Một hiệu thuốc ở Menteng, Trung Jakarta, Indonesia - Ảnh: thejakartapost.com
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu BPOM, ông Tarruna Ikrar đã đưa ra thông tin như vậy ngày 20-8, trong đó nêu rõ Tổng thống Indonesia đã chỉ thị giảm giá thuốc sao cho ít nhất ngang bằng với giá thuốc ở các nước láng giềng như Malaysia, Philippines hoặc Singapore. Ông Tarruna cho biết, BPOM sẽ phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thương mại để giải quyết vấn đề này.
Theo quan chức này, giá thuốc ở Indonesia cao hơn giá ở nước ngoài tới 400%. Nguyên nhân do các hãng dược phẩm dành nhiều chi phí cho quảng cáo và khuyến mại, giá nguyên liệu thô cao trong khi 80-90% nguyên liệu thành phẩm là nhập khẩu. Một yếu tố khác làm tăng giá thuốc là thiếu thuốc thay thế có cùng thành phần cho một số loại thuốc gốc.
Thuốc được phân loại thành hai loại: Thuốc generic (loại thuốc rẻ hơn do bằng sáng chế đã hết hạn) và thuốc bằng sáng chế (loại thuốc đắt hơn do được bảo hộ nhãn hiệu cũng như chi phí nghiên cứu và phát triển). BPOM chỉ ra vấn đề còn tồn tại như vi phạm y đức trong ngành khi làm giả thuốc gốc để trông giống như thuốc được cấp bằng sáng chế và tăng giá bán bằng cách thay đổi bao bì.
Để giải quyết những thách thức này, ông cho rằng chính phủ có thể điều chỉnh giá thuốc thông qua mức giá trần cân bằng hơn, qua đó đảm bảo mức giá mà người tiêu dùng có thể chi trả được, đồng thời đem lại công bằng với ngành dược phẩm.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin thừa nhận giá thuốc ở Indonesia cao gấp 3-5 lần so với các nước láng giềng. Một trong những nguyên nhân là do kênh giao dịch kém hiệu quả và thiếu minh bạch trong quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận