05/01/2020 15:00 GMT+7

Iran đã mở rộng ảnh hưởng ở Iraq như thế nào?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Iraq có thể sẽ trở thành chiến trường ủy nhiệm. Trong 15 năm qua, Iran đã xây dựng quan hệ mật thiết với Iraq.

Iran đã mở rộng ảnh hưởng ở Iraq như thế nào? - Ảnh 1.

Ngày 4-1-2020 tại Baghdad, các thành viên lực lượng bán quân sự Kataeb Hezbollah tham dự lễ tang chỉ huy Abu Mahdi al-Muhandis (bị máy bay Mỹ giết cùng với tướng Soleimani) - Ảnh: AFP

Iran đã cài người thành công vào mọi tầng nấc hệ thống chính trị Iraq

Chuyên gia Thierry Coville ở IRIS

Kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Iran đã phát triển chiến lược hỗ trợ các nhóm dòng Shiite trong khu vực. Năm 2004, quốc vương Adbullah II của Jordan đã từng quan ngại về "vùng lưỡi liềm Shiite" chạy từ Lebanon sang Iran. 15 năm sau, Iran đã củng cố vị thế  đáng kể trong khu vực, đặc biệt với Iraq.

Thời cơ mở rộng ảnh hưởng

Dưới thời Tổng thống Saddam Hussein (dòng Sunni), người Shiite chiếm 60% dân số bị áp chế. Trong chiến tranh Iran-Iraq kéo dài tám năm (1980-1988), nhiều nhân vật chính trị Shiite phải chạy sang Iran lánh nạn. Đến khi Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, người Shiite giành lại quyền lực và quan hệ ngoại giao với Iraq-Iran trở lại bình thường.

Chuyên gia Alain Rodier - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R) - viết trên trang Atlantico: Người Mỹ xâm chiếm Iraq là "phước lành của thượng đế" đối với Iran. Khi toàn bộ cơ sở hạ tầng dòng Sunni bị quân chiến thắng tàn phá, Tehran đã tổ chức các phong trào dòng Shiite ở Iraq thành các lực lượng chiến đấu".

Sự hiện diện của Iran tại Iraq càng được củng cố sau khi Mỹ rút quân năm 2011. Iran vội vã lấp đầy khoảng trống đến mức như tiến sĩ Thierry Coville ở Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS) ghi nhận: "Không có gì làm ở Iraq mà không có Iran hỗ trợ".

Tình báo Iran hành động

Cuối năm ngoái, trang web The Intercept (Mỹ) đã công bố hàng trăm tài liệu tình báo Iran năm 2014 và 2015 do một người ẩn danh cung cấp cho thấy Iran đã nhắm đến các nhà chính trị Iraq trước tiên.

Theo tài liệu, tình báo Iran đã thiết lập quan hệ đặc biệt với Bộ trưởng Dầu khí Adel Abdul Mahdi (sau này giữ chức thủ tướng Iraq và mới từ chức ngày 1-12-2019), Ngoại trưởng Ibrahim al-Jaafari (2014-2018) cùng nhiều thành viên nội các khác. Tình báo Iran còn cài một điệp viên trong những người thân cận chủ tịch Quốc hội Iraq.

Ngoài ra, tình báo Iran đã tuyển dụng các cộng tác viên cung cấp tin ngày trước cho CIA và nhắm đến lực lượng an ninh Iraq. Các mối quan hệ đặc biệt ở Iraq sẽ giúp Iran bảo vệ lợi ích tốt nhất có thể. 

Báo Libération nêu bằng chứng vào mùa thu năm 2014, lúc liên quân quốc tế bắt đầu đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Iran cử một quan chức cấp cao đến Iraq đàm phán sử dụng không phận Iraq để tiếp tục gửi vũ khí cho chính phủ Syria. Bộ trưởng Giao thông vận tải Iraq cho phép bất chấp Mỹ phản đối.

Iran đã mở rộng ảnh hưởng ở Iraq như thế nào? - Ảnh 3.

Các thành viên lực lượng bán quân sự Kataeb Hezbollah tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm 31-12-2019 - Ảnh: AP

Những quân cờ Iran tại Iraq

Mùa hè năm 2014, khi IS đánh chiếm miền bắc Iraq, các nhà lãnh đạo Iraq kêu gọi giúp đỡ nhưng không ai trả lời, kể cả Mỹ. Chỉ có Iran giúp Iraq chặn đứng đà tiến IS. Iran giúp Iraq chống IS bằng các lực lượng dân quân dòng Shiite.

Nhà sử học Pierre-Jean Luizard giải thích: "Vệ binh cách mạng Iran thành lập các nhóm bán quân sự dòng Shiite ở Iraq và tin tưởng các lực lượng này còn hơn cả quân đội chính quy Iraq". Lực lượng mạnh nhất là Kataeb Hezbollah.

Các lực lượng bán quân sự dòng Shiite là những thực thể độc lập với cơ quan công quyền như một quốc gia trong một quốc gia. Bởi vậy các tay súng Kataeb Hezbollah tham chiến ở Syria mà chẳng cần thủ tướng Iraq cho phép. Kataeb Hezbollah tuân phục Iran là trung thành về quan điểm tôn giáo, công nhận đại giáo chủ Iran Khamenei là lãnh đạo tối cao theo giáo luật velayat-e faqih (hệ thống cai trị Hồi giáo dòng Shiite chủ trương các giáo sĩ phải nắm quyền lực chính trị).

Ngoài ra, Iran đã trở thành đồng minh nặng ký của Iraq, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tiếp tục trừng phạt kinh tế Iran. Iran muốn vực dậy kinh tế và trở thành đối tác thương mại lớn của Iraq. Với quan hệ mất thiết ấy với Iraq, các lực lượng dân quân Iraq như Kataeb Hezbollah sẽ gia tăng quấy rối Mỹ trong tình hình căng thẳng hiện nay.

• Syria: Từ đầu xung đột năm 2011, Iran đã phái cố vấn quân sự và quân Iran đến ủng hộ Tổng thống Assad. Thỏa thuận hợp tác quân sự được ký kết giữa hai nước năm 2018 nhấn mạnh Iran phải giúp Syria bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ. Iran nhắm đến mục tiêu hiện diện lâu dài ở Syria, nơi Nga đang củng cố ảnh hưởng về kinh tế lẫn quân sự.

• Lebanon: Hezbollah (dòng Shiite) ra đời để chống lại Israel chiếm đóng miền nam Lebanon năm 1982. Iran đã hỗ trợ Hezbollah về tài chính và quân sự. Hassan Nasrallah - thủ lĩnh Hezbollah xem tướng Qasem Soleimani như "cha đỡ đầu tinh thần". Iran xem Lebanon là tiền đồn chống kẻ thù Israel.

• Yemen: Phiến quân Houthi chống chính phủ nổi dậy từ năm 2014 xuất thân từ miền bắc, nơi người Shiite cư trú chủ yếu. Houthi được Hezbollah ở Lebanon giúp và Iran hỗ trợ quân sự rực tiếp. Các lãnh đạo Houthi đã được lãnh tụ tối cao Iran đón tiếp tại Tehran. Đối với Iran, Yemen giữ vai trò chiến lược vì có chung biên giới dài với Saudi Arabia, đối thủ Iran.

Xung đột Iran và Mỹ khởi động bằng chiến tranh công nghệ? Xung đột Iran và Mỹ khởi động bằng chiến tranh công nghệ?

TTO - Trước những lời đe dọa trả thù từ Iran về việc Mỹ không kích giết tướng tình báo Qasem Soleimani, giới phân tích cho rằng công nghệ có thể là mặt trận đầu tiên.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Iran Iraq
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp