Ngày 24-4 tới đây, 8 kình ngư gồm Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Phạm Thanh Bảo, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Quang Thuấn, Nguyễn Thúy Hiền và Lê Quỳnh Như sẽ trở về Việt Nam sau 2 tháng tập huấn tại Hungary.
Vẫn đặt niềm tin vào đội nam
Tròn một năm trước, các VĐV nòng cốt của tuyển bơi Việt Nam cũng tham dự SEA Games 31 sau khi kết thúc chuyến tập huấn ở Hungary. Và rồi trong kỳ đại hội trên sân nhà, họ xuất sắc mang về 11 huy chương vàng (nhiều nhất với tuyển bơi Việt Nam trong lịch sử dự SEA Games). Thành tích này càng ấn tượng hơn khi không còn sự hiện diện của kỷ lục gia Ánh Viên.
Sau một năm, đội bơi Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn xuất sắc hơn khi những kình ngư trẻ như Hưng Nguyên (giành 3 HCV cá nhân, 1 HCV tiếp sức ở SEA Games 31), Thanh Bảo (2 HCV cá nhân), Nguyễn Hữu Kim Sơn (2 HCB cá nhân, 1 HCV tiếp sức), Quang Thuấn (1 HCB cá nhân) ngày một trưởng thành, bên cạnh một Huy Hoàng vẫn đang ở đỉnh cao phong độ.
Việc đoàn thể thao Việt Nam cắt giảm quân số khiến tuyển bơi Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Lãnh đạo bộ môn bơi lội của Tổng cục Thể dục thể thao cho biết tuyển bơi Việt Nam dự kiến đến SEA Games 32 với khoảng 20 VĐV, ít hơn so với con số 24 VĐV ban đầu. Chỉ tiêu của đội bơi cũng là 8-10 HCV.
Công bằng mà nói, thành tích 11 HCV của đội bơi Việt Nam ở SEA Games 31 còn đến từ những chệch choạc của Singapore. Điển hình là ở nội dung tiếp sức 4x200m nam, khi một VĐV Singapore mắc lỗi khiến họ bị hủy kết quả thi đấu.
Nếu Singapore lấy lại phong độ, sẽ không hề dễ dàng để các nam kình ngư của Việt Nam hiện tại duy trì được thành tích ở SEA Games 31.
Thú vị những nữ "thần đồng"
Trong nhóm kình ngư đi Hungary tập huấn, Nguyễn Thúy Hiền và Lê Quỳnh Như là hai cái tên đặc biệt nhất.
Được ví như "thần đồng", cả hai trở thành niềm hy vọng cho đội bơi nữ thời hậu Ánh Viên. Sau khi Ánh Viên chia tay đội tuyển, Việt Nam không còn những nữ kình ngư đủ sức ganh đua với Singapore.
Lãnh đạo môn bơi đánh giá sẽ rất khó để đội bơi nữ Việt Nam có được HCV ở kỳ SEA Games này, khi các nữ kình ngư của Singapore vẫn quá xuất sắc.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào sự tiến bộ của các VĐV trẻ, mà Thúy Hiền và Quỳnh Như là tiêu biểu. Ở SEA Games 31, ở cái tuổi 14, Quỳnh Như là một trong những VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam.
Ở nội dung 50m ngửa, Quỳnh Như về đích thứ 7, kém VĐV giành HCV là Masniari Wolf của Indonesia 0,9 giây. Đến cuối năm, Quỳnh Như tiếp tục cho thấy tiến bộ khi đánh bại đàn chị Ánh Viên để giành HCV nội dung này tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022.
Cũng tại đại hội này, Thúy Hiền - người thậm chí còn nhỏ hơn Quỳnh Như 1 tuổi - gây sốc với việc phá kỷ lục 50m tự do mà Ánh Viên nắm giữ.
Nếu Quỳnh Như xuất sắc ở các nội dung bướm và ngửa thì Thúy Hiền lại nổi trội các cự ly ngắn của bơi tự do. Kỳ vọng Quỳnh Như gây bất ngờ ở SEA Games 32 là có cơ sở khi đối thủ nội dung 50m ngửa nữ của cô cũng không quá mạnh.
Đội bơi Singapore rất mạnh
Tuy Joseph Schooling đã rút khỏi SEA Games 32 sau bê bối hút cần sa, nhưng hàng loạt ngôi sao trẻ của đội bơi Singapore đang ngày một trưởng thành.
Những cái tên nổi bật Gan Ching Hwee, Teong Tzen Wei, Quah Jing Wen đều thi đấu khá ấn tượng ở Giải vô địch thế giới 2022.
Trong số này, Teong gây tiếng vang trên đất Hungary năm ngoái khi vượt qua hơn 60 kình ngư để lọt vào đến chung kết nội dung 50m bướm.
Thành tích chung cuộc của anh cũng chỉ kém nhà vô địch thế giới Caeleb Dressel 0,32 giây. Các kình ngự khác như Gan hay Quah Jing Wen cũng lọt vào bán kết của nhiều nội dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận