Đồng tiền điện tử Ethereum, Solana và Bitcoin. Ảnh minh họa: coinpedia.org
Mức độ quan tâm tới tài sản kỹ thuật số đã tăng lên tại Indonesia trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Số người nắm giữ tài sản tiền điện tử tại quốc gia này đã đạt 11 triệu người vào cuối năm 2021.
Theo số liệu từ Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai của Indonesia, tổng số giao dịch tài sản tiền điện tử trên các thị trường hàng hóa tương lai đã đạt 859.400 tỉ Rupiah (59,8 tỉ USD) vào năm ngoái, tăng hơn 10 lần so với năm 2020. Người dân Indonesia được phép giao dịch tài sản tiền điện tử như một loại hàng hóa song không được sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán.
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 1/4, ông Hestu Yoga Saksama, một quan chức của Bộ Tài chính Indonesia nêu rõ 'tài sản tiền điện tử sẽ phải chịu thuế VAT vì chúng là hàng hóa theo định nghĩa của Bộ Thương mại. Chúng không phải là tiền tệ. Vì vậy, chúng tôi sẽ đánh thuế thu nhập và thuế VAT'. Ông Hestu cho hay Chính phủ Indonesia vẫn đang làm việc về quy định thực hiện đối với các loại thuế nói trên.
Thuế suất VAT đối với tài sản tiền điện tử dự kiến thấp hơn nhiều so với mức 11% vừa được áp đặt đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ tại Indonesia.
Trong khi đó, thuế thu nhập sẽ ở mức 0,1% tổng giá trị giao dịch tài sản tiền điện tử, tương ứng với thuế giao dịch cổ phiếu. Theo Bộ Tài chính Indonesia, một luật thuế trên phạm vi rộng được thông qua hồi năm ngoái là cơ sở pháp lý cho việc đánh thuế tài sản tiền điện tử. Luật này được ban hành nhằm mục đích tối ưu hóa thu ngân sách trước tác động của đại dịch COVID-19.
Trong một diễn biến khác liên quan, kết quả nghiên cứu do sàn giao dịch tiền điện tử Gemini (Mỹ) công bố ngày 4/4, cho thấy Indonesia đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tài sản tiền điện tử trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư của nước này xem tài sản kỹ thuật số như một biện pháp bảo vệ chống lạm phát trong tương lai.
Theo nghiên cứu trên, 41% người Indonesia từ 18 đến 75 tuổi với mức thu nhập hơn 14.000 USD mỗi năm đang sở hữu các loại tài sản tiền điện tử. Trong số 20 quốc gia được Gemini khảo sát, Indonesia được xếp ngang hàng với Brazil.
Trao đổi với tờ Jakarta Globe qua email, Giám đốc điều hành lâm thời kiêm Giám đốc giao dịch của Gemini phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Feroze Medora cho biết nhiều nhà đầu tư Indonesia đang coi tiền điện tử như một công cụ phòng ngừa lạm phát.
Ông Medora cho hay từ lâu đã có quan niệm rằng đồng Bitcoin hoạt động như một loại 'vàng kỹ thuật số'. Nếu giá trị của Bitcoin, hoặc bất kỳ loại tiền điện tử nào khác tăng theo thời gian, điều này sẽ giúp ngăn chặn sự suy giảm sức mua đối với một loại tiền tệ khi đồng tiền này bị mất giá.
Nghiên cứu của Gemini cũng cho thấy 61% người Indonesia đồng ý với quan điểm rằng tiền điện tử là 'tương lai của tiền tệ', cao hơn nhiều so với mức 23% ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp và Đức.
Các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và Solana đã có sức hút mạnh mẽ tại Indonesia trong vài năm qua. Chính phủ Indonesia đã quyết định tận dụng sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm chuyển đổi nền kinh tế số quốc gia.
Mặc dù tiền điện tử không được phép sử dụng như một phương tiện thanh toán tại Indonesia, song chính phủ nước này lại cho phép giao dịch chúng như một loại hàng hóa.
Theo số liệu của Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai Indonesia (Bappepti), chỉ tính riêng trong năm vừa qua, số lượng nhà đầu tư tiền điện tử ở nước này đã tăng gấp đôi lên hơn 12 triệu người. Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán của Indonesia lại chỉ đạt mức 7 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận