Lực lượng cứu hộ dùng máy móc hạng nặng để tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát ở huyện Pidie Jaya - Ảnh: AP |
>>
Thiếu tướng Tatang Sulaiman - chỉ huy quân đội ở tỉnh Aceh, đã xác nhận con số nạn nhân thiệt mạng trên truyền hình nhà nước. Ông cũng thêm rằng 4 người còn sống đã được đưa ra từ đống đổ nát, 4-5 người khác vẫn còn bị chôn vùi.
Ông không cho biết họ còn sống hay không, chỉ nói ông hi vọng sẽ đưa họ ra ngoài trước khi mặt trời lặn.
Trong khi đó người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết hàng ngàn nhân viên cứu hộ đã được triển khai tới khu vực động đất, trong đó có hàng trăm binh sĩ.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cũng thông báo đã cử một nhóm đánh giá thiệt hại đến khu vực bị động đất. "Họ sẽ cung cấp cho chúng tôi một bức tranh rõ ràng hơn về những nhu cầu của người dân ở vùng động đất lúc này", ông Peter Kern thuộc IOM nói.
Thi thể một nạn nhân được đưa ra ngoài - Ảnh: AP |
Trước đó cùng ngày, các quan chức Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết động đất đã gây thiệt hại lớn với hơn 200 ngôi nhà và cửa hàng bị hư hại hoặc bị san phẳng. Khoảng 14 nhà thờ Hồi giáo bị sập và một bệnh viện bị hư hại.
Nhiều trường học cũng bị thiệt hại khiến việc học của khoảng 10.000 học sinh bị gián đoạn.
Là quần đảo lớn nhất thế giới, Indonesia dễ bị động đất do nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương. Khoảng 148,4 triệu người dân nước này đang sống ở những vùng có nguy cơ xảy ra động đất.
Vào tháng 12-2004, 170.000 người Indonesia đã thiệt mạng sau khi một trận động đất 9,1 độ Richter xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra gây sóng thần. Riêng tại tỉnh Aceh, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, những đợt sóng thần cao tới 10m đã nhấn chìm nhiều nhà cửa và sinh mạng.
Sóng thần cũng giết chết 35.000 người ở Sri Lanka, 18.000 người ở Ấn Độ và 8.000 người ở Thái Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận