10/07/2023 08:20 GMT+7

Intel sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Mỹ, châu Âu, Nhật và Ấn Độ làm mới những chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Việt Nam cũng cần thay đổi, hiện đại hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút đầu tư.

Bên trong nhà máy Intel Products Vietnam - Ảnh: QUANG MINH

Bên trong nhà máy Intel Products Vietnam - Ảnh: QUANG MINH

Ông Kim Huat Ooi - phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam - đã trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ như trên sau khi chia sẻ Intel đã đầu tư 1,5 tỉ USD và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ông nói:

Tinh gọn các quy trình, thủ tục hành chính, hiện đại hóa các chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm "đại bàng" thế giới đến "làm tổ", bên cạnh lợi thế về chi phí lao động và sự ổn định về chính trị.

Nhà máy lớn nhất ở Việt Nam, sẽ tiếp tục đầu tư

Ông Kim Huat Ooi

Ông Kim Huat Ooi

* Intel đã đầu tư trên 1,5 tỉ USD, liệu có kế hoạch nào khác không, thưa ông?

- Tôi rất tự hào chia sẻ nhà máy Intel Products Vietnam hiện giờ là nhà máy lớn nhất trong bốn nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định.

Năm 2022 đã đánh dấu và khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam với Intel và cả tầm quan trọng của Intel với Việt Nam. Kết quả hiệu suất và hiệu quả như vậy đã củng cố thêm nhu cầu tiếp tục đầu tư thêm tại Việt Nam của chúng tôi.

Đến cuối 2021, chúng tôi đã đầu tư 1,5 tỉ USD. Chúng tôi muốn tiếp tục đầu tư và đây chắc chắn là điều Intel sẽ thực hiện.

* Liệu có khả năng nhà máy Intel ở Việt Nam sẽ được nâng cấp chức năng để tham gia nhiều công đoạn hơn nữa trong quá trình sản xuất chip không?

- Hiện tại, nhà máy Việt Nam đang sản xuất vi xử lý thế hệ 13 Raptor Lake và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake và chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định. Đây là một con số vô cùng đáng kể.

Do đó, kế hoạch hiện tại của chúng tôi chủ yếu vẫn tiếp tục tập trung vào đóng gói và kiểm định. Tôi nghĩ là chúng ta không nên đánh giá thấp vai trò của việc đóng gói và kiểm định. Khi so sánh với thế hệ trước, quá trình sản xuất vi xử lý Meteor Lake phức tạp hơn rất nhiều.

Với mô hình và phiên bản mới của chip Meteor Lake phức tạp như thế, do vậy đòi hỏi quy trình lắp ráp và kiểm định cũng phức tạp hơn. Kéo theo công nghệ liên quan đến đóng gói và kiểm định cũng sẽ cần được liên tục nâng cấp và làm mới.

Như việc đóng gói, chúng tôi thực hiện với đơn vị tính bằng micron nên đòi hỏi độ chính xác rất cao. Các kỹ sư của chúng tôi cũng cần phải có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề mới phát sinh ngay lập tức.

Đây là những thách thức thật sự khi nhìn vào phân tích dữ liệu và trí tuệ AI, công nghiệp 4.0 hay sản xuất 4.0 đều đòi hỏi phải liên tục nâng cấp và đầu tư để đảm bảo kết quả và chất lượng ngày một cao hơn.

Khi mới đến thị trường Việt Nam, chúng tôi được hỗ trợ giải pháp "một điểm dừng"... Tuy vậy, thời gian qua đi, mọi thứ cũng dần thay đổi với nhiều thử thách hơn.
Ông Kim Huat Ooi

Hiện đại hóa hỗ trợ doanh nghiệp

* Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam ở thời điểm Intel vừa đến so với hiện tại?

- 17 năm trước, khi đó Chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là ban lãnh đạo TP.HCM, đã có tầm nhìn rất tốt về tương lai khi thuyết phục Intel đến và đầu tư tại đây.

Chúng tôi là nhà đầu tư công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam và Chính phủ đã giúp đỡ và hỗ trợ rất nhiều về quy trình hành chính. Tôi nghĩ sự có mặt của Intel cũng đã giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư công nghệ cao khác trong 17 năm qua.

* Nhiều nước đang cạnh tranh mạnh hút đầu tư công nghệ cao. Theo ông, Việt Nam cần cải thiện điều gì để hút những nhà đầu tư lớn như Intel?

- Để thu hút thêm nhà đầu tư, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay, nhất là thuế suất ưu đãi. Các quốc gia đang thu hút nhiều vốn FDI khác như Philippines, Malaysia, Indonesia... cũng tương tự.

Các quốc gia này và cả Việt Nam trước giờ đều tập trung vào việc sử dụng các chương trình về thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư.

Hiện nay, chúng ta có thể thấy các tin tức về việc Mỹ, châu Âu, Nhật và Ấn Độ làm mới những chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp đang được chia sẻ rộng rãi.

Chẳng hạn, đạo luật chip của Mỹ và châu Âu vừa được thông qua gần đây là những minh chứng rõ nét nhất cho việc chính phủ các nước đưa ra những chương trình hỗ trợ để thu hút các công ty công nghệ cao và các nhà sản xuất chất bán dẫn.

Việc hiện đại hóa các chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là một hành động thiết yếu mà Chính phủ Việt Nam cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh lợi thế về chi phí lao động và sự ổn định về chính trị.

Thứ hai, khi mới đến thị trường Việt Nam, chúng tôi được hỗ trợ giải pháp "một điểm dừng". Tất cả các quy trình thủ tục hành chính đều được tinh gọn lại và chúng tôi có thể đi vào thực hiện các kế hoạch kinh doanh một cách nhanh chóng.

Tuy vậy, thời gian qua đi, mọi thứ cũng dần thay đổi với nhiều thử thách hơn. Hiện tại, các thủ tục phê duyệt được chia ra cho nhiều bộ ngành phụ trách. Vì vậy, chúng tôi cũng đã trao đổi với Chính phủ rất nhiều và mong rằng có thể nhận được thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ để có thể tinh gọn các quy trình, thủ tục hành chính. Không chỉ để duy trì số lượng các doanh nghiệp FDI hiện có, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong tương lai.

Tôi cũng xin ghi nhận Chính phủ Việt Nam cũng như TP.HCM đã và đang làm những gì có thể để hỗ trợ thêm cho các nhà đầu tư FDI, đặc biệt là ưu đãi cho thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong 4 năm tôi công tác tại đây, chỉ riêng cách chúng ta vượt qua kỳ đại dịch COVID-19 cũng đã chứng minh rất rõ khi Chính phủ tập trung và quyết tâm giải quyết một vấn đề, chắc chắn kết quả đạt được sẽ vô cùng ấn tượng. Vì vậy, tôi rất lạc quan vào thời gian sắp tới khi Việt Nam giải quyết những vấn đề mà tôi vừa nhắc đến.

Việt Nam có thành trung tâm sản xuất chip của khu vực?

* Có một số nhận định về việc Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip của khu vực, ông đánh giá thế nào?

- Tôi nghĩ Việt Nam hiện nay đã tiến rất xa. Không chỉ mỗi Intel, mà các công ty đa quốc gia khác đang hiện diện tại đây.

Theo thời gian, tôi nghĩ số lượng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa. Lúc này, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết những vấn đề mà tôi đã nói trước đó: những ưu đãi từ Chính phủ, tinh giản các thủ tục hành chính. Mô hình hiện tại mà các công ty đang hướng đến cần khả năng chống chịu tốt và cân bằng về mặt địa lý.

Ngày nay, mọi quốc gia, mọi ngóc ngách trên thế giới đều cần đến chất bán dẫn. Do vậy, mỗi quốc gia nên tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt để tối đa hóa ưu điểm nhằm tạo ra được lợi thế cạnh tranh.

Intel sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Việt Nam?Intel sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Việt Nam?

Trang Reuters vừa đưa tin Tập đoàn Intel đang cân nhắc đầu tư thêm tiền vào việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Số tiền có thể lên đến hơn 1 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp