Dưới bóng giai nhân dự kiến ra mắt đầu tháng 12 tại Nhà hát Bến Thành.
Ngoài chuỗi kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa thì lâu lắm rồi Idecaf mới "dám" đưa kịch người lớn ra Nhà hát Bến Thành, kể từ sau vở nhạc kịch hoành tráng Tiên Nga năm 2017.
Ngoài Hồng Ánh, Dưới bóng giai nhân quy tụ lực lượng nghệ sĩ hùng hậu của Idecaf.
Hồng Ánh mong mang đến hình ảnh khác về nàng Kiều
Dưới bóng giai nhân được tác giả Quang Thảo cảm tác từ Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du. Anh cũng đảm nhiệm luôn vai trò đạo diễn.
Quang Thảo bày tỏ Truyện Kiều quá quen thuộc với công chúng. Mỗi nhân vật đều có thể xây dựng thành kịch bản riêng.
"Đó là thuận lợi mà cũng là áp lực với tôi, vì nếu không khéo sẽ đi theo lối mòn. Vì vậy mình phải cố gắng khai thác, tìm con đường riêng cho vở diễn.
Tôi hư cấu khá nhiều và đưa vào vở nhiều nhân vật mới" - Quang Thảo nói và cho biết đã viết tác phẩm trong suốt 5 năm.
Hồng Ánh được đánh giá là cô đào có nhiều nội lực trên sân khấu kịch. Lựa chọn Hồng Ánh cho nhân vật Kiều của ê kíp được nhiều người tán thành.
Hồng Ánh tâm sự ngay từ ghế nhà trường đã được học Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đây là tác phẩm thơ mà cô cảm thấy khai thác hoài cũng không hết. Với Dưới bóng giai nhân, Hồng Ánh nghĩ rằng nàng Kiều sẽ khoác một diện mạo mới, không chỉ là ngoại hình mà còn là khí chất.
"Trong suy nghĩ của mình, Kiều là nạn nhân, là người của gia đình và với nhân vật lần này cô còn là phụ nữ khá bản lĩnh. Khi đọc kịch bản tôi đã rất thích. Vì vậy tôi từ chối nhiều dự án phim điện ảnh, truyền hình để tập trung cho Dưới bóng giai nhân".
Hồng Ánh cho biết thêm khi tập khoảng 2/3 chặng đường thì cô gặp vấn đề về sức khỏe. Bác sĩ cảnh báo nếu không điều trị triệt để sẽ bị mất giọng vĩnh viễn.
Tuy nhiên, Hồng Ánh tin vào đam mê, tình yêu dành cho sân khấu sẽ vượt qua mọi khó khăn, hy vọng mang đến hình ảnh khác về nàng Kiều đến với khán giả.
Đạo diễn Quang Thảo tiết lộ với nhân vật Kiều, lần đầu tiên anh tổ chức casting, tuy nhiên không tìm ra được diễn viên phù hợp.
Lúc đó, anh nghĩ đến Hồng Ánh và anh đề nghị cô tham gia casting để đảm bảo cho sự cân nhắc của mình. Và Quang Thảo cho rằng Hồng Ánh là lựa chọn hợp lý cuối cùng của anh.
Vì sao Idecaf tự tin đưa Dưới bóng giai nhân ra Nhà hát Bến Thành?
Có thể nói, trong tình hình sân khấu kịch còn nhiều bấp bênh như hiện nay, việc lấp đầy chỗ trống trong khán phòng mỗi đêm cũng đủ làm các sân khấu đau đầu.
Vì vậy việc Nhà hát kịch Idecaf "dám" đưa vở chính kịch ra diễn ở Nhà hát Bến Thành với hơn 1.000 chỗ ngồi trong thời điểm hiện tại khiến nhiều người nghi ngại và lo lắng.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc nhà hát, kể nhiều người hỏi ông có an tâm đem vở diễn ra nhà hát lớn hay không, ông chia sẻ:
"Idecaf tồn tại hơn 27 năm là nhờ vào sự yêu thương của khán giả. Anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn biết ơn tình cảm đó.
Vì vậy việc dàn dựng những vở ý nghĩa, được đầu tư lớn để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khán giả là thể hiện lòng biết ơn của chúng tôi với công chúng.
Với tôi, khán giả vẫn là ẩn số, cũng chưa biết được mức độ thành công của vở, nhưng cứ cố gắng làm, hy vọng sẽ được khán giả yêu thương, đón nhận".
Dưới bóng giai nhân có sự tham gia của hơn 50 diễn viên. Trang phục được đầu tư lên tới 200 bộ. Âm nhạc do nhạc sĩ Văn Tứ Quý đảm trách.
Dưới bóng giai nhân còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Thủy (vai Hoạn Thư), Mỹ Duyên (vai Đạm Tiên), Đình Toàn (Hồ Tôn Hiến), Đại Nghĩa (Từ Hải), Công Danh (Thúc Sinh), Bạch Long (Bạc Hạnh), Hoàng Trinh (Tú Bà Lã Thu), Diệu Đức (ni sư Giác Duyên), Tuyền Mập (Bạc Bà)…
Quang Thảo là tác giả mát tay của những kịch bản Ngày xửa ngày xưa ở Idecaf, anh từng đạo diễn vở Giấc mộng vàng son ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh, là tổng đạo diễn chương trình Cải lương-Trăm năm nguồn cội năm 2019 tại Nhà hát Bến Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận