17/10/2018 17:23 GMT+7

Huyện Krông Pắk hứa 'tìm việc' cho hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vừa yêu cầu các trường học lập rà soát nhu cầu, lập danh sách 500 giáo viên hợp đồng mất việc để đi học nghề, chuyển đổi việc làm.


Huyện Krông Pắk hứa tìm việc cho hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên đau khổ khi mất việc - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vụ "500 giáo viên hợp đồng bị mất việc", chiều 17-10, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết đã yêu cầu các trường học "lập danh sách giáo viên bị cắt hợp đồng có nhu cầu tìm việc làm, học nghề" khác để huyện "tạo điều kiện"…

Hỗ trợ... cho có

Theo lãnh đạo huyện Krông Pắk, đây là nhiệm vụ thực hiện theo yêu cầu của Sở Lao động -thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk nhằm tổng hợp danh sách giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại huyện, tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm mới, từng bước ổn định cuộc sống…

UBND huyện Krông Pắk cũng yêu cầu các ngành chức năng "đảm bảo an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trước khi chấm dứt hợp đồng đợt 2 đối với số còn lại trong 500 giáo viên dư thừa tại huyện này vào cuối tháng 10-2018. Các địa phương, các trường không để giáo viên chia sẻ các nội dung trái quy định, không phản ánh sai sự thật liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giáo viên dôi dư…".

Từ đầu tháng 9-2018, khi năm học mới đã bắt đầu thì UBND huyện Krông Pắk bắt đầu thực hiện việc "thanh lý hợp đồng". Theo đó, các giáo viên sẽ được hỗ trợ mất việc bằng phương án số 20 (thực hiện trong tháng 9-2018 đối với số giáo viên rớt sau thi tuyển) và số 25 (trong tháng 10-2018 đối với các giáo viên không có chỉ tiêu tuyển dụng). 

Nhiều nhà giáo đã trào nước mắt với khoản hỗ trợ cho có, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng…

Huyện Krông Pắk hứa tìm việc cho hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng - Ảnh 2.

Mất việc, nhiều giáo viên phải làm "thợ đụng" khắp nơi để mưu sinh. Trong ảnh: thầy giáo Tuấn Anh, giáo viên hợp đồng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, phải đi làm phụ xe - Ảnh: TR.TÂN

Đơn cử như anh Lê Thanh Lượng được UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng tuyển dụng và phân về làm giáo viên tin học Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Sau 8 năm đi dạy, anh Lượng "khoe" đã được hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng trước khi… thất nghiệp. Tương tự, chị Thanh Nhàn, giáo viên ở Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, được nhận số tiền 604.000 đồng.

"Đây không phải là hỗ trợ thôi việc mà bổ sung tiền số tiết đã dạy thực tế của giáo viên những năm qua. Thực tế đây là số tiền đã chi thiếu theo quy định đối với giáo viên, không phải giải quyết chế độ chấm dứt hợp đồng theo Bộ luật lao động", chị Nhàn nói.

Tuy nhiên, ý kiến chị Nhàn và hàng trăm giáo viên khác không hề được lắng nghe, chia sẻ và phản hồi…

Hàng trăm giáo viên mất việc, cán bộ làm sai vẫn khỏe re

Như đã đưa tin, ngày 9-3-2018 UBND huyện Krông Pắk ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng khiến nhiều giáo viên hoang mang, dư luận bức xúc. Để "hạ nhiệt", ngày 11-3-2018 UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản hỏa tốc yêu cầu huyện Krông Pắk tạm dừng việc thanh lý hợp đồng "để tìm giải pháp nhân văn hơn". Thế nhưng mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo Thanh tra Chính phủ và khẳng định sẽ chấm dứt hợp đồng với 550/578 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk, thời hạn cuối cùng tháng 10-2018.

Trước đó, từ năm 2011 đến hết 2015, không rõ dựa vào căn cứ, phê duyệt nào, ba đời chủ tịch UBND huyện trong đó có các ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên phó Ban nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (2011-2016) và ông Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm đã đặt bút ký quyết định tuyển dụng 588 giáo viên, 80 nhân viên các trường học từ mầm non đến THCS.

Với các sai phạm này, ông Kỷ (ký khoảng 400 hợp đồng) bị kỷ luật cảnh cáo và "về hưu nhẹ nhàng", sống trong căn biệt thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ồn ào dư luận.

Còn ông Y Suôn Byă, với trách nhiệm người đứng đầu và trực tiếp ký tuyển 100 hợp đồng cũng chỉ bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng lẫn chính quyền.

Ký tuyển sai nhưng "sa thải"… phải đúng

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 1-8-2018, UBND huyện Krông Pắk ban hành phương án hỗ trợ mất việc đối với số giáo viên đã thi nhưng không trúng tuyển (phương án số 20). Đến ngày 9-8-2018, UBND huyện tiếp tục ban hành phương án số 25 để thanh lý hợp đồng đối với nhóm 208 giáo viên "không có vị trí thi (xét) tuyển viên chức giáo dục 2017" tại huyện này.

Huyện Krông Pắk hứa tìm việc cho hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng - Ảnh 4.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (trái), trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giáo viên dôi dư - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo phương án số 20 , tổng số giáo viên hợp đồng có vị trí xét tuyển trên địa bàn huyện là 381 người, trong đó có 28 người đã trúng tuyển. Như vậy, hết tháng 8-2018, huyện phải chấm dứt hợp đồng với 353 người. Tổng số kinh phí dự kiến hỗ trợ thôi việc cho số giáo viên này là hơn 911 triệu đồng.

Tương tự, phương án thanh lý hợp đồng số 25 dành cho nhóm 208 giáo viên không có vị trí thi (xét tuyển) gần giống phương án số 20 với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Theo phương án số 25, các giáo viên cuối cùng phải thanh lý hợp đồng trong tháng 10-2018 để tham mưu tỉnh báo cáo, Bộ Nội vụ, Chính phủ...

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết tất cả số giáo viên không có chỉ tiêu thi tuyển, thi rớt kỳ thi tuyển viên chức giáo dục vừa qua đều bị chấm dứt hợp đồng, trừ những người đang mang thai, có con nhỏ dưới 36 tháng. "Các phương án đã được các sở ban ngành kiểm tra chặt chẽ và đầy đủ rồi", bà Trinh nói.

Bà Trinh cho rằng huyện đã tính toán số tiết, thời gian dạy thực tế của giáo viên, nếu còn trả thiếu thì bổ sung. "Có những người được nhận tiền, có người không được nhận đồng nào. Chứ không phải anh dạy lâu năm là được nhận hỗ trợ đâu" - bà Trinh khẳng định.

Huyện Krông Pắk hứa tìm việc cho hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng - Ảnh 5.

Liên quan đến việc này, thầy giáo Nguyễn Ánh Dương (ảnh) và bốn đồng nghiệp tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai kiện hiệu trưởng cắt hợp đồng trái luật nhưng vụ việc lại được chuyển sang công an khiến anh và các đồng nghiệp lại mòn mỏi chờ đợi - Ảnh: TRUNG TÂN

Cũng theo bà Trinh, các quyết định ký hợp đồng trước đây của huyện là "không đúng" nên rất khó vận dụng các quy định. "Nếu có thể áp dụng theo các quy định thì 7-8 tỉ hay nhiều hơn thì huyện cũng có thể chi trả", bà Trinh nói.

Các quyết định tuyển dụng trước đây do lãnh đạo UBND huyện ký kết là không đúng thể thức. Trước đây sai rồi, nay phải làm đúng". Hơn nữa những người làm sai cũng đã chịu kỷ luật rồi.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp