Những người đi vay hoàn toàn bị “sốc” trước một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc (Ngân hàng Trung ương Úc) bắt đầu từ tháng 5-2022 và kéo dài trong 8 tháng liên tiếp - theo số liệu tổng hợp của IMF.
Chi phí vay tăng cao đã khiến Úc đứng đầu bảng xếp hạng về nợ, Canada đứng thứ hai, tiếp theo là Na Uy và Hà Lan.
Bốn lần tăng lãi suất khác kể từ tháng 12-2022 có thể khiến khả năng tiếp cận với các khoản nợ của Úc còn gặp khó khăn hơn nữa, với tỉ lệ lãi suất cơ bản hiện ở mức 4,1%.
Tháng 7 vừa qua, Trường đại học Quốc gia Úc đã tính toán rằng nếu lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa, tức lên 4,6%, người dân Úc sẽ phải dành 40% thu nhập của mình để trả các khoản thế chấp (mua nhà) và các khoản vay khác.
Các số liệu này được công bố trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu nửa năm của IMF, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng khoảng 5% ngân hàng trên toàn cầu sẽ chịu áp lực nếu lãi suất ngân hàng trung ương duy trì ở mức cao lâu hơn.
IMF cho biết thêm 30% ngân hàng - bao gồm một số ngân hàng lớn nhất thế giới - sẽ dễ bị tổn thương nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát cao, còn gọi “lạm phát trì trệ”.
IMF cũng công bố Triển vọng kinh tế thế giới tại thành phố Marrakech của Morocco với lưu ý lạc quan hơn một chút về tăng trưởng toàn cầu so với dự đoán của một số chuyên gia cách đây vài tháng.
Tăng trưởng kinh tế thế giới được cho sẽ chậm lại ở mức 3% trong năm nay và 2,9% vào năm 2024, mức giảm khiêm tốn 0,1 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 7-2023 của cơ quan này.
Úc dự kiến có mô hình tương tự như các nền kinh tế tiên tiến khác và trải qua một vài năm kinh tế hoạt động yếu kém. IMF dự đoán GDP thực tế của Úc sẽ tăng 1,8% năm 2023 và 1,2% vào năm 2024. Con số của năm tới thấp hơn nửa điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Giám đốc phụ trách nghiên cứu của IMF là Pierre-Olivier Gourinchas cho biết nền kinh tế toàn cầu đã thể hiện “khả năng phục hồi đáng kể” sau đại dịch COVID-19, bất chấp xung đột ở Ukraine và lạm phát gia tăng.
Mặc dù thị trường năng lượng và thực phẩm bị gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine cũng như việc thắt chặt tiền tệ chưa từng có để chống lại tỉ lệ lạm phát cao nhất trong hàng thập niên, hoạt động kinh tế chậm lại nhưng không bị đình trệ.
Lạm phát đang bắt đầu “hạ nhiệt” trên khắp thế giới, nhưng hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Úc, được cho sẽ không thể đạt được mục tiêu cân bằng cho đến năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận