19/09/2014 11:03 GMT+7

"IS đang rình rập tấn công nghị sĩ và thủ tướng Úc"

NGUYỆT PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ngày 19-9, chính phủ Úc cho biết đang tăng cường hàng rào an ninh quanh tòa nhà Quốc hội do lo ngại IS tấn công các nghị sĩ và cả thủ tướng Úc.

Thủ tướng Úc Tony Abbott trao đổi với các binh sĩ thuộc không quân hoàng gia Úc trước khi họ lên đường sang Trung Đông hỗ trợ Mỹ chống IS - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết theo các cơ quan tình báo, phiến quân IS đang âm mưu tấn công ông và nhiều nhà lãnh đạo Úc khác. “Không có gì phải nghi ngờ cả. Đó là lý do chúng tôi đang tăng cường an ninh quanh tòa nhà Quốc hội ở Canberra” - ông Abbott thông báo.  

Ông tiết lộ tình báo Úc nghe lén qua điện thoại các tay súng IS và một số nhóm cực đoan khác thảo luận về kế hoạch tấn công chính phủ Úc. 

Ông tiết lộ tình báo Úc nghe lén qua điện thoại các tay súng IS và một số nhóm cực đoan khác thảo luận về kế hoạch tấn công chính phủ Úc. Hiện nhà chức trách Úc đang triển khai lực lượng cảnh sát liên bang để bảo vệ tòa nhà Quốc hội.

Trước đó, ông Abbott cho biết IS đã ra lệnh thực hiện các vụ chặt đầu người vô tội ở Úc. Hôm qua, cảnh sát Úc đã bắt giữ 15 nghi can khủng bố trong chiến dịch truy quét ở Sydney và Brisbane. Nghi can Omarjan Azari, 22 tuổi, bị cáo buộc nhận chỉ thị của IS để thực hiện vụ tấn công khủng bố nhằm ”gây sốc và gieo rắc sự sợ hãi”.

Tình báo Úc cho rằng các cuộc tấn công và chặt đầu sẽ diễn ra chỉ trong vài ngày tới nếu chiến dịch truy quét không được thực hiện kịp thời. Ước tính có khoảng 160 công dân Úc gia nhập IS và 20 đã trở về nước, trở thành mối đe dọa an ninh.

Ông Abbott khẳng định chiến dịch chống khủng bố sẽ không mang tính chất phân biệt đối xử với người Hồi giáo ở Úc. Hôm qua, hàng trăm người dân Úc đã biểu tình ở khu ngoại ô Lakemba, trung tâm của cộng đồng người Hồi giáo ở Sydney, để phản đối nguy cơ cảnh sát phân biệt đối xử người Hồi giáo.

Thủ tướng Úc cho rằng cuộc  biểu tình này là “nhỏ” và không phản ánh quan điểm chung của đại đa số người dân Úc. “Phần lớn người Úc theo đạo Hồi là công dân Úc hạng nhất. Họ yêu nước và không có dính líu gì tới những kẻ cực đoan khát máu” - ông Abbott nhấn mạnh.

Ông Abbott kêu gọi người dân Úc tiếp tục sống bình thường, không nên hoang mang lo lắng. “Điều tốt nhất mà mọi người có thể làm trước mối đe dọa khủng bố là tiếp tục sống bình thường, bởi mục tiêu chủ yếu của khủng bố là khiến người ta lo sợ, không dám là chính mình” - ông Abbott nói.

Pháp tham gia không kích IS  

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18-9 hoan nghênh Pháp tham các cuộc không kích tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq. Bỉ tuyên bố cung cấp máy bay chiến đấu.

AFP dẫn lời ông Obama phát biểu tại Nhà Trắng xác nhận thông báo trước đó của người đồng cấp Pháp Francois Hollande: "Là một trong những đồng minh lâu đời nhất và gần gũi nhất của chúng tôi, Pháp là một đối tác mạnh mẽ trong các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và chúng tôi rất vui mừng rằng Pháp và Mỹ sẽ lại một lần nữa làm việc cùng nhau".

Mỹ đang nỗ lực xây dựng một liên minh với hàng chục quốc gia từ các đồng minh phương Tây đến các nước trung đông để tiêu diệt IS nhưng không phải nước nào cũng sẵn sàng tham gia hành động quân sự trực tiếp. Một số nước chỉ chấp nhận hỗ trợ nhân đạo hoặc cung cấp vũ trang cho các lực lượng địa phương của Iraq.

Từ đầu tuần này, Pháp đã tiến hành các chuyến bay trinh sát trên bầu trời Iraq và cung cấp vũ khí cho các lực lượng người Kurd chiến đấu với nhóm IS.

Cũng trong ngày 18-9, Reuters dẫn tuyên bố của bộ quốc phòng Bỉ tuyên bố sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu và các lực lượng đặc nhiệm tham gia cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Bộ trưởng Pieter De Crem cho biết đã chuẩn bị sẵn ba khả năng đóng góp và chỉ còn chờ yêu cầu chính thức từ Mỹ.

Theo đó, Bỉ có thể điều động 16 chiến đấu cơ cùng 120 phi công, nhân viên hỗ trợ hoặc cung cấp hai máy bay vận tải C-130. Khả năng thứ ba là nước này có thể cử 35 binh lính đặc nhiệm đến cố vấn cho lực lượng địa phương. Sự tham gia của Bỉ cũng cần quốc hội thông qua nhưng dự kiến sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ.

Nguy cơ bành trướng Hồi giáo cực đoan ở Indonesia ​ 

Báo Jakarta Post dẫn lời giới chuyên gia cho rằng giai đoạn chính phủ Indonesia tập trung cho quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho tổng thống đắc cử Joko Widodo là "thời cơ" để Abu Wardah Santoso, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Mujahideen Đông Indonesia (MIT - có sào huyệt ở đảo Sulawesi), bành trướng sự ảnh hưởng của mình.

Ông Sidney Jones, giám đốc Viện phân tích chính sách về xung đột ở Jakarta, cho biết Abu Wardah Santoso là nhân vật có các mối liên hệ mật thiết với tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) và được cho là người Indonesia đầu tiên tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

“Đang có những nhân vật đã từng huấn luyện với Santoso chiến đấu cho IS” - chuyên gia Jones khẳng định.

Chính phủ Indonesia cho biết có 66 người Indonesia sang Iraq và Syria gia nhập IS. Hiện Indonesia đang theo dõi các vùng được cho là sào huyệt của các hoạt động cực đoan, bao gồm Poso, Ambon ở đảo Maluku, đông và trung Java.

Giới chức chống khủng bố Indonesia cho rằng chính phủ nước này đang vấp phải khó khăn khi vừa đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực suông sẻ vào ngày 20-10, vừa phải mất khá nhiều thời gian để giải quyết các phiến quân cực đoan như Santoso.

Nguồn tin cho biết Santoso đang ẩn náu ở khu vực Taman Jeka, nằm sâu trong dải núi Blue Mountain ở Poso. Địa hình hiểm trở ở khu vực này rất thuận lợi cho các nhóm phiến quân huấn luyện thành viên.

"Santoso rất nguy hiểm vì ông ta có ảnh hưởng mạnh đến người dân ở Poso. Ông ta có thể khống chế tất cả những thánh đường Hồi giáo ở đây” - nguồn tin trên nhận định.

MỸ LOAN

 

 

NGUYỆT PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp