Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami (trái) và tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại cuộc họp báo ngày 12-9 ở Tehran, Iran - Ảnh: REUTERS
Theo thỏa thuận đạt được ngày 12-9 sau cuộc họp với tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami xác nhận việc cho phép các thanh sát viên của IAEA sử dụng các thiết bị giám sát lắp tại các cơ sở hạt nhân Iran, thay bộ nhớ dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được niêm phong và lưu trữ tại Iran dưới sự giám sát chung của IAEA và AEOI.
"Chúng tôi đã đồng ý về việc thay thẻ nhớ của IAEA cho các camera giám sát" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Eslami nói.
Trước chuyến thăm của ông Grossi, IAEA thông báo với các nước thành viên rằng không có tiến triển trong 2 vấn đề trọng tâm: yêu cầu Iran giải thích về dấu vết uranium tại một số cơ sở hạt nhân cũ, yêu cầu Iran cho phép tiếp cận khẩn cấp một số thiết bị giám sát để IAEA có thể tiếp tục giám sát chương trình hạt nhân của Iran theo quy định của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vấn đề thanh sát là trọng tâm của căng thẳng quanh cuộc đàm phán thời gian qua.
Theo giới quan sát, thỏa thuận ngày 12-9 đem lại hy vọng cho đàm phán bị đình trệ từ tháng 6-2021. Trước đó, các nước phương Tây đang cân nhắc việc thúc đẩy một nghị quyết lên án Iran và gây sức ép lên IAEA tại cuộc họp của cơ quan này vào tuần sau. Nghị quyết chỉ trích có thể khiến Tehran từ chối quay lại đàm phán.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington "gần sắp" từ bỏ các nỗ lực ngoại giao.
Về phần mình, Iran khẳng định minh bạch trong vấn đề hạt nhân, đồng thời kêu gọi IAEA nên có thái độ khách quan đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Theo thỏa thuận năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp cấm vận. Năm 2018, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận, tái áp đặt trừng phạt kinh tế. Iran sau đó đã phản ứng bằng việc phá các cam kết, chẳng làm giàu uranium đến mức có thể sử dụng trong vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận