31/08/2017 11:58 GMT+7

Huyền thoại xóm Chín Chủ

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ

TTO - Ở Quảng Nam, có những xã có tới 2-3 nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng nơi “đặc biệt của những nơi đặc biệt” có lẽ là làng Đông Hồ (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn).

*** Error ***
Mẹ Nguyễn Thị Giao - mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống ở xóm Chín Chủ. Mẹ vẫn minh mẫn ở tuổi 96 -Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Khúc ruột đẻ ra ai mà không đau. Chỉ tiếc tụi nó hi sinh sớm quá. Ở xóm này con cái 14 tuổi đã gửi đi du kích. Chỉ tiếc rằng con tôi nó mất khi còn nhỏ quá, chưa đứa mô có vợ có chồng cả

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Giao

Ở đây có một xóm chỉ vỏn vẹn 9 hộ dân thì có 9 mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ và 7 thương binh. Đó là xóm Chín Chủ.

Giành đất, giữ dân

Xóm Chín Chủ là cách mà những người cao niên trong làng gọi tên 9 nóc nhà nằm ở ngã ba nơi hợp lưu hai sông La Thọ và sông Bình Phước, thuộc thôn Đông Hồ thời chiến.

Bước chân “chấm phẩy” dưới những lũy tre hiền hòa, ông Lê Việt Hùng (65 tuổi, thương binh, người dân xóm Chín Chủ) kể ngày trước xóm này nằm biệt lập bên bờ sông.

Do vậy đây là vùng yết hầu tập kết của nhiều đơn vị trước khi đánh xuống nội thị Đà Nẵng, cũng là nơi quá cảnh cho những ai muốn thoát ly đô thị đi theo cách mạng.

Địa thế hiểm yếu, được những lũy tre bao bọc dày đặc, nơi đây trở thành nơi trú ẩn, trạm kết nối với các đầu mối cách mạng của đặc khu Quảng Đà.

Những đơn vị có tiếng trong vùng như Biệt động 91, Tiểu đoàn R20, V25 cũng từng đóng trụ tại khúc sông này. Từ đây, hàng hóa, lương thực và vũ khí được tỏa đi các hướng nuôi quân.

Là vùng bị đánh phá liên miên nhưng 9 hộ dân đều một lòng bám trụ. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Điện An (cũ) ghi rằng từ năm 1954, xóm Chín Chủ đã trở thành nơi nuôi giấu cán bộ. Đến giai đoạn 1969-1971 nơi đây trở thành vùng bị đánh phá dữ dội nhất trong vùng.

“Nhiệm vụ của cha tôi (ông Lê Xuyên, đã mất) cũng như 8 gia đình lúc ấy là quản lý một chiếc máy bơm để lấy nước từ sông tưới tiêu cho vùng ruộng đồng khô cằn này để dân sinh sống.

Các hộ dân khác cũng một lòng quyết bám đất để cách mạng được bám dân. Hồi đó những thanh niên mới lớn lên trong xóm lứa của tôi cũng được cha mẹ cho đi du kích hết” - ông Hùng kể.

Ông Hùng cũng tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi ông bị thương và điều trị tại Quân y viện 78 ở căn cứ Hòn Tàu (Quảng Nam).

Trong một lần quân địch đột kích vào viện, ông bị bắt đi tù ở Non Nước rồi ra Phú Quốc. Mãi sau Hiệp định Paris, ông mới được trao trả tại sân bay Lộc Ninh với chân phải bị mất.

Những người như ông Hùng được xem là “may mắn” bởi ở vùng đất này có rất nhiều anh hùng ra đi không về.

Quên tình riêng vì nước là lẽ thường

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch UBND xã Điện Hòa, kể khi vừa lớn lên đã được cha mẹ kể về chuyện bám trụ đất đai, làng mạc với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không dời”. Sau này, nhà của 9 hộ dân năm xưa phải dời vào gần làng hơn vì lũ lụt.

“Ngày khánh thành tượng đài khu di tích, xóm có 9 hộ thì có 2 mẹ Việt Nam anh hùng và 7 thương binh còn sống, còn lại chủ yếu là các vợ liệt sĩ và con cháu. Ai cũng khóc vì xúc động” - ông Hải nhớ lại.

Trong số các mẹ Việt Nam anh hùng, nay chỉ duy nhất một mẹ còn sống là mẹ ông Hùng. Bước sang tuổi 96, mẹ Nguyễn Thị Giao vẫn còn minh mẫn khi nhớ về xóm nhỏ vang danh cách mạng. Mẹ sinh được 5 người con đều lần lượt gửi cả vào chiến trường. Và rồi, họ lần lượt ra đi...

Chỉ có ông Hùng là may mắn trở về với thân hình không lành lặn. Mẹ nói như thế cũng đã là niềm an ủi bởi ở đây chuyện quên tình riêng vì việc nước như một lẽ thường tình khi bom đạn trút xuống mái nhà.

Mẹ nói: “Khúc ruột đẻ ra ai mà không đau. Chỉ tiếc tụi nó hi sinh sớm quá. Ở xóm này con cái 14 tuổi đã gửi đi du kích. Chỉ tiếc rằng con tôi mất khi còn nhỏ quá, chưa đứa mô có vợ có chồng cả. Có đứa khi ngã xuống cũng không có một tấm di ảnh” - mẹ Giao nước mắt nghẹn ngào.

Có về Đông Hồ mới hay hết nỗi đau xương máu ghê gớm ở xứ này. Để có được độc lập tự do, cuộc đời của những người mẹ, người vợ ở đây đã bao lần như “chỉ mành treo chuông”. Chỉ mỗi xã Điện Hòa nhỏ nhoi đã có hơn 250 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1.500 liệt sĩ.

Chúng tôi về nơi thờ phụng của mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Môn và liệt sĩ Trần Còn, xóm Chín Chủ năm xưa. Căn nhà của bà Lê Thị Nhã (77 tuổi, vợ liệt sĩ Còn) chi chít vết nắng rọi do tôn thủng.

Bà Nhã nói dân vùng này trong gia đình người anh ra đi thì người em lại xung phong ra trận. Liệt sĩ Còn hi sinh để lại cho bà Nhã 3 mặt con.

Sau chiến tranh, bà vẫn ở vậy nuôi con. Chuyện về liệt sĩ Còn, về xóm Chín Chủ, về tự do và về những người mẹ Việt Nam anh hùng luôn được kể cho con cháu nghe...

914 mẹ đều được phụng dưỡng

Ông Lê Văn Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh có hơn 65.000 liệt sĩ và hơn 30.000 thương bệnh binh.

Trong số gần 15.000 mẹ được phong anh hùng, hiện 914 mẹ còn sống. Mỗi năm tỉnh dành 1.300 tỉ đồng để chi trả trợ cấp cho gần 60.000 gia đình chính sách.

Theo ông Thanh, cả 914 mẹ Việt Nam anh hùng đều được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng với mức bình quân 800.000 đồng/tháng.

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp