Tàu hải cảnh 5403 của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia - Ảnh: Không quân Indonesia
"Chúng tôi đã có hàng trăm binh sĩ tại đó. Hôm nay có 4 tàu chiến, nhưng ngày mai sẽ là 8 tàu" - sĩ quan Fajar Tri Rohadi, người phát ngôn Bộ tư lệnh vùng 1 hải quân Indonesia, nhấn mạnh ngày 6-1.
Hàng chục tàu cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia từ cuối tháng 12 năm ngoái, và vẫn chưa rời đi bất chấp công hàm ngoại giao phản đối của Jakarta.
Theo quan sát của hải quân Indonesia, các tàu cá Trung Quốc co cụm thành từng nhóm từ 2 đến 3 chiếc thay vì rải rác lẻ tẻ. Có đến 30 nhóm như vậy ngoài khơi Natuna tính đến ngày 6-1.
Theo đài Channel News Asia (CNA), chính quyền Bắc Kinh lập luận vùng biển xung quanh Natuna là "ngư trường truyền thống" của ngư dân Trung Quốc từ xưa đến nay. Trung Quốc cũng cho rằng có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với "đường 9 đoạn" phi pháp mà nước này tự vẽ ra.
Để bảo vệ các tàu cá xâm phạm biển Indonesia, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hải cảnh cỡ lớn đến khu vực, bao gồm cả tàu hải cảnh số hiệu 35111 tải trọng 2.000 tấn. Đây là con tàu đã tham gia vào các vụ quấy rối và cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia trong năm 2019.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Indonesia thừa nhận, việc để cho tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Natuna là một sai sót của nước này. Để đối phó, vị này tiết lộ Jakarta sẽ đưa thêm các tàu cá cùng hàng trăm ngư dân đến Natuna trong vài ngày tới.
"Bọn họ mò được vào khu vực đó vì chúng tôi thiếu sự hiện diện tại đó", CNA dẫn lời vị này nhấn mạnh.
Hôm 1-1, Indonesia đã chính thức lên tiếng từ chối lời mời đối thoại của Trung Quốc nhằm “quản lý các tranh chấp” tại các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, đồng thời tái khẳng định rằng không có yêu sách chồng lấn nào tại đây.
Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố Jakarta sẽ không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên Biển Đông, vì trái với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Indonesia đã lên kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự mới trực chiến Natuna và phía nam Biển Đông. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận