09/02/2023 09:12 GMT+7

Internet 'rùa bò' vẫn thu đủ tiền!

Việc 4/5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang gặp sự cố đã gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt của đông đảo người dùng mạng Internet.

Internet rùa bò vẫn thu đủ tiền! - Ảnh 1.

Tốc độ Internet chậm, rất ngán điệp khúc "xin thông cảm" từ các nhà mạng - Ảnh: Họa sĩ DAD

Mức độ sự cố bị ảnh hưởng rõ rệt và có phần nặng nề hơn khi lượng công việc bắt đầu nhiều hơn sau Tết. Tuy có yếu tố khách quan về việc đứt cáp và thời gian khắc phục nhưng nhiều khách hàng cho rằng họ đã rất ngán điệp khúc "xin thông cảm" từ các nhà mạng.

Người dùng Intetnet ta thán

Chỉ tính riêng 10 ngày gần đây, doanh thu của một doanh nghiệp (quận 1, TP.HCM) chuyên cung cấp và phân phối quảng cáo qua mạng đã bị mất gần 70% do Internet chập chờn. Ông T., giám đốc công ty, cho biết công ty là đối tác cung cấp quảng cáo trực tuyến và phân phối Adnetwork (mạng lưới quảng cáo) quốc tế với các nhà xuất bản trực tuyến. "Internet chập chờn từ sau Tết khiến các quảng cáo được tải chậm hơn bình thường rất nhiều, thậm chí không tải được. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp như chúng tôi", ông T. nói.

Sau Tết Nguyên đán là sắp đến ngày lễ Valentine (14-2) và Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, nhu cầu mua sắm các mặt hàng làm quà tặng chắc chắn sẽ tăng mạnh nên chị Uyên Như (TP.HCM) - chủ một cửa hàng online - đã lên kế hoạch từ trước. Thế nhưng việc kết nối Internet chậm mấy ngày nay đã khiến công việc của chị bị xáo trộn.

"Khách chốt đơn qua chat, nhưng đến khâu giao hàng đi lại bị cà giựt. Tôi bắt xe công nghệ đi giao hàng thì app cứ xoay vòng vòng nên đơn nọ tréo qua đơn kia. Tôi tạo đơn chuyển hàng đi tỉnh thì web của bên dịch vụ cũng bị chậm. Đặc biệt việc nhập hàng đang bị đứng lại", chị Như than vãn.

Những người cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của tốc độ Internet "rùa bò" là những người dùng dịch vụ video call (hay hội nghị truyền hình) với đồng nghiệp, đối tác nước ngoài. Anh Huy Thông, giám đốc một công ty truyền thông (TP.HCM), cho biết hợp đồng với đối tác ở nước ngoài đến giờ vẫn chưa chốt được bởi "những cuộc gặp không suôn sẻ". "Kết thúc cuộc họp là sự bực mình vì không chốt được hợp đồng trong khi thời gian "chạy" chiến dịch cận kề. Nguy cơ hủy là không hề nhỏ", anh Thông chia sẻ.

Internet "rùa bò" còn khiến rất nhiều người dùng các dịch vụ giải trí, nhất là những người "sống" trên mạng, dễ bức xúc nhất. "Tivi nhà tôi cứ tầm 21h là đứng hình liên tục" - chị Thùy Linh, nhân viên ngân hàng, phản ảnh. Còn chị Kiều Diệp, nhân viên truyền thông, đã phải nhiều lần gọi lên tổng đài nhà mạng bởi đến truy cập web còn khó, chứ đừng nói đến gửi tài liệu đi, tải tài liệu về. "Tôi dùng Internet cáp quang gói 300.000 đồng/tháng nhưng gửi một tài liệu chỉ chừng 3MB đi mất hơn 5 phút thì làm việc trực tuyến từ xa kiểu gì được. Mỗi năm đứt cáp gần chục lần, người dùng như chúng tôi lãnh đủ thiệt hại nhưng vẫn phải đóng đủ cước phí, đóng chậm một ngày là bị cắt mạng ngay" - chị Diệp bức xúc.

Internet rùa bò vẫn thu đủ tiền! - Ảnh 2.

Người dùng "mệt mỏi" vì Internet liên tục chập chờn thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Internet rùa bò vẫn thu đủ tiền! - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Nhà mạng với điệp khúc "khách hàng thông cảm"

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-2, lãnh đạo một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) thừa nhận đây là lần đầu tiên 4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam kết nối đi quốc tế gặp sự cố cùng lúc, đây là sự cố bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam, "mong khách hàng thông cảm và cùng chia sẻ".

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về thiệt hại của người dùng, chuyện trách nhiệm của nhà mạng chẳng hạn như đền bù để chia sẻ cùng khách hàng, vị lãnh đạo này chỉ cho biết: "Các nhà mạng viễn thông chúng tôi đều rất khổ sở mỗi khi cáp biển xảy ra sự cố. Nhà mạng Việt Nam góp tiền xây dựng từ đầu nhưng việc vận hành và sửa chữa hoàn toàn là do các đối tác nước ngoài. Sự cố xảy ra, các bên tham gia đều cùng gánh chịu. Chúng tôi cũng bị động chờ thông tin từ đơn vị vận hành về nguyên nhân, lịch sửa chữa, thời gian khôi phục, chứ đâu thể làm gì hơn".

Trong khi đó, các câu hỏi về đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố đến khách hàng, phương án đền bù thiệt hại cho người dùng… đều đã được Tuổi Trẻ gửi đến các nhà mạng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được trả lời cụ thể hoặc chỉ có nội dung chung chung. Chẳng hạn đại diện nhà mạng Viettel cho biết Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) luôn dự phòng 40% dung lượng đi quốc tế để sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp. Khi có hiện tượng cao tải, các hệ thống do chính nhân sự của Viettel Networks xây dựng sẽ tự động cân bằng tải, định tuyến và điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền. Bên cạnh đó, để đảm bảo dự phòng, ngay khi sự cố xảy ra, Viettel đã đầu tư bổ sung thêm 30% dung lượng đường truyền quốc tế, và sẵn sàng bổ sung tiếp 400Gbps trong tháng 2-2023 khi chờ sửa chữa các tuyến cáp biển bị đứt.

Đại diện VNPT cũng cho biết đã chủ động thực hiện các phương án ứng cứu để đảm bảo kết nối Internet quốc tế cho các khách hàng của mình, bao gồm việc chia sẻ tải giữa các link quốc tế, chủ động làm việc với các đối tác Facebook, TikTok, YouTube, tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất... Đại diện nhà mạng này cũng thừa nhận: "Việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam đều bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt trong các giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông Internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim…". VNPT cũng cho biết đang tiếp tục triển khai thêm các phương án ứng cứu nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng truy cập Internet quốc tế cho khách hàng trong thời gian khắc phục sự cố cáp quang biển quốc tế.

Hệ thống Internet kết nối đi quốc tế của Việt Nam

* Cáp quang biển: gồm có 5 tuyến cáp đang hoạt động là: AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE 3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1), chiếm 90% lưu lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

* Cáp quang đất liền: gồm tuyến cáp đất qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tuyến cáp đất nối Việt Nam với Lào, Campuchia... Các tuyến cáp đất quốc tế có độ ổn định cao, được sử dụng dự phòng cho các tuyến cáp biển khi có sự cố.

* Khai thác dung lượng truyền dẫn trên một số tuyến cáp quang biển quốc tế không kết cuối tại Việt Nam, như: Faster, Unity, APCN2, SMW-4... nhằm đáp ứng dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Âu.

Internet rùa bò vẫn thu đủ tiền! - Ảnh 5.

Tốc độ Internet WiFi một người dùng tại TP.HCM tự đo trong chiều 8-2 chỉ vỏn vẹn hơn 5Mbps (tải xuống) và 2.48Mbps (tải lên) - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Thời gian khắc phục sự cố cáp quang biển: 1 tháng là bình thường!

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một nhà mạng cho biết theo quy trình sửa chữa, khắc phục sự cố cáp quang biển khi có sự cố xảy ra gồm:

* Đơn vị quốc tế vận hành tuyến cáp sẽ thông báo đến các nhà mạng có khai thác dung lượng trên tuyến cáp và bắt đầu đo, kiểm để xác định vị trí xảy ra sự cố cũng như tìm hiểu sơ bộ nguyên nhân (đứt cáp, sụt nguồn...).

* Đơn vị vận hành sẽ liên hệ với đội tàu chuyên sửa cáp quang biển để đăng ký lịch sửa chữa. Khi một tàu nhận được lệnh, chiếc tàu đó và đơn vị vận hành cáp phải gửi đơn đến chính phủ của quốc gia, lãnh thổ có hải phận đang xảy ra sự cố cáp để xin phép cho tàu di chuyển vào. Quy trình này có thể sẽ mất đến hơn một tuần. Việc tàu di chuyển đến vị trí xảy ra sự cố nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào vị trí của tàu khi nhận lệnh.

* Tình hình thời tiết sẽ quyết định hoạt động sửa chữa có được phép tiến hành hay không.

* Khi được tiến hành, thợ lặn tiếp cận được cáp rồi thì phải xem xét độ dài cáp dự phòng dưới biển còn bao nhiêu bởi muốn hàn cáp phải đưa cáp lên trên mặt nước nhưng sợi cáp có thể ở độ sâu hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét dưới đáy biển. Họ phải cho nhả cáp dự phòng để đoạn cáp bị đứt dài ra thêm đủ để nâng lên trên mặt nước mà không gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

* Sau đó một robot chuyên dụng sẽ lặn xuống đáy biển kẹp hai đầu đoạn cáp bị đứt và đưa lên trên tàu để tiến hành hàn. Thời gian hàn mất từ ba đến bốn ngày.

* Nếu đáy biển sâu khoảng 100m trở lại thì robot sẽ đưa cáp xuống đáy biển, thổi bùn, chôn cáp và lấp che giấu sợi cáp lại. Khi chôn cáp xong, tàu sửa chữa sẽ bật nguồn điện kiểm tra hoạt động và hoàn thành việc sửa chữa.

Như vậy với những quy trình phức tạp tại hải phận của các quốc gia khác nhau, cũng như dưới những tác động của thời tiết, thời gian sửa chữa cáp quang biển thường diễn ra khá lâu, mất cả tháng là bình thường.

Internet rùa bò vẫn thu đủ tiền! - Ảnh 7.

Khi tốc độ mạng chậm, chập chờn gây không ít khó khăn cho người sử dụng trong công việc - Ảnh: HỮU HẠNH

Khách hàng không thể thông cảm mãi

Chuyện xảy ra sự cố cáp quang biển gần cả chục lần mỗi năm tại Việt Nam đã trở nên quá quen thuộc với mọi người dùng Internet. Tình trạng Internet "rùa bò" cả tháng cũng không có gì lạ nhưng các nhà mạng vẫn cứ mãi đòi khách hàng thông cảm hết lần này đến lần khác và tiền vẫn thu không thiếu một đồng nào.

Dịch vụ không tốt sao thu đủ tiền?

Ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO Công ty truyền thông Buzi, bình luận rằng các nhà mạng luôn đổ lý do sự cố bất khả kháng và họ cũng phải tốn tiền cho công tác khắc phục sự cố, nhưng ai chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của người dùng trong khi nguyên nhân là từ dịch vụ mạng "rùa bò"?

Theo ông Vĩ, Việt Nam ngày càng phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số. Người dân được vận động "số hóa" mọi thứ, làm việc trên Internet, giao dịch trực tuyến không tiền mặt… nhưng kết nối mạng lại thường xuyên chập chờn. Thiệt hại người dùng lãnh đủ nhưng cũng đồng thời vẫn phải đóng phí đầy đủ, đóng chậm là có thông báo nhắc ngay, thêm chút là bị cắt dịch vụ.

Trong khi chất lượng đường truyền không đảm bảo lại được nhà mạng đổ cho sự cố bất khả kháng. "Tôi nghĩ nhà mạng không thể mãi đòi người dùng thông cảm mà họ cần phải thể hiện trách nhiệm của một nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu, chia sẻ thiệt hại với khách hàng. Với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, tôi tin nhà mạng nào có những hành động bảo vệ quyền lợi khách hàng, chăm sóc khách hàng mình tốt nhất sẽ được khách hàng tin tưởng và gắn bó lâu dài" - ông Vĩ nói.

Ông Vĩ cho rằng các cơ chế bồi thường thiệt hại cho khách hàng có thể tham khảo từ nhiều quốc gia đã làm.

Anh: mạng chậm, khách hàng được tự động hoàn tiền

Tại Anh, Cơ quan giám sát truyền thông Anh (Ofcom) có luật quy định cơ chế bồi thường tự động cho người dùng dịch vụ Internet băng thông rộng khi mạng chậm. Tiền bồi thường được hoàn lại trong vòng 30 ngày kể từ khi sự cố phát sinh. Trừ khi khách hàng có nhu cầu khác, tiền này sẽ được cấn trừ luôn vào hóa đơn dịch vụ mạng. Nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại Anh như BT, EE, Plusnet, Hyperoptic, Sky, NOW Broadband, Utility Warehouse, TalkTalk, Virgin Media, Vodafone và Zen đều đã đăng ký tham gia thực hiện cơ chế này với Ofcom.

Trang web của Ofcom nêu rõ việc bồi thường này không cần phải có yêu cầu. "Điều này có nghĩa bạn không cần phải làm bất cứ điều gì để nhận được bồi thường", trang web viết. Dĩ nhiên, bạn phải báo lỗi cho nhà mạng.

Theo khảo sát cuối năm ngoái của trang Uswitch.com, khoảng 9 triệu người dân Anh tin là họ đang không được sử dụng mạng Internet với tốc độ đúng như họ đã đăng ký với nhà mạng, trong khi giá dịch vụ này ngày càng tăng.

Tuy nhiên, những trường hợp khách hàng không được bồi thường sẽ gồm: sự cố mạng phát sinh do trục trặc thiết bị hay các hoạt động trong chính nhà họ; khách hàng vi phạm hợp đồng, khách hàng gây ra lỗi mạng hoặc cản trở việc khắc phục sự cố.

Ngoài ra, trừ khi có ngoại lệ đặc biệt, Ofcom cũng yêu cầu các nhà mạng ký với họ điều khoản bồi thường tự động khi xảy ra sự cố ngoài tầm kiểm soát của khách hàng cũng như nhà mạng như thiên tai, các cuộc tấn công, tác động từ các bên thứ ba…

ĐỨC THIỆN - D.KIM THOA

Hơn một tháng rưỡi nữa mới sửa cáp quang biển, Internet tiếp tục rùa bòHơn một tháng rưỡi nữa mới sửa cáp quang biển, Internet tiếp tục rùa bò

Lỗi trên tuyến cáp quang biển APG dự kiến sẽ được sửa từ ngày 22-3 đến 9-4; lỗi trên tuyến AAG được sửa từ ngày 30-3 đến 4-4-2023; lỗi trên tuyến IA chưa rõ thời gian sửa.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp