09/06/2011 07:56 GMT+7

Interpol cảnh báo về hộ chiếu giả

TRẦN PHƯƠNG - DUY PHÚC
TRẦN PHƯƠNG - DUY PHÚC

TT - Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) kêu gọi các hãng hàng không thế giới nhanh chóng lập một ngân hàng hộ chiếu quốc tế để ngăn chặn những hành động khủng bố mới tương tự như vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

pmgTn09G.jpgPhóng to

Ông Ronald Noble, tổng thư ký Interpol, cầm một giấy thông hành an ninh cá nhân để minh họa việc làm giả giấy thông hành đang trở nên dễ dàng như thế nào tại cuộc họp của IATA ở Singapore ngày 7-6 - Ảnh: AP

Việc cùng chia sẻ một ngân hàng hộ chiếu sẽ cho phép dễ dàng phát hiện những hộ chiếu giả, bị thất lạc hay bị đánh cắp, như giải thích của ông Ronald Noble - tổng thư ký Interpol - trước hội nghị toàn thể của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) tại Singapore ngày 7-6.

Ngân hàng hộ chiếu

“Các ngài phải lập một ngân hàng dữ liệu tập hợp các thông tin về hành khách đi lại khắp thế giới, trong đó có chứa số hộ chiếu bị đánh cắp” - ông Ronald Noble nói.

Ông Ronald Noble không quên nhắc lại một trong những tên khủng bố trong vụ 11-9-2001 đã xâm nhập được vào Mỹ với một hộ chiếu ăn cắp. “Có rất nhiều kẻ tình nghi bay qua nhiều nước khác với hộ chiếu giả để được huấn luyện thành những phần tử khủng bố mà không hề bị phát hiện. Vì thế, một cơ sở dữ liệu hộ chiếu có thể giúp ngăn chặn hoạt động của bọn khủng bố” - ông Ronald Noble nhấn mạnh.

Theo thống kê, “phân nửa số chuyến bay quốc tế không được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Khoảng gần nửa tỉ hành khách không được kiểm tra mỗi năm. Nếu những kẻ khủng bố có thể di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không bị phát hiện, đó là một nguy cơ cho tất cả các nước.

Theo quan điểm của Interpol, đây là nguy cơ số 1 cho an ninh thế giới” - ông Noble khẳng định trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị tại Singapore, và lấy làm tiếc là các hãng hàng không vẫn hạn chế chia sẻ thông tin về khách hàng với nhau. “Vấn đề này đã tồn tại từ năm 1993 và ngành hàng không lẽ ra phải lo lắng, nhưng xem ra họ vẫn bình chân như vại và chẳng làm gì cả”.

Tuy nhiên, đề nghị của Interpol lại chỉ được đón nhận dè dặt từ phía đại diện các hãng hàng không quốc tế - thành viên của IATA. “Tôi chẳng ủng hộ cho cái màng lọc này” - đại diện một hãng hàng không nói và cho rằng các tổ chức tội phạm có thể sử dụng những kẻ không hề có tên trong danh sách đen mà là những “cửu vạn” giống như trong vận chuyển ma túy.

Elyezer Shkedy, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hãng hàng không EI Al của Israel, lại ủng hộ gợi ý của Interpol khi nhấn mạnh đối với các hãng hàng không, vấn đề không phải là “chia sẻ tất cả thông tin” về khách hàng của mình mà chỉ là chia sẻ những thông tin cần thiết “cho cuộc đấu tranh chống khủng bố”.

Đặt “đại bản doanh” tại Geneva, IATA đại diện cho 230 hãng hàng không thế giới và đảm bảo hơn 90% giao thông thế giới.

Khuyến cáo của Interpol được đưa ra trong bối cảnh hộ chiếu giả đang là lo ngại ở nhiều nước trong việc chống khủng bố.

Indonesia mới đây đã kết tội một nhân viên thuế vụ về tội mua một hộ chiếu giả với giá 20.000 USD để du lịch nước ngoài sau khi hối lộ các quan chức nhà tù, nơi y đang bị giam giữ vì bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Việc Gayus Tambunan, 32 tuổi, ung dung đi du lịch Singapore, Malaysia và Macau không chỉ cho thấy sự lỏng lẻo của luật pháp mà còn là sự phổ biến của thị trường làm hộ chiếu giả. Công tố viên Indonesia cho biết Gayus đã mua hộ chiếu giả từ một người Mỹ tên John Jerome Grice.

Năm ngoái, dư luận châu Âu cũng xôn xao việc nhân viên ngoại giao Israel tại Úc và Anh bị trục xuất vì sử dụng hộ chiếu giả. Việc điều tra sau đó phanh phui một đường dây sát thủ của Israel với hộ chiếu giả từ nhiều nước như Đức, Pháp, Úc... để tham gia ám sát một lãnh đạo của phong trào Hamas, ông Mahmoud al-Mabhouh, tại Dubai.

Gắn chip điện tử trên hộ chiếu

Trước các lo ngại về giả mạo giấy tờ và nguy cơ khủng bố hàng không, hội nghị thường niên của IATA tại Singapore năm nay đã tập trung vào việc nâng cấp hệ thống kiểm tra an ninh tại các sân bay.

Theo mô hình được gọi là Điểm kiểm soát tương lai đặt tại sân bay Singapore, hệ thống an ninh mới sẽ dựa trên phương pháp sinh trắc học, cụ thể là quét đồng tử, để đối chiếu với thông tin thu được từ một con chip điện tử gắn trên hộ chiếu. Sau đó, hành khách sẽ đi qua một khoang đặc biệt dài khoảng 6m được trang bị các cảm biến quét toàn bộ từ giày dép, quần áo đến hành lý... Sẽ có các khoang quét khác nhau tùy theo nguy cơ của mỗi dạng hành khách được máy quét phân loại: ít nguy hiểm hoặc rất nguy hiểm. Dự kiến hệ thống mới sẽ được triển khai trong vòng năm năm tới.

Biện pháp mới này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các thành viên IATA bởi nó không chỉ giúp tăng cường kiểm soát an ninh mà còn đơn giản hóa việc kiểm soát an ninh vốn thường mất hơn nửa giờ. Các biện pháp an ninh rườm rà cũng khiến ngành vận tải hàng không mất dần thị phần vào tay các dịch vụ tàu lửa, tàu thủy hoặc xe hơi. Theo IATA, lợi nhuận của ngành đã giảm mạnh từ 18 tỉ USD xuống còn 4 tỉ USD trong năm ngoái.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi, trước hết là việc sẽ phân loại hành khách theo các tiêu chí như thế nào. Việc đồng bộ thông tin về hành khách trên toàn thế giới cũng là một điều hết sức khó khăn khi hầu hết các chính phủ đều không muốn chia sẻ dữ liệu với nước ngoài. Ngoài ra, việc chỉ dựa vào công nghệ để kiểm soát cũng khiến nhiều người lo ngại các phần tử khủng bố sẽ sớm tìm được cách chế ngự cho dù hệ thống này có phức tạp đến mức nào đi nữa.

TRẦN PHƯƠNG - DUY PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp