Rác thải nhựa trên bờ sông ở Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ngày 21/7, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut B. Pandjaitan đã khánh thành nhà máy sản xuất nhiên liệu từ rác thải (RDF) tại huyện Cilacap, tỉnh Trung Java.
Nhà máy RDF tại Cilacap là cơ sở đầu tiên ở Indonesia do Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở (PUPR), Bộ Môi trường và Rừng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), chính quyền tỉnh Trung Java, huyện Cilacap và công ty sản xuất xi măng PT Solusi Bangun Indonesia phối hợp triển khai.
Với tổng vốn đầu tư 90 tỉ rupiah (6,29 triệu USD), nhà máy có khả năng biến 120 tấn chất thải mỗi ngày thành khoảng 50 tấn nhiên liệu dùng để thay thế than cung cấp cho các lò nung xi măng.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy trên, Bộ trưởng Panjaitan nhấn mạnh dự án thí điểm ứng dụng công nghệ RDF nằm trong nỗ lực cải thiện công tác quản lý chất thải vốn đang trở thành vấn đề phức tạp ở Indonesia.
Ông Panjaitan khẳng định sự cần thiết phải có 'bước đột phá' trong quản lý chất thải nhằm giảm sự phụ thuộc của các địa phương vào những địa điểm chôn lấp rác thải từ lâu cũng luôn là một vấn đề về môi trường và xã hội ở Indonesia.
RDF có thể được sử dụng để thay thế than cung cấp cho các lò nung xi măng hoặc nhà máy nhiệt điện. Hiện Chính phủ Indonesia đang lập bản đồ tiềm năng và soạn thảo các quy định kỹ thuật nhằm khuyến khích việc sử dụng RDF như một giải pháp thay thế trong công tác quản lý chất thải tại các địa phương.
Dự kiến, PUPR sẽ hợp tác với Bộ Năng lượng và Tài nguyên cùng Tập đoàn PT Indonesia Power để sớm triển khai chương trình này. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu xây dựng và vận hành 12 nhà máy điện rác thải với tổng công suất 234 MW vào năm 2022.
Theo nghiên cứu hồi năm 2015, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với hơn 260 triệu người này tạo ra một lượng chất thải khổng lồ và là nước đứng thứ hai thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận