Tổng thống Iran Hassan Rouhani (áo đen) thị sát một cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran - Ảnh: AFP
“Xem xét các hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ cũng như 3 cường quốc châu Âu, Iran không coi đây là thời điểm để tổ chức một cuộc họp không chính thức với các nước này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh trong thông cáo ngày 28-2.
Vị này kế đó tái khẳng định quan điểm của Tehran về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1. Theo đó, Mỹ trước tiên phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương có từ thời chính quyền Donald Trump trước khi muốn tiếp tục với Iran.
Phản ứng trước lời khước từ của Iran, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Mỹ thất vọng nhưng vẫn sẵn sàng "tái tham gia các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa". Bà này cũng khẳng định Mỹ sẽ tham khảo ý kiến của các cường quốc khác để tìm kiếm một con đường mới.
Washington dưới thời ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran với hi vọng có thể bóp nghẹt được nguồn tài chính cho các chương trình vũ khí của nước này. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ hồi sinh thỏa thuận hạt nhân và tìm cách liên lạc với Tehran.
Iran trước đó đã thu hẹp chương trình giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hạn chế các thanh sát viên quốc tế tiếp cận những cơ sở hạt nhân của nước này. Chính quyền Tehran sau đó tuyên bố sẽ đáp trả "thích hợp" nếu IAEA ra nghị quyết lên án Iran theo đề xuất của Mỹ.
Giới quan sát nhận định việc Iran thu hẹp quy mô giám sát của IAEA là một trong nhiều bước đi nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán.
Đại diện thường trực của Nga tại IAEA, ông Mikhail Ulyanov đã kêu gọi ban lãnh đạo IAEA theo đuổi cách tiếp cận "có trách nhiệm". Theo ông Ulyanov, điều này có ý nghĩa với nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và các diễn biến liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết việc Iran từ chối chỉ là một phần của quá trình ngoại giao. "Chúng tôi không nghĩ rằng đây là cuối con đường. Thật xui khi người Iran nói không nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều phương án mở khác", vị này tỏ ra lạc quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận