Phóng to |
Các tay súng ISIL khoe sức mạnh trong một bức ảnh đăng trên các trang web Hồi giáo - Ảnh: NBC |
Trong những ngày qua, báo chí quốc tế thường gọi lực lượng phiến quân Hồi giáo Sunni đang đánh chiếm các thành phố Iraq bằng hai cái tên khác nhau: Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) hoặc ISIL. Trên thực tế, tiếng Ả Rập của nhóm này là Al-Dawla Al-Ishamiya fi al-Iraq wa al-Sham, nghĩa là Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham. Từ al-Sham nghĩa tiếng Anh là Cận Đông (Levant), là một khu vực rộng lớn trải dài từ nam Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria tới Ai Cập.
Ở vùng Cận Đông có cả các nước Libăng, Israel, Palestine và Jordan. Mục tiêu của nhóm này là lập ra một nhà nước Hồi giáo trên toàn bộ khu vực này. Do đó, ISIL mới là cái tên chính xác. Và chỉ cái tên đó thôi đủ để phản ánh tham vọng khủng khiếp của ISIL. “Cái tên đó cho thấy khát khao thống trị một khu vực rộng lớn ở Trung Đông của tổ chức này chứ không hạn chế tại Iraq và Syria” - ông John Daniszewski, phó chủ tịch và biên tập viên cao cấp của Hãng tin Mỹ AP, khẳng định.
Al-Qaeda cũng ngại
Theo Hãng tin Ả Rập Al Jazeera, tiền thân của ISIL là Tawhid & Jihad, một tổ chức phiến quân Hồi giáo Sunni trỗi dậy từ chiến trường Iraq sau khi liên quân do Mỹ cầm đầu lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Thủ lĩnh của Tawhi là Abu Musab al-Zarqawi, một người gốc Jordan, thề trung thành với Al-Qaeda vào năm 2004 và đổi tên nhóm thành Al-Qaeda tại Iraq (AQI). Sau đó, AQI thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Iraq nhắm vào các mục tiêu Mỹ và chính quyền Baghdad.
Vô cùng tàn bạo Từ Syria đến Iraq, ISIL áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc và xử tử, đóng đinh trên thập giá, chặt chân tay, chặt đầu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chống đối. Hiện trên mạng Internet đang lan truyền vô số bức ảnh phản ánh những hành vi tàn bạo và đẫm máu của ISIL. Hồi tháng 3-2014, Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo ISIL phạm tội ác chiến tranh khi hành quyết hàng loạt tù nhân. Hiện Mỹ treo giải thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt được al-Baghdadi. |
Tháng 6-2006, Al-Zarqawi thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ. Tân thủ lĩnh Abu Omar al-Baghdadi kế nhiệm và đổi tên nhóm thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) nhưng cũng bị lực lượng Mỹ và Iraq tiêu diệt năm 2010. Nhân vật bí ẩn Abu Bakr al-Baghdadi, tên thật là Ibrahim Awwad Ibrahim al-Badri, lên thay và ISI bắt đầu đạt tới tầm vóc quốc tế. Năm 2012, al-Baghdadi mở rộng hoạt động sang chiến trường Syria và tuyên bố sáp nhập ISI với Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda ở Syria. ISIL hình thành từ đó.
Các thủ lĩnh của Mặt trận
al-Nusra bác bỏ cuộc sáp nhập này và cáo buộc al-Baghdadi thâu tóm quyền lực. Thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri lên tiếng khẳng định cuộc sáp nhập vô giá trị. Trong những tháng sau đó, ISIL liên tục tấn công các phe nhóm đối thủ, sát hại hàng trăm tay súng nổi dậy ở Syria cũng như vô số thường dân vi phạm luật Hồi giáo. Ông trùm al-Qaeda al-Zawahiri tuyên bố tẩy chay ISIL vì sự tàn bạo này.
Tính đến đầu năm 2014, ISIL đã trở thành một trong những nhóm phiến quân hùng mạnh nhất Syria, kiểm soát nhiều khu vực ở miền bắc và miền đông nước này, nơi có nhiều giếng dầu. Đặc biệt ISIL chiêu mộ được hàng nghìn tay súng đến Syria chiến đấu. Tháng 1-2014, ISIL quay lại Iraq, mở cuộc tấn công tỉnh Anbar, chiếm thành phố Fallujah và Ramadi. Sau đó, ISIL vươn vòi ra khắp Iraq và hiện đang tiến gần đến thủ đô Baghdad.
Giàu nhất thế giới
Theo các nguồn tin phương Tây, rất nhiều người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Jordan, Syria và Saudi Arabia đã cung cấp vốn cho ISIL hoạt động trong giai đoạn đầu tiên. Các tay súng ISIL còn tự kiếm tiền bằng những hành vi như buôn lậu, bảo kê, bắt cóc đòi tiền chuộc... Tại Syria, ISIL bị cáo buộc bán các cổ vật của quốc gia này, bỏ túi 35,7 triệu USD. ISIL càng trở nên giàu có sau khi kiểm soát được một số giếng dầu tại Syria.
Báo Anh Guardian cho biết tháng 6-2014, quân đội Iraq thu giữ được hơn 160 ổ cứng máy vi tính từ nhà một thành viên của ISIL gần thành phố Mosul. Một sĩ quan tình báo Iraq tiết lộ cả chính quyền Baghdad và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đều choáng váng khi đọc thông tin chứa trong các ổ cứng này. Theo đó, trước khi chiếm thành phố Mosul ở Iraq, ISIL đã sở hữu khối tài sản 875 triệu USD. Khi chiếm được thành phố này, ISIL đã cướp đi 425 triệu USD từ Ngân hàng trung ương Mosul.
Một số chuyên gia kinh tế ước tính với 425 triệu USD, ISIL đủ sức trả lương cho 60.000 tay súng khoảng 600 USD/tháng trong vòng một năm. Cộng với các loại khí tài và tài sản khác chiếm được từ quân đội Iraq, ISIL hiện sở hữu khối tài sản lên đến 2,3 tỉ USD. Giới truyền thông phương Tây khẳng định ISIL đã trở thành tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới, hơn cả Taliban ở Afghanistan và Pakistan.
Nguồn tin trên cũng cho biết hiện ISIL đang có 10.000-15.000 tay súng hoạt động ở Syria và Iraq, bao gồm nhiều người Sunni bất mãn với chính quyền Iraq. Sau khi chiếm đóng được nhiều vùng ở Iraq, hiện ISIL đã kiểm soát một khu vực rộng 90.649km2 với 6 triệu dân. Trong một báo cáo mới công bố, ISIL cho biết đã thực hiện 9.540 chiến dịch trong năm 2013, bao gồm hàng nghìn vụ đánh bom và hơn 1.000 vụ ám sát.
Giống như ý nghĩa cái tên của tổ chức này, tham vọng của ISIL sẽ không dừng lại ở đó. “Nếu không bị chặn lại, ISIL sẽ kiểm soát toàn bộ mọi ngóc ngách ở Iraq” - báo Washington Post dẫn lời một quan chức chính quyền Iraq cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận