Đất ruộng của ông Võ Văn Hương bị áp giá bồi thường 60.000 đồng/m3 đến nay vẫn làm 3 vụ lúa mỗi năm, nay đang tiếp tục chuẩn bị gieo sạ - Ảnh: SƠN LÂM
Ngày 22-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thành Long - chủ tịch UBND huyện - cho biết đang thực hiện thủ tục đối với 4 hộ dân có đất nằm trong dự án khu công nghiệp (KCN) Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An.
Việc thu hồi quyết định cưỡng chế được ông Long quyết định ngay trong cuộc chiều 18-5.
Dự án KCN Hòa Bình trước đây là dự án Cụm công nghiệp Nhị Thành, do UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi đất từ tháng 11-2007 đối với 286 hộ dân.
Hiện KCN đã đi vào hoạt động, san lấp hơn 83% diện tích đất và đã ký hợp đồng thuê đất với 22 dự án, trong đó có 17 dự án đang hoạt động.
Số tiền đền bù thu hồi đất đã được chủ đầu tư giao hoàn toàn cho nhà nước để thực hiện việc đền bù. Tuy nhiên, vẫn còn 11 hộ dân kiên quyết không chịu nhận giá bồi thường 60.000 đồng/m2 theo đơn giá năm 2007. Số tiền này đã được huyện gửi vào ngân hàng.
Trong hai ngày 20 và 21-12-2017, huyện đã tổ chức cưỡng chế đối với 2 hộ dân. Dù đã bị cưỡng chế, hai hộ dân này vẫn chưa chịu nhận tiền.
Ngày 19-4, UBND huyện tiếp tục ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ dân trong số này. Theo các quyết định này, 4 hộ dân sẽ bị cưỡng chế vào các ngày 29, 30, 31-5 và ngày 1-6 tới.
Ngay từ những ngày đầu tháng 5 vừa qua, khi huyện vừa thực hiện công bố quyết định cưỡng chế, những hộ dân này liên tục bày tỏ sự phản đối quyết liệt bằng cách đến trụ sở UBND huyện trưng biểu ngữ, đòi đối thoại.
Họ cho rằng đất bị đo đạc sai thực tế, đền bù giá quá rẻ, trước giờ đều làm nông khó có thể tái sản xuất sinh sống bằng nghề khác với số tiền đền bù được áp giá.
"Đất này từ thời ông bà tôi, đến nay vẫn làm mỗi năm ba vụ lúa, rồi huyện đùng đùng tới kê biên áp giá. Giá 60.000 đồng/m2, có lãi suất ngân hàng thì tới nay cũng chẳng được bao nhiêu, chắc khoảng trăm ngàn đồng mỗi mét", ông Võ Văn Hương, một hộ dân có đất bị cưỡng chế, cho biết.
Theo ông Hương, ngoài giá đất rẻ mạt thì từ lần kê biên năm 2006, những người làm công tác bồi thường cũng đã đo sai, đo thiếu diện tích. Họ khiếu nại nhiều lần nhưng không được.
"Doanh nghiệp lấy đất tụi tui với giá 60.000 đồng, rồi vào đầu tư, hiện nay cho thuê với giá cả triệu đồng. Chúng tui ở sát bên nhìn chịu sao thấu… ", ông Hương nói thêm.
Theo chủ tịch huyện Thủ Thừa, qua tiếp xúc với người dân, ghi nhận họ vẫn còn nhiều bức xúc và nhất là những khúc mắc đến quá trình áp giá, kê biên bồi thường mà trước đây huyện đã từng thực hiện.
"Huyện được giao nhiệm vụ bồi thường giải tỏa mặt bằng theo quy định. Chúng tôi cũng chia sẻ với bà con về việc chịu tổn thất vì sự phát triển chung của địa phương, nhất là việc bà con vẫn còn nhiều khúc mắc liên quan đến công tác bồi thường của huyện, nên trước mắt, huyện thu hồi quyết định cưỡng chế để rà soát lại tất cả các thủ tục", ông Long nói.
Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa cũng cho biết cũng ghi nhận mong muốn được đối thoại với nhà đầu tư của người dân, và sẽ có ý kiến đề xuất theo nguyện vọng của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận