Đường vành đai 4 mới chỉ hoàn thành một đoạn ngắn tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng, Bộ GTVT còn cho biết tiến độ đầu tư đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 vùng TP.HCM chắc chắn không đạt mục tiêu đưa vào sử dụng trong năm 2020 theo kế hoạch.
Vỡ kế hoạch đầu tư
Đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, chiều dài 98km, quy mô 6 làn xe, vốn đầu tư ước tính khoảng 66.500 tỉ đồng, kết nối các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, có điểm cuối tại Bắc Ninh, theo yêu cầu phải thông tuyến trong năm nay.
Nhưng đến nay các địa phương chưa phê duyệt dự án đầu tư. Dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vay ODA, sử dụng quỹ đất đổi hạ tầng, tuyến vành đai này chạy qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, vì vậy Chính phủ xác định chia thành nhiều dự án cho từng địa phương đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân đã đề xuất bỏ vốn làm dự án, trong đó Công ty CP T&T đề xuất đầu tư 34km đoạn nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Liên danh Công ty Phương Thành - Công ty Nguyên Minh đề xuất đầu tư 14km đoạn nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư cầu Hồng Hà và đường dẫn 2 đầu cầu; các đoạn tuyến còn lại đến nay chưa xác định được nhà đầu tư dự án.
Tương tự với dự án đường vành đai 3 vùng TP.HCM, chiều dài 89,3km, quy mô 6-8 làn xe cao tốc, vốn đầu tư ước tính 55.805 tỉ đồng.
Dự án cũng lên kế hoạch thông xe trong năm 2020 nhưng đến nay chỉ có 16,3km chạy qua tỉnh Bình Dương được đưa vào sử dụng, 73km còn lại chưa thực hiện đầu tư.
Theo Bộ GTVT, tuyến đường vành đai 3 vùng TP.HCM có khoảng 48km chạy qua địa bàn thành phố, nhưng tiến độ đầu tư đang hết sức ì ạch.
Riêng đoạn từ sông Đồng Nai đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có vốn đầu tư 5.330 tỉ đồng đã ký kết vay vốn ODA Hàn Quốc để xây dựng, dự kiến đoạn này sẽ khởi công xây dựng vào quý 2-2021.
Đoạn nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến cao tốc nối Bình Dương, Long An dài hơn 45,5km hiện đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư BOT, kết hợp ứng vốn vay ODA.
Các đoạn tuyến còn lại chạy qua 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một phần đã được đầu tư bằng ODA, còn lại đang trong trạng thái nghiên cứu lập dự án đầu tư.
Đối với dự án đường vành đai 4 vùng TP.HCM dài 200km chạy qua 5 địa phương TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, đến nay khoảng 110km chạy qua 3 tỉnh chưa thể triển khai vì cạn kiệt vốn.
Đoạn tuyến chạy qua TP.HCM, Long An đang được Bộ GTVT nghiên cứu hình thức quy mô đầu tư, chỉ khoảng 12km qua các KCN VSIP2A, KCN Mỹ Phước 3 đã được đầu tư hoàn chỉnh.
Cùng cảnh ngộ này là dự án vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, có chiều dài tới 330,7km, nhưng hầu hết chưa đầu tư vì thiếu vốn.
Đường vành đai 3 Hà Nội là tuyến vành đai do trung ương đầu tư đã cơ bản hoàn thành - Ảnh: Nam Trần
Chuyển các dự án về trung ương đầu tư?
Đây là vấn đề đang được nhiều chuyên gia đưa ra để giải quyết tình trạng ì ạch của các đường vành đai.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, các dự án vành đai kể trên thuộc thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, Bộ GTVT thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư, sau đó chuyển về các địa phương huy động vốn. Thời gian qua, việc huy động vốn đầu tư các dự án rất khó khăn.
"Các đoạn giao cho địa phương làm chủ đầu tư không thu hút được vốn, trong khi trung ương cũng làm một số đoạn như dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thì vừa qua mới thu xếp được vốn ODA của Hàn Quốc để triển khai xây dựng", ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thời gian tới bộ sẽ đề xuất Chính phủ nhiều ưu tiên thực hiện các dự án đường vành đai của hai đô thị lớn nhất nước và tính đến khả năng đề xuất Chính phủ chuyển các dự án đường vành đai Hà Nội, TP.HCM về trung ương quản lý, thực hiện đầu tư.
Các địa phương chỉ tham gia dự án trong khâu giải phóng mặt bằng chứ giao cho các địa phương đầu tư từng đoạn tuyến vành đai vùng những năm qua không hiệu quả.
Cụ thể, một dự án đường vành đai đi qua nhiều tỉnh, thành phố, nếu không tập trung quản lý, bố trí vốn sẽ rất khó làm. Ông Đông đưa ra ví dụ thời gian qua Bộ GTVT đã trực tiếp đầu tư tuyến vành đai 3 của Hà Nội, đến nay cơ bản đã xong.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, giám đốc nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics, trước khi nghĩ tới việc điều chuyển, bơm vốn cho các dự án đường vành đai cần rà lại các quy định nhằm loại bỏ các rào cản trong quy trình đầu tư công hiện nay.
Chúng ta rất khó điều chuyển tắt vốn từ dự án này qua dự án khác vì quy định của Luật ngân sách, Luật đầu tư công rất chặt chẽ.
Ông Minh kiến nghị cần làm sạch các vấn đề pháp lý để các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn giải ngân vốn mà không lo vấn đề pháp lý vì quy trình đầu tư công hiện nay còn nhiều rủi ro về pháp lý nên các bộ, ngành đặc biệt cấp địa phương cẩn trọng, dẫn đến chậm giải ngân.
Phần lớn thời gian chậm giải ngân là chủ đầu tư đi xin ý kiến bộ, ngành, cấp có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc.
"Các bộ, ngành, địa phương không thể bỏ qua các vấn đề pháp lý để sau đầu tư họ lại dính vào chuyện này, chuyện kia, thậm chí rơi vào vòng lao lý" - ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.
Điều tốt nhất là các bộ, ngành, địa phương phải ngồi lại để rà soát các vấn đề pháp lý, vướng ở đâu thì sửa ở đó để bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện giải ngân vốn đúng quy định pháp luật.
Chúng ta có thể chấp nhận giải ngân chậm một năm để các năm sau giải ngân trơn tru hơn, nhanh hơn. Chứ nếu tình trạng hiện nay không được gỡ vướng thì có thể làm tắt được 1-2 dự án đầu tư nhưng năm sau quá trình giải ngân vốn tiếp tục ách tắc.
Một đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (đường vành đai 3) giao với quốc lộ 1 tại nút giao Tân Vạn, Bình Dương - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
"Đường vành đai không thuộc diện điều chuyển vốn đầu tư"
Các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 vùng TP.HCM, đường vành đai 4, đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội không nằm trong danh mục được điều chuyển vốn đầu tư.
Hầu hết các dự án thuộc các tuyến đường vành đai của Hà Nội, TP.HCM chậm tiến độ, đang dừng ở trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc điều chuyển vốn chỉ thực hiện với các dự án được phê duyệt sẵn, chuẩn bị thực hiện đầu tư.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia về giao thông):
Đường vành đai là lối thoát cho tình trạng ùn tắc
Việc chậm đầu tư các tuyến vành đai của Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng ùn tắc giao thông đô thị. Với Hà Nội, TP.HCM thì các tuyến đường vành đai như mạch máu chính của giao thông đường bộ.
Trong dòng xoáy phương tiện, giống như dòng xoáy của nước phải có cống lớn, trục lớn, những đại lộ lớn để giải thoát dòng xe, dòng người. Những đường vành đai đô thị phù hợp sẽ giải thoát giao thông 2 chiều từ ngoài vào nội ô và từ trong nội ô ra ngoài.
Đường vành đai là các trục giao thông lớn của đô thị với lưu lượng hàng chục vạn phương tiện/ngày, là những lối thoát cho tình trạng ùn tắc giao thông đô thị hiện nay.
Nếu các tuyến vành đai trên cao, dưới thấp của Hà Nội, TP.HCM được đầu tư nhanh chóng, đúng tiến độ sẽ góp phần khai thông, giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Khi đó, xe ngoại tỉnh sẽ không phải lưu thông qua vùng nội ô, giải quyết bài toán phân luồng giao thông, ngăn chặn tình trạng ùn tắc ở khu vực cửa ngõ.
TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):
Chắc hiệu quả thì tìm cách điều chuyển vốn
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công để thúc tăng trưởng kinh tế là cần thiết. Bởi vốn đầu tư không tự nhiên mà có nhiều khi phải đi vay, trả lãi suất rất tốn kém.
Việc điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án đường vành đai là cần thiết nhưng cũng cần nhìn lại nếu chuyển vốn sang các dự án đường vành đai vùng Hà Nội, TP.HCM, liệu tiến độ giải ngân có nhanh hơn?
Điều cốt yếu cuối cùng là hiệu quả đầu tư, dự án đói vốn nhưng phải thực sự hiệu quả mới điều chuyển, bổ sung vốn, đã thực hiện điều chuyển vốn phải chắc chắn hiệu quả đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận