Từ điển Việt Bồ La (1651) ghi nhận sự đại tiện bằng 2 cách: yả hoặc yẻ; nay chỉ còn gọn lỏn: ị. Và thật bất ngờ khi từ iẻ cũng là cách gọi của gẻ. Gẻ là gì? Có 2 nghĩa: "Miếng giẻ, lấy gẻ mà vá áo; Bản chất của loại tơ hoặc sợi như vải tốt gẻ: bản chất của loại vải này tốt".
Với câu "Tốt mã dẻ cùi", ai cũng hiểu rằng nhìn bề ngoài (tốt mã: mã là vẻ/dáng vẻ) nhưng bên trong lại xấu xa, bẩn thỉu như (con chim) giẻ cùi: "Giẻ cùi tốt mã dài đuôi/ Hay ăn cứt chó ai nuôi giẻ cùi".
Ngộ thay, từ giẻ trong thành ngữ ấy, trong tiếng Việt lại chấp nhận cả 2 cách ghi: giẻ/dẻ. Nếu ở XVII phải là cách viết jẻ chăng? Từ điển Việt Bồ La cho biết: "jì" tức "gì" hoặc "jà" tức "già"…
Với từ y cũng có vài từ thông dụng, phổ biến một thời, bằng chứng từ điển có ghi nhận nhưng nay đã "bỏ cuộc chơi".
Chẳng hạn, "Yếc: Ngặt, bức. Nói yếc là nói cho ngặt, nói cho tức, nói cho quá. Ở yếc là ở hiểm, ở bất nhơn". Lại còn có "Ym: Mát mẽ, tư nhuận; để lâu, để trễ; Ym ẩn: giấu giếm, che đậy. Ym ẩn đưa gian".
Đọc qua thấy lạ mắt quá, thật ra đó là cách mà ông Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích từ Im. Mà "im" thời thế kỷ XVII lại có nghĩa: "Đất tốt thích hợp để gieo giống" như A de Rhodes đã cho biết. Tưởng rằng đã mất, nào ngờ hiện nay người miền Nam vẫn còn sử dụng, một người nông dân dặn con: "Không sao đâu. Chỗ đất này im không cần tưới quá nhiều nước".
I và Y rất ư gần gũi với nhau. Đôi lúc còn có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Vậy, thử hỏi có bao giờ y đi chung với i không? Có đấy.
Trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ (NXB Trẻ-1998), nhà thơ Mộng Tuyết cho biết vào dịp Tết năm Canh Thìn (1940) nhà thơ Đông Hồ có khai trương cửa hàng bách hóa mà bảng hiệu ghi rành rành "Yiễm Yiễm thương điếm", sau đó, mở thêm ngành phát hành sách lấy tên Yiễm Yiễm thư trang (tr.105). Ấy là cách ghi âm "Diễm Diễm" đấy thôi.
Nhưng y cũng là một cách tự nhận, tự nói về mình một cách khách quan như đang nói về người khác. Đọc truyện dài Sống mòn của nhà văn Nam Cao, ta thấy rất rõ điều này, thí dụ: "Người ta chỉ được hưởng những cái gì mình đáng hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?" - đó là câu thầy giáo Thứ nói với chính bản thân mình.
Y dài, ta vẫn thường gọi là "y cờ rét". Nếu có câu hỏi vì sao gọi như thế, ắt không ít người ngắc ngứ chăng?
Bèn sử dụng phương pháp "cần cù bù thông minh", khi tra Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh, thấy rõ ràng ràng, "cờ rét" là cách phiên âm từ tiếng Pháp: "Grec: thuộc về Hy Lạp". Hiểu rằng, y nằm trong bản mẫu tự của người Hy Lạp, người Việt vay mượn trong quá trình ghi âm và gọi "y cờ rét".
Dần dà, "y cờ rét" lại biến âm thành… "y cà lết".
Hai Ngon nói: "Mì Tàu chính cống là mấy tiệm mì, xe mì có chữ ký phía sau. Thí dụ như Tài Ký, Minh Ký, Minh Ký… Mầy để ý coi, tiệm nào cũng có chữ Ký hết. Có chữ ký mới ngon". Nhóc Minh hỏi lại: "Ký viết i ngắn hay y cà lết vậy chú?".
Trích truyện dài Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của nhà văn Lê Văn Nghĩa
Thiết nghĩ, sở dĩ "y cờ rét" không phổ biến bằng "y cà lết" là do người ta chọn lấy cách phát âm mà từ đó, họ có thể hiểu rõ nghĩa.
Hiện tượng này đã phản ánh tính chất khi tiếp một/nhiều từ nước ngoài, người Việt buộc nó phải "nhập gia tùy tục". Cà lết là chuyển dịch khó khăn, chậm chạm bằng cách kéo lê chân, không nhắc lên được hoặc phần dưới cơ thể chạm đất.
Từ nghĩa này, y cà lết một khi "gia nhập" vào dòng tiếng lóng, nó lại còn dùng ám chỉ người tàn tật, hai chân không bình thường. Cách nói này, nhằm làm nhẹ đi khiếm khuyết của người đó.
Chẳng hạn, người này hỏi: "Cô nàng sắp lên xe hoa cùng bạn thế nào?". Người kia đáp: "Nhan sắc thì tuyệt, chỉ mỗi tội nàng y cà lết". Cách gọi i và y không chỉ có thế, i được gọi i ngắn/ i cụt; y còn được gọi y dài.
I, tờ ( i, t) giống móc cả hai
I ngắn có chấm, tờ dài có ngang
Thời xóa nạn mù chũ trong phong trào Bình dân học vụ, có lẽ i, tờ quen thuộc nhất, bởi lẽ đó là những mẫu tự được dạy trước nhất. "Sách i tờ phát không cho học/ Liệu cô nàng đã đọc được chưa?". "Lão ấy mà tiến sĩ à? I tờ thì có" là câu nhận xét người đó học hành chẳng bao nhiêu, chữ nghĩa chưa đầy lá mít, chỉ mới biết đọc biết viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận