Ông Trần Ngọc Nguyên thông tin về các nhà đầu tư chiến lược quan tâm nhà đầu tư. Ảnh: BSR
Thông tin được ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, đưa ra tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào công ty vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại TP.HCM sáng 20-12.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Theo ông Nguyên, đa số các doanh nghiệp muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR đều là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực lọc hóa dầu, xăng dầu.
Chẳng hạn, bên cạnh ông lớntrong nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hiện có 2 đơn vị nước ngoài đặt vấn đề mua tối đa cổ phần là 49% gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum từ châu Phi.
Ngoài ra, một số tập đoàn dầu khí trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT - công ty dầu khí lớn nhất của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait cũng đã đánh tiếng mua cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất
"Hiện tại công ty đang lựa chọn cổ đông chiến lược vì thế thời điểm này BSR chưa chốt danh sách. Tới đây, BSR sẽ phải bàn thảo rất kỹ lưỡng với các đối tác về những chiến lược hợp tác cụ thể", ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, tiêu chí ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược gồm năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu 10.000 tỉ đồng, cùng ngành nghề lĩnh vực lọc hóa dầu, xăng dầu, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và không có lỗ lũy kế, cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính, không chuyển nhượng cổ phần được mua, có hệ thống phân phối xăng dầu…
Ông Nguyên cho biết thêm công ty đang đẩy mạnh triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy để tăng công suất và có thể chế biến 200 - 300 loại dầu thô, đáp ứng chất lượng Euro 4, 5 để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện tại, BSR đã hoàn thành thiết kế tổng thể, mua bản quyền công nghệ, tổ chức đấu thầu sơ tuyển và lựa chọn nhà thầu xây lắp giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng…
Lợi thế từ 40% thị phần cung ứng xăng dầu
Đánh giá về hiệu quả việc mở rộng, nâng cấp nhà máy, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu và Phát triển Việt Nam (BSC), việc nâng cấp sẽ giúp BSR tăng thêm 30% công suất, có khả năng chế biến 300 loại dầu thô, nâng chất lượng sản phẩm từ Euro 2 lên Euro 5, sẽ đảm bảo hoạt động dài hạn cho BSR.
Chưa kể, sản phẩm của BSR cũng có lợi thế về giá khi chi phí vận chuyển, bảo chuyển của công ty này thấp hơn sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Ngoài yếu tố đầu vào được đảm bảo do có nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định từ các đối tác lớn như Total, Rosneft, Gazprommeft hay Socar… ông Long đánh giá việc thiết lập hệ thống với các nhà phân phối như Petrolimex, PVOil, SaigonPetro, Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp… chiếm từ 73%-84% doanh thu hàng năm của công ty, giúp BSR quản trị doanh thu, lợi nhuận và kênh phân phối hiệu quả.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng lợi thế lớn của BSR ngoài tình hình tài chính lạc quan, thị phần lên đến 40% là lợi thế rất lớn của Bình Sơn, sẽ giúp doanh nghiệp ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng khuyến nghị cần tăng cường hơn nữa công tác quản trị khi BSR có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Năm 2018 dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BSR sẽ đạt tương ứng 102.217 tỉ và 8.341 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ tăng dần lên và đạt 8.737 tỉ đồng năm 2021.
BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa (3,2 tỉ USD).
Dự kiến vào ngày 17-01-2018, BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD.
Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862.500 tỉ đồng (gần 38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143.100 tỉ đồng (gần 7 tỉ USD).
Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%.
Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%; Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.
Năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10% PVN.
Đặc biệt, BSR đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN. Theo tính toán, một lao động BSR mỗi năm làm ra trên 50 tỉ đồng doanh thu, trên 5 tỉ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỉ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.
Ngoài ra, Công ty BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 và đứng thứ 7 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 theo đánh giá của Vietnam Report.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận