05/02/2023 13:00 GMT+7

Internet như "rùa bò", tại sao nhà mạng không đền bù?

Việc bốn trong năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố đã khiến tốc độ Internet bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều người dùng bức xúc, yêu cầu nhà mạng đền bù.

Internet như rùa bò, tại sao nhà mạng không đền bù? - Ảnh 1.

Internet chập chờn làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, liên lạc của đông đảo người dùng Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tốc độ Internet mạng cáp quang tại nhiều gia đình những ngày gần đây chậm rõ rệt. Nhiều người dùng cho biết phải bật 4G trên smartphone nhưng mạng cũng "rùa bò".

Internet "rùa bò", nhưng thu tiền nhanh như chớp

Dù sử dụng gói cước Internet với chi phí đến 300.000 đồng mỗi tháng, nhưng chị Hồng Uyên (quận 5, TP.HCM) cho biết tốc độ kết nối thời gian gần đây rất tệ. 

"Tôi đã hai lần gọi tổng đài yêu cầu kỹ thuật nhà mạng xuống kiểm tra khắc phục nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Tốc độ Internet vẫn rất chậm và chập chờn. Hiện nhà tôi gần như không thể xem được tivi vì hình bị đứng liên tục, nhất là vào buổi tối", chị Uyên bức xúc.

Tương tự, gia đình anh Bảo Hòa (quận Bình Thạnh) cũng phản ánh "uống hết ly cà phê vẫn chưa gửi xong email" bởi tốc độ Internet rất chậm thời gian gần đây. 

"Từ Tết tới giờ, nhà tôi liên tục bị tình trạng quay vòng vòng mỗi khi truy cập web. Đặc biệt mỗi lần cần tải dữ liệu xuống hoặc tải tập tin đính kèm lên để gửi email là cứ như phải 'trừng mắt đếm thời gian'. Nhiều lúc tôi phải bật 4G lên để gửi cho nhanh, WiFi có cũng như không", anh Hòa phản ánh.

Vô cùng bực bội, chị Thanh Hằng (quận Phú Nhuận) nói: "Tôi làm việc hoàn toàn online nên phụ thuộc kết nối WiFi ở nhà. Dù đã nâng cấp lên gói cước cao hơn để lướt cho nhanh nhưng một năm 'cá mập' cứ 'cắn cáp' hoài vậy thì làm ăn được gì nữa". 

"Tốc độ Internet chậm như rùa nhưng nhà mạng lại thu tiền nhanh như chớp. Sao những lúc này không thấy họ giảm cước cho mình có tiền mua 3G xài?", chị Hằng đặt vấn đề.

Không chỉ mạng WiFi trong nhà, nhiều người dùng còn phản ánh sóng mạng di động thời gian gần đây cũng thường xuyên chập chờn. 

"Nhà và những nơi tôi di chuyển đến làm việc mỗi ngày hầu như đều ở trung tâm TP.HCM nhưng sóng điện thoại thường xuyên chỉ một đến hai vạch. 

Tốc độ 4G thời gian gần đây lại khá xập xình, lúc mạnh lúc lại mất kết nối, ảnh hưởng rất lớn đến liên lạc và công việc của tôi", chị Ngọc Anh (quận 5) phiền não.

Nhà mạng làm gì?

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, rất nhiều người dùng bày tỏ bức xúc bởi tốc độ Internet chậm đã làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến công việc, liên lạc của họ. 

Dù biết sự cố cáp quang biển là ngoài ý muốn, nhiều người dùng vẫn yêu cầu các nhà mạng phải có thái độ, hành động cụ thể để chia sẻ những thiệt hại người dùng đang phải lãnh đủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các nhà mạng đều cho biết đang cố gắng tăng cường các biện pháp san tải sang các tuyến cáp dự phòng cũng như mở tối đa công suất băng thông để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dùng. 

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết đã chủ động làm việc với các đối tác Facebook, TikTok, YouTube, tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, mở ứng cứu bổ sung tài nguyên cáp đất. Đồng thời "đang tiếp tục triển khai thêm các phương án ứng cứu nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng truy nhập Internet quốc tế cho khách hàng trong thời gian khắc phục sự cố cáp quang biển quốc tế".

Đại diện Viettel cho biết Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) luôn dự phòng 40% dung lượng đi quốc tế để sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Khi có hiện tượng cao tải, các hệ thống do chính nhân sự của Viettel Networks xây dựng sẽ tự động cân bằng tải, định tuyến và điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền.

Bên cạnh đó, để đảm bảo dự phòng tốc độ Internet không bị gián đoạn, ngay khi sự cố xảy ra, Viettel đã đầu tư bổ sung thêm 30% dung lượng đường truyền quốc tế. Nhà mạng này cũng sẵn sàng bổ sung tiếp 400 Gbps trong tháng 2-2023 khi chờ sửa chữa các tuyến cáp biển bị đứt.

Trước yêu cầu đền bù của nhiều người dùng, đại diện một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) chỉ cho biết: "Hiện tại các nhà mạng đều đang nỗ lực làm việc với đối tác khai thác các tuyến cáp quang biển để nhanh chóng khắc phục sự cố. Các nhà mạng cũng như người dùng tại Việt Nam đều gánh chung thiệt hại mỗi khi cáp quang biển có sự cố. Rất mong khách hàng thông cảm và chia sẻ cùng chúng tôi".

4 trong 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố4 trong 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố

Bốn tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1 và IA (Liên Á) gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp