Indonesia thích nghi nhanh với môn mới
Trong quá khứ, toàn bộ các HCV của Indonesia đều thuộc về môn cầu lông - với 8 HCV trải dài từ Olympic Barcelona 1992 đến Tokyo 2020.
Đến Paris 2024, đội cầu lông hùng mạnh của xứ vạn đảo gây thất vọng khi chỉ đoạt được 1 HCĐ, do công Gregoria Tunjung ở nội dung đơn nữ. Trong khi đó, những tay vợt mạnh như Jonatan Christie, Anthony Ginting đều dừng bước sớm.
Không đạt chỉ tiêu ở môn cầu lông, Indonesia lại bất ngờ có cú bứt phá ở các môn cử tạ và leo núi thể thao. Chiều 8-8 (giờ Việt Nam), Veddriq Leonardo mang về HCV nội dung tốc độ (speed) nam ở môn leo núi thể thao.
Leo núi thể thao là môn mới xuất hiện ở Olympic từ Tokyo 2020. Nhưng từ trước đó, Indonesia đã phát triển mạnh phong trào leo núi. Và họ nhanh chóng đào tạo ra những VĐV hàng đầu ở môn thể thao mới mẻ này.
Trước khi đoạt HCV Olympic, Leonardo đã vô địch World Cup 3 năm liên tiếp, đồng thời giành HCV ở Asiad 2018.
Địa chấn ở cử tạ
Đến rạng sáng 9-8 (giờ Việt Nam), Indonesia tạo nên bất ngờ lớn hơn cả ở môn cử tạ, khi đô cử Rizki Juniansyah giành HCV hạng cân 73kg nam.
Cần biết rằng đây là hạng cân mà ngôi sao Shi Zhiyong của Trung Quốc đã vô địch liên tiếp 2 kỳ Olympic.
Ở Rio de Janeiro 2016, đây còn là hạng cân 69kg, và Shi thắng ngoạn mục với mức tổng cử 352kg (hơn đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ đúng 1kg).
Đến Tokyo 2020, hạng cân này chuyển thành 73kg, nhưng Shi vẫn vô địch với mức tổng cử 364kg.
Không có gì ngạc nhiên khi đô cử người Trung Quốc tiếp tục là ứng viên số một cho nội dung này ở kỳ Olympic năm nay. Anh hoàn thành tốt phần thi cử giật với 165kg, bỏ xa mọi đối thủ khác.
Lúc này, Juniansyah của Indonesia chỉ nâng được 155kg, còn Weeraphon Wichuma của Thái Lan chỉ nâng được 148kg.
Nhưng cả hai đô cử người Đông Nam Á đặt mục tiêu cực cao ở phần thi cử đẩy. Wichuma nâng thành công 190kg ngay trong lần đầu tiên, còn Juniansyah thậm chí nhỉnh hơn 1kg cũng với lần nâng đầu tiên.
Kết quả này tạo áp lực lớn lên Shi Zhiyong, khiến anh bất ngờ thất bại ở cả 3 lần nâng mức tạ 191kg. Kết quả Shi bị loại trong sự ngỡ ngàng.
Diễn biến sau đó trở thành cuộc đua song mã giữa Juniansyah và Wichuma. Đô cử Thái Lan lần lượt nâng thành công mức tạ 194kg và 198kg. Nhưng rồi ngay trong lần nâng thứ 2, Juniansyah đã đạt mức cử đẩy 199kg.
Con số này vượt qua kỷ lục cử đẩy Olympic, và cũng đưa Juniansyah đến chiến thắng. Anh đạt mức tổng cử 354kg, bỏ xa Wichuma (346kg) và người hạng 3 là Andreev (Bulgaria, 344kg).
Đây là HCV cử tạ đầu tiên của Indonesia tại Olympic. Juniansyah năm nay mới 21 tuổi nhưng đã trở thành đô cử thành công nhất lịch sử thể thao nước nhà, vượt qua huyền thoại Eko Irawan - người từng đoạt đến 4 huy chương Olympic, bao gồm 2 HCB và 2 HCĐ.
Bên cạnh đó, đô cử Wichuma của Thái Lan cũng gây ấn tượng mạnh khi giành HCB dù mới 19 tuổi.
Với HCB của Wichuma, Thái Lan hiện đã có 6 huy chương tại Olympic, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ. Trước thềm Paris 2024, đoàn thể thao Thái Lan đặt ra mục tiêu giành 9 huy chương.
Dù đứng đầu Đông Nam Á về số huy chương, Thái Lan lại bị Indonesia và Philippines vượt mặt trên bảng tổng sắp Olympic 2024. Indonesia hiện đã có 2 HCV, 1 HCĐ, chỉ kém một chút so với Philippines (2 HCV, 2 HCĐ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận