự cho thấy phía IDF chỉ đang duy trì các cuộc tấn công giới hạn trên bộ vào một "khu vực an ninh" rộng khoảng 800km2 mà Israel từng chiếm đóng tạm thời ở nam Lebanon giai đoạn trước năm 2000, chứ không mở rộng sâu hơn vào lãnh thổ Lebanon.
Khu vực này phù hợp với hiện trạng quân đội của Lebanon (LAF) đã sớm rút khỏi Đường Xanh ngay trước thời điểm IDF tấn công Đường Xanh để tập trung phòng thủ ở lưu vực sông Litani nằm sâu từ 5 - 20km trong lãnh thổ Lebanon, nhằm né tránh sự tham gia trực tiếp của LAF vào chiến sự giữa IDF với Hezbollah.
Các động thái diễn giải nhằm giảm thiểu thiệt hại do quân đội Israel gây ra với lực lượng UNIFIL của ông Netanyahu được tiến hành gần như cùng lúc với chuyến thăm của giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Israel (Shin Bet) Ronen Bar đến người đồng cấp Ai Cập.
Động thái tức thời này cho thấy có thể Israel đang ghi nhận sự thay đổi lập trường đình chiến của Hezbollah khi không đòi hỏi ngừng bắn ở Gaza như một điều kiện tiên quyết, cũng như cân nhắc tham gia sáng kiến do Mỹ và các nước Ả Rập đang tiến hành với Iran nhằm đàm phán về một lệnh ngừng bắn toàn diện từ ngày 9-10. Trong đó, Israel yêu cầu Hezbollah phải rút về sông Litani và phá hủy toàn bộ hạ tầng quân sự ở gần Đường Xanh.
Nhìn chung, các nỗ lực gây sức ép ngoại giao từ các thành viên có ảnh hưởng trong Liên Hiệp Quốc không chỉ góp phần củng cố lập trường "giữ vững vị trí" của UNIFIL ở khu vực Đường Xanh đang leo thang chiến sự giữa Israel và Hezbollah, mà còn thúc đẩy phía Israel chuyển sang "nghi binh" để cân nhắc trở lại khả năng tham gia vào quá trình đàm phán đình chiến với Hezbollah nói riêng và Iran nói chung thông qua các kênh trung gian của Mỹ và thế giới Ả Rập.
Cuộc đàm phán lần này có thể vừa giúp Israel tránh một cục diện bị kẹp giữa "hai cuộc chiến" cùng lúc với ở Hamas và Hezbollah vừa thể hiện được vai trò điều phối xung đột xứng đáng với kỳ vọng của dư luận quốc tế đối với Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận