Tổng thống Joko Widodo (trái) và Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Juliari Batubara (phải) tại nghĩa trang anh hùng quốc gia ở Jakarta vào tháng 11-2019 - Ảnh: Getty Images
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Juliari Batubara của Indonesia bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan các khoản trợ cấp xã hội của chính phủ dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
"Chậm mà chắc! Điểm chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Indonesia tiếp tục cải thiện mỗi năm.
Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia đánh giá
"Đó là tiền của dân"
Batubara trở thành bộ trưởng thứ hai trong chính quyền ông Widodo bị bắt vì cáo buộc tham nhũng chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, sau Bộ trưởng Các vấn đề hàng hải và nghề cá Edhy Prabowo.
Ông Batubara bị coi là nghi phạm sau khi Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) của Indonesia thu giữ bảy vali, balô và các phong bì chứa đầy tiền mặt với tổng giá trị tương đương 1,2 triệu USD hôm 5-12.
Đến ngày 6-12, ông Batubara ra đầu thú tại trụ sở KPK. Các quan chức cáo buộc ông Batubara nhận số tiền hối lộ hơn 1 triệu USD từ hai nhà thầu được chỉ định cung cấp các gói cứu trợ lương thực cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Với mỗi gói, ông Batubara nhận được 10.000 rupiah (0,71 USD).
"Tôi đã liên tục nhắc nhở tất cả quan chức nhà nước cẩn thận trong việc sử dụng ngân sách quốc gia vì đó là tiền của dân. Tôi sẽ không bảo vệ những người có hành vi tham nhũng" - Tổng thống Widodo phát biểu trên truyền hình chỉ vài giờ sau khi KPK chính thức xem Bộ trưởng Batubara là nghi phạm.
Trước đó hôm 25-11, Bộ trưởng Các vấn đề hàng hải và nghề cá Edhy Prabowo cũng bị bắt với cáo buộc tham nhũng liên quan quyết định của bộ này khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ấu trùng tôm hùm. Ông và một số quan chức khác trong bộ này bị bắt ngay tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta sau khi có chuyến đi tới Mỹ. Ông Prabowo là chính khách của Đảng Gerindra - đảng nằm trong liên minh cầm quyền với Đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P) của ông Widodo.
Lên lãnh đạo Indonesia hồi năm 2014, ông Widodo đã hứa hẹn sẽ mang đến cho xứ vạn đảo một "chính phủ trong sạch, hiệu quả". Tuy nhiên, Hãng tin AP bình luận hai vụ bắt giữ trên có thể ảnh hưởng xấu thêm tới sự tín nhiệm dành cho ông Widodo trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trước đây, hai bộ trưởng nội các khác, bao gồm người tiền nhiệm của Bộ trưởng Batubara, đã bị tuyên án tù vì tham nhũng.
Ngoài ra, vụ bắt giữ Bộ trưởng Prabowo có thể sẽ là một bài kiểm tra cho liên minh mong manh giữa Gerindra và PDI-P. Sau cuộc bầu cử hồi năm 2019, ông Widodo đã gây sốc cho giới quan sát, đặc biệt ở phương Tây, khi bổ nhiệm ông Prabowo và ông Prabowo Subianto (hiện là bộ trưởng quốc phòng) thuộc Đảng Gerindra vào nội các.
"Tắc kè" vẫn săn tìm
Trong cuộc chiến chống tham nhũng của Indonesia, người ta không chỉ chú ý tới những "con sâu", mà còn chú ý tới con "tắc kè" chuyên đi tìm "sâu bọ": KPK. Thật ra, biệt danh trên xuất phát từ việc công chúng thường xem KPK là một con tắc kè gan dạ dám chống lại những con buaya (cá sấu) quyền lực phá quấy trong hệ thống chính trị của Indonesia.
KPK hoạt động độc lập với các cơ quan thuộc nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của Indonesia. Về bản chất, KPK có toàn quyền điều tra của một cơ quan thực thi pháp luật, được phép điều tra các thành viên quốc hội, thẩm phán, thậm chí cả quân đội.
Theo Hãng tin Reuters, là một trong những cơ quan được nể trọng nhất của xứ sở vạn đảo, KPK đã khởi tố hàng trăm chính trị gia, quan chức và doanh nhân Indonesia kể từ khi thành lập vào năm 2002.
Việc bắt giữ hai bộ trưởng mới nhất trong chính quyền ông Widodo được xem là một thành tích tiếp theo của KPK. Liên quan trường hợp Bộ trưởng Batubara và các gói trợ cấp xã hội của chính phủ, ông Firli Bahuri, chủ tịch KPK, khẳng định: "Chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây và chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ".
Nói đến KPK, một số tờ báo đã sử dụng những từ "gan dạ", "can đảm" để miêu tả. Tuy nhiên, trong môi trường chính trị của Indonesia, không chỉ KPK đi tìm "sâu" mà KPK cũng là mục tiêu thường xuyên của nhiều cuộc tấn công hoặc nỗ lực nhằm làm suy yếu quyền lực của ủy ban này.
Năm 2019, Quốc hội Indonesia đã thông qua việc sửa đổi Luật KPK năm 2002, đe dọa làm mất đi năng lực của ủy ban này. Dẫu vậy, tạp chí The Diplomat đánh giá KPK vẫn cho thấy mức độ can trường và độc lập rõ rệt, đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng.
85
KPK đã góp phần kéo vị trí của Indonesia trên bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế, khi xứ sở vạn đảo từ vị trí 122 vào năm 2003 đã tăng lên vị trí 89 vào năm 2018 và 85 vào năm 2019 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận