26/04/2015 08:17 GMT+7

​Insulin công nghệ gen chữa đái tháo đường

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

TT -  Những ngày qua, vấn đề sinh vật biến đổi gen (GMO) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hai loại thực phẩm biến đổi gen được bàn tán nhiều nhất là đậu nành và bắp (ngô).

Một số nhà khoa học trong nước ủng hộ và khuyên nên cẩn trọng, nhưng cũng còn không ít ý kiến e ngại, phê phán và phản đối.

Trong lĩnh vực y khoa, với tình hình đái tháo đường gia tăng như bệnh dịch, để đủ insulin điều trị hiện nay ngành y đang dùng là các loại insulin analog được sản xuất nhờ công nghệ gen di truyền hay biến đổi gen.

Đái tháo đường đều phải dùng insulin. Đái tháo đường được chia làm hai thể chính là đái tháo đường 1 (chế tiết insulin không đủ) và đái tháo đường 2 (insulin tác dụng không hiệu quả vì sự kháng insulin). Nhưng cuối cùng cả hai thể đều cần chích insulin.

Từ năm 1920, insulin được chiết xuất từ tuyến tụy của heo và bò. Do có khác với insulin người nên gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là sốc dị ứng. Để khắc phục, các phương pháp bán tổng hợp insulin người ra đời nhưng vẫn không tránh hết nhược điểm trên.

Insulin người là sản phẩm công nghệ gen. Bệnh nhân đái tháo đường tăng lên, nhu cầu insulin cũng tăng theo. Nếu tính trung bình cần một đơn vị insulin / kg cân nặng / ngày cho mỗi người, thì nhu cầu insulin năm 2005 khoảng 5.000kg, đến năm 2010 đã lên 16.000kg. Như vậy nhu cầu insulin cho điều trị tăng đến vài tấn mỗi năm và nguồn cung insulin ngày càng thiếu hụt.

Năm 1982, Hãng Genetech (Hoa Kỳ) lần đầu tiên đưa ra thị trường sản phẩm insulin người tái tổ hợp (recombinant) sản xuất bằng kỹ thuật di truyền gen. Sau Genetech, nhiều phương pháp sản xuất insulin tái tổ hợp đã được phát triển. Người ta sản xuất insulin từ các chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae, vi khuẩn E. coli và Bacillus brevis.

Insulin analog (giống insulin) là sản phẩm biến đổi gen. Insulin analog (tương tự) là dạng insulin có thay đổi gen để có thêm những tác dụng “ưu việt” hơn hẳn insulin tự nhiên như khả năng hấp thụ, tác dụng nhanh chậm, phân bố, chuyển hóa và bài tiết đều thay đổi theo. Nhờ những biến đổi gen này, chúng ta có các loại insulin analog nhanh, chậm và trung gian theo yêu cầu đa dạng của điều trị.

Năm 1988, Hãng Novo Nordisk công bố insulin analog đầu tiên có khả năng hấp thụ từ các mô dưới da 15 phút sau khi tiêm. Phải đến năm 1996, các insulin khác nhau đã được giới thiệu trên toàn thế giới. Hiện nay nhiều insulin analog mới đang được thử nghiệm để đưa ra thị trường.

Tóm lại, nhu cầu insulin cho người đái tháo đường rất lớn và tăng dần theo số lượng bệnh nhân. Nếu không sử dụng công nghệ gen di truyền, chắc chắn ngành y không đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Hơn nữa, nếu không biến đổi gen để tạo ra các insulin analog sẽ không thể có những dạng insulin riêng biệt cho những tình huống đặc thù.

Những câu hỏi còn lại

Hai câu hỏi khó mà các nhà khoa học đang tìm câu trả lời: một là khả năng gây ung thư và hai là độ hiệu quả, khả năng điều chỉnh đường huyết của insulin analog.

Nhiều nghiên cứu khoa học dài hơi, nghiêm túc kết luận chưa có bằng chứng gây tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ung thư vú, trên các bệnh nhân dùng insulin analog.

Năm 2008, Cơ quan Dược phẩm và kỹ thuật y tế Canada (CADTH) so sánh và kết luận không có sự khác biệt nào về mặt lâm sàng, khả năng kiểm soát đường huyết và tác dụng phụ giữa insulin analog và insulin người.

 

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp