Người dân tham dự đám tang những cảnh sát bị sát hại trong vụ IS đánh bom xe liều chết vào một trường cảnh sát tại Zliten ngày 7-1-2016 làm ít nhất 60 người chết và khoảng 200 người khác bị thương - Ảnh: AP |
Hãng tin AFP vừa điểm lại các mốc diễn biến của quá trình gây thanh thế tại Libya của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong suốt giai đoạn từ năm 2014 tới những ngày đầu năm 2016 này.
IS trở thành một “tay chơi mới” tại quốc gia Bắc Phi vốn đã và đang rất hỗn loạn, nơi mà lực lượng chính phủ và các nhóm phiến quân đang tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ và các cơ sở khai thác dầu lớn của nước này.
Năm 2014
19-11: Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra “quan ngại” trước các thông tin cho biết lực lượng nổi dậy cực đoan thừa nhận có quan hệ với IS đang gây bất ổn ở miền đông Libya.
Các tin tức truyền thông cho biết thành phố biển miền đông Derna của Libya đã nổi lên như một căn cứ của IS và đã bị biến thành một “tiểu vương quốc Hồi giáo”.
27-12: Một vụ đánh bom xe IS tuyên bố thực hiện xảy ra tại tòa nhà an ninh ngoại giao ở thủ đô Tripoli nhưng không gây thương vong.
Năm 2015
8-1: IS tuyên bố sát hại hai nhà báo người Tunisia là Sofiene Chourabi và Nadhir Ktari, những người bị mất tích từ tháng 9-2014.
27-1: IS tuyên bố tấn công khách sạn Corinthia hạng sang ở Tripoli. Chín người bị giết hại, trong đó có một người Mỹ, một người Pháp, một người Hàn Quốc và hai người Philippines.
15-2: IS tung video cảnh chặt đầu 21 người Công giáo Ai Cập, ngoại trừ một người trong đó, tất cả họ đều là người Ai Cập. Đây là những người bị IS bắt giữ trong tháng 1. Ai Cập đã tiến hành các đợt không kích diệt IS tại Derna.
20-2: IS tuyên bố tiến hành các cuộc đánh bom xe liều chết tại Al-Qoba, gần Derna làm chết 44 người. Chúng tuyên bố những cuộc tấn công này nhằm trả thù cho những thương vong do các đợt không kích gây ra.
19-4: IS lại tung một video cảnh hành quyết 28 người Thiên Chúa giáo gốc Ethiopia.
9-6: IS tuyên bố chiếm được Sirte ở đông Tripoli. Chúng cũng đã kiểm soát sân bay của thành phố này.
12-7: IS thừa nhận đã bị đánh bật ra khỏi Derna sau nhiều tuần giao tranh ác liệt với các thành viên của hội đồng Mujahedeen của thành phố.
11-8: Giao tranh ác liệt lại xảy ra tại Sirte, lần này chính những người dân tại đây đã cầm vũ khí đứng lên chống lại IS. Cuộc chiến khiến vài chục người thiệt mạng.
5-11: Một công tố viên tại Tòa án hình sự quốc tế nói rằng các phiến quân IS đã sát hại số dân thường ở Libya nhiều hơn mọi tổ chức khác đang tham chiến tại quốc gia này. Trong năm 2015, IS đã tiến hành 27 trong số 37 vụ tấn công liều chết ở Libya.
13-11: Lần đầu tiên Mỹ tiến hành ném bom không kích các thủ lĩnh IS tại Libya và cho biết đã tiêu diệt được tên Abu Nabil, thủ lĩnh người Iraq còn có tên khác là Wissam Najm Abd Zayd al-Zubaydi. Tên này được giới quan chức Libya xác định là thủ lĩnh của IS tại Derna.
4-12: Pháp nói đã tiến hành các chuyến bay do thám ở Libya trong tháng 11, chủ yếu tại Sirte và có kế hoạch thực hiện các đợt do thám khác.
Năm 2016
4-1: IS tổ chức chiến dịch tấn công thâu tóm các cảng buôn bán dầu mỏ ở Ras Lanouf và Al-Sidra, khu vực nằm trong “vòng cung dầu mỏ” dọc theo vùng bờ biển phía bắc của Libya.
7-1: Một vụ đánh bom xe liều chết đã nhằm vào trường cảnh sát ở Zliten, phía đông Tripoli làm hơn 50 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra kể từ cuộc cách mạng năm 2011 tại Libya.
Vụ tấn công thứ hai cũng đã khiến 6 người khác thiệt mạng tại một chốt kiểm soát ở Ras Lanouf. IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm cả hai vụ tấn công này.
Mỹ tăng cường chống chiến dịch tuyên truyền của IS, al Qeada Nhà Trắng hôm 8-1 quyết định tăng cường chống chương trình truyền bá và tuyển dụng nhân lực của các tổ chức cực đoan như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al Qeada. Hãng tin AFP cho biết Nhà Trắng sẽ thành lập đội đặc nhiệm chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và nhiệm vụ mới này sẽ có sự trợ giúp từ thung lũng Silicon. Động thái nhằm đánh sập các âm mưu của IS và al Qeada, chuyên dụ dỗ người châu Âu và Mỹ gia nhập lực lượng của chúng để tổ chức các cuộc tấn công khủng bố. Giới chức Mỹ nhận ra rằng các tổ chức cực đoan đang sử dụng mạng Internet và các công cụ viễn thông điện tử để chiêu dụ con mồi, những cách mà chúng dùng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan tình báo của Mỹ cũng như quốc tế. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ các đối tác quốc tế, bao gồm cả tổ chức của chính phủ và phi chính phủ, trong các chiến dịch tiêu diệt những hoạt động truyền bá của các nhóm khủng bố như IS và al Qeada. Giới chức an ninh cấp cao của Nhà Trắng đã có cuộc họp với những công ty Internet hàng đầu ở thung lũng Silicon về việc thiết lập sự hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống chiến dịch truyền bá của IS và al Qeada trên Internet. Giới chức quản lý của các tập đoàn như Apple, Facebook, LinkedIn, Dropbox, Microsoft, Twitter, và YouTube tham dự cuộc họp này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận