Nền tảng Netflix đã bị thu thuế ở Indonesia - Ảnh: Reuters
Báo The Jakarta Post ngày 27-7 dẫn lời ông Hestu Yoga Saksama - người phát ngôn Tổng cục Thuế - cho biết quá trình đàm phán này nhằm đảm bảo rằng các công ty công nghệ sẵn sàng áp thuế VAT đối với các khách hàng tại Indonesia.
Trong buổi nói chuyện do Trung tâm Nghiên cứu chính sách Indonesia tổ chức, ông Hestu khẳng định: "Chúng tôi tin rằng nhiều công ty công nghệ có thể sẽ thu thuế VAT trong năm nay", song không nêu tên các công ty hoặc tiết lộ chính quyền Jakarta dự kiến thu được bao nhiêu tiền từ chính sách thuế mới này.
Theo quy định mới, các công ty "không thường trú" (OTT) nước ngoài có doanh thu ít nhất 600 triệu rupiah (41.038 USD) từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Indonesia, hoặc có ít nhất 12.000 lượt truy cập mỗi năm, sẽ phải trả 10% VAT.
Mới đây, cơ quan thuế Indonesia đã chỉ định 6 công ty công nghệ OTT nước ngoài phải thu thuế VAT từ khách hàng, bắt đầu vào tháng 8 tới. Danh sách này bao gồm Amazon Web Services, Netflix, Spotify, Google châu Á - Thái Bình Dương, Google Ireland và Google LLC.
Đầu tháng 7 vừa qua, chi nhánh Indonesia của Tập đoàn công nghệ Google tuyên bố sẵn sàng đánh thuế VAT 10% đối với khách hàng nếu được Chính phủ Indonesia yêu cầu. Việc thu thập sẽ được thực hiện sau khi quy định thuế kỹ thuật số của Indonesia được ban hành vào tháng 8-2020.
Úc kiện Google
Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) đã khởi kiện Hãng công nghệ Google thuộc Tập đoàn Alphabet (Mỹ), với cáo buộc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về việc sử dụng rộng rãi dữ liệu cá nhân cho mục đích quảng cáo.
Trong đơn kiện Google lên tòa án liên bang, ACCC cho rằng Google đã không nhận được sự đồng ý rõ ràng từ người tiêu dùng, cũng như không thông báo chính thức cho họ về việc hãng công nghệ này đã hợp nhất thông tin cá nhân trong các tài khoản Google với các hoạt động trên những trang mạng không phải của Google nhưng sử dụng công nghệ của hãng này trong năm 2016.
Theo ACCC, hành động trên đã cho phép Google liên kết danh tính cùng các cách thức khác để nhận dạng người tiêu dùng với hành vi của họ trên Internet.
Hiện có tới 98% người dân Úc sử dụng công cụ Google để tra cứu thông tin trên điện thoại di động.
ACCC cáo buộc Google đã sử dụng dữ liệu hợp nhất để tăng cường quảng cáo có mục tiêu, vốn là một nguồn thu chủ chốt của hãng, trong khi không thông báo rõ cho người tiêu dùng về những thay đổi trong chính sách sử dụng dữ liệu cá nhân của hãng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận