05/01/2018 23:08 GMT+7

IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn: Cú hích cho cổ phần hóa, thoái vốn

N.AN
N.AN

TTO - "Xông đất" IPO trong năm 2018, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) kỳ vọng là cú hích cho cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiệu quả trong năm 2018.

IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn: Cú hích cho cổ phần hóa, thoái vốn - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư tham dự roadshow giới thiệu cổ phiếu BSR chiều ngày 5-1. Ảnh: BSR

Ngày 17-1, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm nay, theo thông tin được đưa ra tại buổi "Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phần BSR" chiều 5-1.

Bộ Tài chính đánh giá mặc dù là một công ty con của Tập đoàn Dầu khí (PVN), nhưng BSR lại có quy mô của một tổng công ty lớn, với vốn điều lệ lên tới hơn 31.000 tỉ đồng (1,4 tỉ USD), doanh thu hằng năm trên 3 tỉ USD, nộp ngân sách hằng năm trên 10.000 tỉ đồng và tổng nộp ngân sách từ khi hoạt động đến nay là 7 tỉ USD.

Bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, quyết tâm cổ phần hóa

BSR là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên dự kiến tỉ lệ nhà nước sở hữu giảm xuống dưới 50%, trong đó chào bán cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 49%. 

Điều này được cho là thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành trong việc cổ phần hóa, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư được sở hữu tỉ lệ đáng kể, thậm chí là cổ đông lớn nhất của BSR, đơn vị tiên phong trong ngành lọc - hóa dầu Việt Nam.

Ngày 17-1-2018, BSR sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm nay, mở màn cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn trong năm 2018.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhìn nhận sự kiện này sẽ có ý nghĩa quan trọng cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018.

Lý do là với quy mô chào bán lên đến hơn 3.500 tỉ đồng tính theo giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần, thì đây sẽ là một trong những đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các đợt IPO của các doanh nghiệp nhà nước trước đó như Đạm Cà Mau; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV và Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam…

Ông Lê Mạnh Hùng - phó tổng giám đốc PVN, đơn vị chủ quản BSR - cho rằng: cổ phần hóa BSR sẽ là một trong những bước chuẩn bị cho việc huy động vốn đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Dự án nâng cấp mở rộng dự kiến có tổng mức đầu tư 1,8 tỉ USD với tỉ lệ vốn chủ tài trợ 30%, sẽ bắt đầu được giải ngân tập trung trong giai đoạn 2019-2021.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn tăng 21%

Sau khi dự án đi vào vận hành, dự kiến công suất chế biến của BSR sẽ nâng lên 8,5 triệu tấn/năm, các nguồn dầu thô có thể xử lý được sẽ được nâng lên trên 300 loại và chất lượng sản phẩm nhà máy sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 theo đúng lộ trình tiêu chuẩn khí thải được quy định tại quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong tương lai gần, BSR sẽ khai thác lợi thế gần mỏ khí Cá Voi Xanh để đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, tối đa hóa sản lượng các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa PP do nhu cầu thị trường còn rất lớn, biên lợi nhuận của sản phẩm này cũng cao hơn hẳn các sản phẩm lọc dầu, trong khi đó nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 15%.

Năm 2017, BSR đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về sản lượng và các chỉ tiêu tài chính. 

Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn, doanh thu ước đạt 80.517 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 10.392 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỉ đồng. 

Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỉ đồng, nộp ngân sách 8.326 tỉ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 3.473 tỉ đồng.

"Với tỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 14% năm 2014 lên hơn 21% năm 2017, cùng chỉ số thanh toán ngắn hạn tức thời với tỉ lệ 0,7/1 (2014) xuống 0,9/1 (2016) - tức là BSR đủ tiền mặt để trang trải các chi phí, cùng đó là các tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn đều ở mức thanh khoản cao. Điều này cho thấy sự hấp dẫn rất lớn của cổ phiếu BSR đối với các nhà đầu tư" - ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng VietBank, đánh giá.

Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (gần 38 tỉ USD), nộp ngân sách nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). 

Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56% và tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.

Theo quyết định 1978/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1,3 tỉ cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ.

Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6,4 triệu cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ.

241,5 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ.

1,5 tỉ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.

Năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Nộp ngân sách nhà nước chiếm 10% PVN.

Đặc biệt, BSR đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN. Theo tính toán, một người lao động BSR một năm làm ra trên 50 tỉ đồng doanh thu, trên 5 tỉ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỉ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.

Ngoài ra, Công ty BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017 và đứng thứ 7 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 theo đánh giá của Tổ chức Vietnam Report.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp