Hệ thống điều khiển máy phát điện hoạt động bằng khí thu gom từ rác thải tại Bình Dương - Ảnh: B.SƠN
Hà Nội: Rác cao như núi, chờ nhà máy hiện đại
Đi dọc tuyến đường tỉnh 35 và hai bên đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, anh Minh - một người dân sống gần khu vực bãi rác - nói: "Nghe huyện thông báo sắp có nhà máy đốt rác hiện đại được xây dựng. Tôi cố chịu mùi hôi vài năm, có nhà máy chắc sẽ đỡ hơn. Nhưng đến bây giờ chẳng thấy thợ xây nào đến xây nhà máy cả".
Nhà máy mà anh Minh nhắc tới chính là dự án điện rác Sóc Sơn với công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày. Điều này có nghĩa nếu nhà máy đi vào hoạt động, có khoảng 2/3 rác thải mỗi ngày của Hà Nội được đốt để phát điện. Thế nhưng, đến nay khu vực xây dựng dự án vẫn là một bãi đất trống. Núi rác Nam Sơn kế bên ngày một cao.
Theo Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội - đơn vị thi công, dự án được cấp phép tháng 12-2017 nhưng phải mất gần 1 năm mới hoàn tất hồ sơ theo quy định. Quý 2 vừa qua, nhà máy điện rác này đã rậm rịch khởi động.
Dù vậy, theo đơn vị thi công, họ khó đẩy nhanh tiến độ vì dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành. Mỗi vấn đề phát sinh, chủ đầu tư, đơn vị thi công lại phải họp, xin ý kiến từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường cho đến Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ...
Tuy TP Hà Nội đã chốt thời gian hoàn thành các nhà máy xử lý chất thải theo công nghệ mới vào cuối năm 2020, nếu không được sự tháo gỡ tích cực từ các bộ, ngành, dự án khó đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, mỗi ngày Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn tiếp nhận từ 4.000 - 4.500 tấn rác. Nếu nhà máy chậm tiến độ, Sóc Sơn hết chỗ chôn rác, người dân lại chặn xe rác, Hà Nội lại lâm vào cảnh "ngập trong rác" như nhiều lần trước đây.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, TP đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất, hỗ trợ giá mua điện để kêu gọi nhà đầu tư "nhảy" vào lĩnh vực này từ năm 2004. Đến nay có 4 dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ.
Cần Thơ không đủ rác để đốt!
Sau nhiều năm loay hoay với việc xử lý rác, từ tháng 11-2018, TP Cần Thơ đã có nhà máy xử lý rác bằng công nghệ mới của châu Âu, đốt rác phát điện với vốn đầu tư 47 triệu USD đặt tại huyện Thới Lai.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, lượng rác thải sinh hoạt thu gom khoảng 600 tấn/ngày, đạt 90% lượng rác trên địa bàn TP. Hiện có 4 đơn vị xử lý rác bằng công nghệ đốt, trong đó có Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ (Công ty năng lượng môi trường EB Cần Thơ) đặt tại huyện Thới Lai. Theo lãnh đạo công ty này, hiện đang xử lý 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 150.000 kWh (tương đương 60 triệu kWh/năm) hòa vào lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Chí Kiên - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ - cho biết 100% lượng rác được thu gom của TP đều được xử lý. Thậm chí Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ không đủ rác để xử lý nên lãnh đạo Công ty năng lượng môi trường EB Cần Thơ đề xuất TP cho họ xử lý miễn phí rác trước đó được chôn lấp tại bãi rác Cờ Đỏ.
Công nghệ xử lý của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ hoạt động ổn định từ tháng 11-2018 đến nay. Nguồn thải ra nước được tuần hoàn sử dụng, khí thải, tro xỉ đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn. Ông Kiên dẫn chứng lượng tro xỉ lò đốt của nhà máy khoảng 20 tấn/ngày đã được Bộ Xây dựng cho phép làm vật liệu xây dựng.
Bình Dương: Vay ODA làm nhà máy xử lý rác
Với gần 30 khu công nghiệp đang hoạt động, Bình Dương đã quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tập trung tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát. Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương được giao cho Công ty Nước - môi trường Bình Dương (doanh nghiệp nhà nước nay đã cổ phần hóa) vận hành, có khả năng tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác thải sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác thải công nghiệp/ngày. Đây là một trong năm nhà máy xử lý rác thải có quy mô lớn nhất nước.
Về công nghệ xử lý, do có khu xử lý tập trung với quy mô lớn nên rác thải tại Bình Dương được tận dụng, đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị. Cụ thể, nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân bón với công suất 840 tấn/ngày; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch công suất 2.000 m2/ngày...
Phần rác thải không thể tái chế vẫn có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để phát điện với công suất 2.000 kVA.
Để có nguồn vốn xây dựng nhà máy xử lý rác, UBND tỉnh Bình Dương bảo lãnh, cho doanh nghiệp vay lại nguồn vốn ODA và doanh nghiệp tự cân đối thu chi để hằng năm trích lãi tự trả vốn vay.
Đà Nẵng: Dân chưa an tâm về công nghệ đốt rác
TP Đà Nẵng đang hướng đến việc ngừng chôn lấp và chuyển qua xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Tuy nhiên, người dân đang lo ngại về công nghệ đốt rác lạc hậu sẽ tiếp tục gây hệ lụy cho môi trường.
Trước lo ngại về công nghệ nhà máy đốt rác phát điện có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường do một lượng tro phát ra trong quá trình đốt rác, ngày 28-8 vừa qua tại buổi giao ban báo chí TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng - cho biết TP đã thống nhất chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.
Việc đánh giá tác động môi trường sắp được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt. Sau khi được duyệt và đi vào nâng cấp một số hạ tầng, hệ thống thu gom nước thải, trạm rỉ rác... sẽ khắc phục được phần ô nhiễm.
Theo ông Hùng, TP đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày đêm và hiện đang lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương về bộ tiêu chí để kêu gọi nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận