Tuyến xe buýt số 7 (bến xe Chợ Lớn - Gò Vấp) từng trúng thầu trợ giá nhưng do hiệu quả không cao nên trở lại khoán trợ giá - Ảnh: Hữu Khoa |
Từ năm 2005, UBND TP chỉ đạo tổ chức đấu thầu khai thác kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Thế nhưng trong mười năm qua Sở GTVT TP chỉ tổ chức đấu thầu 11 tuyến xe buýt, trong đó sáu tuyến có đơn vị trúng thầu.
Trong số năm tuyến xe buýt còn lại, có một tuyến không có nhà thầu tham gia và bốn tuyến đã mở thầu lần 2 nhưng không có đơn vị trúng thầu.
Theo Sở GTVT TP, việc đấu thầu xe buýt nhằm để các doanh nghiệp không trông chờ ngân sách trợ giá mà phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp, sáng kiến kinh doanh phù hợp để thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt.
Điều này còn giúp doanh nghiệp chú trọng hơn về chất lượng phục vụ hành khách và tiết kiệm tiền ngân sách trợ giá xe buýt. Thế nhưng số tuyến xe buýt trúng đấu thầu quá ít và hiệu quả mang lại sau khi đấu thầu cũng không cao.
Cụ thể vào năm 2009, Hợp tác xã vận tải 19-5 trúng thầu tiền trợ giá tuyến xe buýt số 87 (bến xe An Nhơn Tây - Củ Chi) là 8,8 tỉ đồng. Đến năm 2012 sau khi kết thúc thực hiện gói thầu này, Sở GTVT TP đã bảy lần điều chỉnh giá (do tiền lương nhân công, giá nhiên liệu tăng) và tiền trợ giá tăng lên 17,5 tỉ đồng.
Giải trình với UBND TP về những hạn chế trong công tác đấu thầu, Sở GTVT TP cho biết mục tiêu giảm trợ giá qua đấu thầu xe buýt đã không phát huy cao vì có những lần mở thầu chỉ có một nhà thầu tham dự, thậm chí doanh nghiệp này lại bỏ giá thầu cao hơn giá được phê duyệt. Do đó các cơ quan liên quan phải làm lại những thủ tục đấu thầu lần 2, lần 3 hoặc hủy đấu thầu.
Theo ông Nguyễn Văn Triệu - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải 19-5, việc đấu thầu xe buýt không thành công vì trong hợp đồng thực hiện gói thầu tuyến xe buýt số 87 dự kiến bình quân mỗi năm tăng khoảng 5% lượng khách đi lại, trong thực tế lượng khách chỉ tăng 1%/năm.
Mặt khác, quy định thời gian thực hiện gói thầu trợ giá xe buýt ba năm là quá ngắn nên các doanh nghiệp không tham gia.
Ông Triệu đề xuất cần quy định thời gian nhận thầu kéo dài 5-7 năm vì các doanh nghiệp vận tải dự kiến trong ba năm đầu có thể bị lỗ và từ năm thứ tư hoặc thứ năm trở đi mới bắt đầu có lãi.
Một số doanh nghiệp vận tải xe buýt cho rằng Sở GTVT TP cần mạnh dạn đưa những tuyến xe buýt có lượng hành khách đi nhiều để đấu thầu theo hướng không trợ giá xe buýt.
Đồng thời cần tính toán đưa vào đấu thầu “trọn gói” trợ giá tuyến xe buýt đưa rước học sinh. Bởi vì xe buýt đưa rước học sinh có lượng hành khách đi lại tương đối ổn định trong một năm học.
Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP - cho rằng vấn đề là phải đấu thầu công khai minh bạch để sử dụng đúng tiền trợ giá từ ngân sách.
Sắp đấu thầu 18 tuyến xe buýt Báo cáo với UBND TP.HCM, Sở GTVT TP cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP tổ chức đấu thầu 18 tuyến xe buýt đang trợ giá và một tuyến xe buýt mới mở. Trong đó, Sở GTVT TP đang thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật chín tuyến xe buýt sẽ đưa ra đấu thầu gồm bến xe Chợ Lớn - Gò Vấp, Sài Gòn - Thới An, bến xe Củ Chi - An Nhơn Tây, bến xe miền Đông - bến xe Chợ Lớn, bến xe Củ Chi - Bình Mỹ, chợ Bến Thành - chợ Thạnh Lộc, Bến Thành - Khu công nghiệp Tân Bình, bến xe Củ Chi - cầu Tân Thái, chợ Long Trường - KCX Linh Trung 2. Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật chín tuyến xe buýt sẽ đưa ra đấu thầu gồm bến xe miền Đông - 3 Tháng 2 - bến xe miền Tây, Bến Thành - Nhà Bè, Bến Thành - Âu Cơ - bến xe An Sương, Bến Thành - Cộng Hòa - bến xe An Sương, Bến Thành - Phạm Thế Hiển - Ba Tơ, Bến Thành - Hóc Môn, bến xe Chợ Lớn - bến xe An Sương, bến xe Chợ Lớn - Trường đại học Giao thông vận tải, Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - bến xe An Sương. Riêng tuyến xe buýt mới mở là bến xe Củ Chi - Khu nông nghiệp công nghệ cao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận