22/12/2013 07:42 GMT+7

Huyền thoại ở lại

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đến thăm căn nhà tình nghĩa vừa xây xong của ông Tư Cang (đại tá Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng lực lượng vũ trang), bắt gặp ông đang nâng niu tấm ảnh mà ông cho là đẹp nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuẩn bị lồng khung treo lên bàn thờ. “So le với ảnh Bác Hồ một chút, hai thầy trò mà” - ông ướm thử lên tường, nói giọng hài lòng. Rồi ông bỗng thở ra: “69 năm ngày thành lập quân đội rồi, lần đầu không còn anh Cả”.

UQJSGEWh.jpgPhóng to
Mẹ Nguyễn Thanh Tùng - Ảnh: Tự Trung

Bà Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Quang Mẫn (cả hai cùng là mẹ VN anh hùng, đồng thời là anh hùng lực lượng vũ trang) thì chỉ lên tường nhà mình. Trên ấy, những tấm bằng Tổ quốc ghi công, huân chương chiến công, huân chương kháng chiến treo kín, và nổi bật cũng chính là nụ cười thật hiền của Đại tướng. Bà Tùng cười: “Ảnh này được Đại tướng tặng khi đi cùng đoàn cựu chiến binh ra thăm Hà Nội năm 2007, treo luôn từ đó”. Bà Mẫn thì rưng rưng: “Tuổi trời tuổi đất, có muốn níu ông lại cũng đâu có được”.

Cổ tích sống

Nhắc đến tên bà Mẫn, ông Tư Cang cười mà ánh mắt lại đăm chiêu: “Nghe chuyện bà, tôi ngưỡng mộ lắm. Bản thân tôi đi kháng chiến từ ngày cầm tầm vông vạt nhọn cho đến ngày thống nhất, vừa là sĩ quan chỉ huy chiến đấu vừa là tình báo, cả đời bộ đội, vậy mà đến hôm nay vẫn không nghĩ ra bà Mẫn đã làm thế nào...”.

Ngày toàn quốc kháng chiến, bà Trần Quang Mẫn vẫn còn là cô Trần Thị Sáu óng ả tóc dài. Những tấm gương bà Trưng bà Triệu trong sử sách nung nấu, khiến cô Sáu năm lần bảy lượt trốn nhà vào rừng theo kháng chiến. Muốn được trực tiếp chiến đấu nhưng đơn vị chỉ nhận nam, cô Sáu cắt tóc ngắn, ngâm mình xuống nước rồi phơi nắng, tập bổ củi, đạp cây cho tay chân gân guốc, la hét cho vỡ giọng, tập hút thuốc rê, uống rượu, quấn chặt ngực lại, đổi tên Trần Quang Mẫn mà đi tòng quân. Suốt năm năm, Trần Quang Mẫn nổi lên như một người lính vệ quốc đoàn mưu trí, gan dạ, dũng cảm, được cử đi học sĩ quan, được thăng chức đại đội trưởng, mà những anh lính hồn nhiên, tinh nghịch bên cạnh không có thoáng nghi ngờ nào, lại còn được một cô gái nơi đơn vị đóng quân đem lòng yêu thương...

Chuyện có thật, người còn đây, những tấm huân chương chiến công ghi tên Trần Quang Mẫn dù đã ố vàng vẫn rỡ ràng một mảng tường nhà mà nghe như cổ tích. Bà Sáu Mẫn chỉ cười trước những thắc mắc: “Giữ cho mình là đàn ông quả là còn khó hơn đánh giặc, nhưng quyết tâm thì vẫn làm được”. Cả trung đoàn chỉ “té ngửa” khi có một anh bộ đội khác là vị hôn phu từ ngày thanh mai trúc mã của Trần Quang Mẫn đến tìm gặp và đòi cưới. Chuyện động trời kết thúc thật đẹp bằng một đám cưới giữa rừng, bà con xung quanh nô nức đến coi mặt cô dâu như đi coi hát.

Mỗi người một đơn vị, hai vợ chồng chỉ gặp nhau được hai lần, cộng thời gian sống chung chưa đầy một tháng. Khi con trai đầu lòng Nguyễn Quốc Hưng vừa chào đời được bốn ngày, những đốm đỏ trên da thịt chưa kịp lặn thì mẹ đã nghe tin chồng hi sinh. 27 tuổi, mẹ Mẫn khắc lên cánh tay mình dòng chữ “Gìn lòng giữ tiết hạnh”, gửi con về cho ông bà ngoại để tiếp tục lăn xả vào cuộc chiến đấu như một người đàn ông. Nhưng chiến tranh lại cứ nối tiếp nhau, quá dài đến nỗi đời con của mẹ cũng không được thấy hòa bình. 11 tuổi, con trai đã nối gót cha mẹ, trốn nhà vào bộ đội, thành một liên lạc nhanh nhẹn, quả cảm không khác mẹ. Con chưa tròn 15 tuổi, mẹ lại nhận được giấy báo tử. Ôm nỗi đau vào lòng, mẹ Mẫn tiếp tục cầm súng tiến về phía trước. Vẫn cứ là chiến tranh.

Bàn tay đàn ông của mẹ Mẫn tiếp tục tự tìm lấy hòa bình cho đời mình. Một lần, sau loạt bom xé trời, vừa tung nắp hầm lên, mẹ thấy một phụ nữ bụng bầu vượt mặt trúng mảnh bom nằm chết trên mặt đất. Trên lớp da bụng, dấu chân đứa bé đang chòi đạp dữ dội đòi hơi sống, mọi người xúm quanh, rớt nước mắt mà không biết phải làm gì. Mẹ Mẫn rút dao găm, mạnh tay xẻ quanh một đường, bồng lấy đứa bé gái... Bé gái ấy chính là con gái Ngọc Hân của mẹ bây giờ, đã sinh cho mẹ được ba đứa cháu ngoại tối ngày quấn quýt.

Bàn tay 88 tuổi hôm nay vẫn còn gân guốc dù đã nhiều run rẩy. Mẹ vuốt nhẹ qua gương mặt non tơ của con trai, gương mặt trẻ trung của chồng trong khung kính trên bàn thờ, lại thở ra: “Đời tôi có vậy thôi. Bệnh tật nhiều rồi, giờ không còn đi đâu được nữa. Đời như Đại tướng mới có chuyện đáng nói chứ...”.

WPB0Yd67.jpgPhóng to
Mẹ Trần Quang Mẫn - Ảnh: Tự Trung

Tâm nguyện “dìu dắt em thơ”

Mẹ Nguyễn Thanh Tùng chỉ những bức ảnh trên tường, cười thật vui: “Đợt kỷ niệm thống nhất đất nước 30-4-2007, đoàn cựu chiến binh chúng tôi bay ra Hà Nội để từ đó hành quân 12 ngày đêm vào tới Cà Mau. Chương trình là đến viếng lăng Bác rồi sang thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng mới tới lăng thì đã thấy Đại tướng quân phục chỉnh tề đứng chờ sẵn, đón đoàn...”. Tấm ảnh Đại tướng cười thật tươi được chụp ngay khoảnh khắc ấy đã ở trên tường nhà mẹ từ đó tới giờ. Mẹ còn nhiều tấm ảnh khác chụp cùng Đại tướng và đội biệt động Sài Gòn của mẹ ở nhiều địa điểm, nhiều thời điểm khác nhau, luôn được mẹ gìn giữ như báu vật.

“Lúc công tác ở Hà Nội, cứ vài tháng lại đến nhà Đại tướng báo cáo một lần, lần nào ông cũng hỏi thăm từng người trong đội biệt động, lần nào cũng muốn nghe kể lại tường tận những trận đánh của biệt động để tiếp tục phân tích chiến thuật quân sự...” - mẹ Tùng nhắc, rưng rưng nhớ người anh Cả. Những chiến công “xuất quỷ nhập thần” chấn động Sài Gòn của đội biệt động khi xưa có phần đóng góp không nhỏ của mẹ trong nhiều vai trò khác nhau: vận chuyển vũ khí, trực tiếp tiến công. Để làm được như vậy, mẹ đã “bọc” cho mình nhiều cái “vỏ” khác nhau: khi là tiểu thương, lúc là người giúp việc, lúc là đại úy hải quân...

Lần theo từng tấm ảnh, chỉ tên, nhắc nhớ từng người trong đội, mẹ thở dài: “Chẳng còn được mấy người”. Đi qua cuộc chiến tranh, hơn 80% lực lượng biệt động đã hi sinh, trong đó có cả chồng và hai con trai của mẹ. “Tụi nó còn nhỏ lắm” - mẹ lại nhắc. Hai con mẹ cùng được sinh trong địa đạo, cùng theo gương mẹ vào đội biệt động thành, bị lộ lại tách ra theo các đơn vị bộ đội thoát ly. Chiến dịch Hồ Chí Minh, tình cờ hai đơn vị của hai anh lại cùng nhận lệnh tiến công chiếm cầu Rạch Chiếc, mở đường vào Sài Gòn. Mừng vui sát cánh bên nhau trong trận cuối, và hai anh em đã cùng nhau hi sinh ngay ở cửa ngõ lối về nhà mình.

84 tuổi, mẹ Tùng dọn nhà về sống cùng đồng đội, cùng những câu chuyện xưa. Mẹ năng tập thể dục, giữ cho mình mạnh chân khỏe tay, không bỏ lỡ buổi hội họp, nói chuyện truyền thống nào, không ngơi nụ cười khi kể chuyện cho người trẻ. Nhưng nói chuyện một hồi mẹ bỗng lại buồn: “Một lần, một đồng đội trúng đạn tắt thở trên tay tôi. Trước khi nhắm mắt, chị dặn: “Nếu còn sống, em nhớ tâm nguyện của tụi mình: chăm sóc mẹ già, dắt dìu em nhỏ mà thực hiện giúp chị”. Giản dị quá phải không? Vậy mà, giờ đã gần 40 năm hòa bình, thống nhất rồi, tâm nguyện ấy vẫn chưa thực hiện được tới đâu...”. Bà chỉ tờ báo trên bàn, trên ấy là những bài viết về nạn bạo hành trẻ em, thiếu thốn nhà trẻ... Lại thêm một câu chuyện làm xót lòng người nghe.

sWaXxwBS.jpgPhóng to
Mẹ VN anh hùng Phạm Thị Thế - Ảnh: Tự Trung

Hãy yêu mẹ

Về Chợ Đệm (gồm ba xã Tân Kiên, Tân Túc, Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi tìm đến thăm nhà mẹ Phạm Thị Thế, bà Mẹ VN anh hùng lớn tuổi nhất của TP.HCM hiện thời. Sinh năm 1909, nay đã 104 tuổi, mẹ không còn tự ngồi dậy, tự ăn uống, nhổ cỏ quanh nhà được như năm ngoái nữa. Mẹ Thế nay chỉ uống được chút sữa mỗi ngày, ngả đầu vào lòng con gái, con dâu như một em bé.

Trong giấc ngủ, trong những lúc nửa mê nửa tỉnh, mẹ cứ gọi mãi tên bốn người con trai đã thành liệt sĩ, tên mấy đứa cháu ngoại quấn quýt. Cô Chín Còn, con gái duy nhất của mẹ, cầm ly sữa dỗ dành như dỗ em bé: “Má ráng ăn chút, sống với con với cháu nghe má”. Trên tường căn nhà tình nghĩa của mẹ Thế, ảnh chụp với con cháu không nhiều bằng các huân chương chiến công, huân chương kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công. Ở một góc tường, một bài thơ được viết theo lối thư pháp: “Nếu có bao giờ con yêu mẹ/Hãy nói khi mẹ vẫn còn đây/Còn biết được những lời cảm xúc/Ngọt ngào êm dịu lẫn nồng say... Hãy yêu khi mẹ vẫn còn biết/Đừng chờ đến lúc mẹ ra đi/ Ghi lời yêu quý lên bia đá/ Đá vô tri nào có nghĩa gì...”.

Cô Chín Còn chấm nước mắt bảo: “Mấy em sinh viên đi Mùa hè xanh viết lên đó, mỗi lần đọc là rớt nước mắt. Nghĩ lại thấy má tôi vẫn còn may mắn hơn những mẹ khác, vì còn con cháu...”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp