26/09/2016 08:14 GMT+7

Huyền chỉ có một lựa chọn

LÊ THỊ HUYỀN
LÊ THỊ HUYỀN

TTO - LTS: Đọc những dòng thư cô tân sinh viên Lê Thị Huyền gửi đến cho học bổng “Tiếp sức đến trường” 2016, chúng tôi thật sự trăn trở.

Sau một giấc mơ dang dở, Lê Thị Huyền sẽ chọn cách học gần nhà vì còn có mẹ - Ảnh: ngọc quang

Nhưng khi đã gặp Huyền, chúng tôi tôn trọng lựa chọn của Huyền và mong rằng Huyền sẽ thành công. Nhịp sống trẻ xin trích đăng:

“Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào khoa công nghệ kỹ thuật hóa học ĐH Công nghiệp Hà Nội, tôi vỡ òa hạnh phúc xen lẫn lo lắng về bốn năm học phía trước. Nếu tôi đi học xa nhà, mẹ tôi sẽ sống ra sao?

Bố qua đời năm tôi 5 tuổi. Mẹ cho tôi về ngoại sinh sống cho tới bây giờ. Ngày còn bé, mẹ thường cho tôi cùng đi mò cua bắt ốc. Ai thuê gì hai mẹ con cũng làm để nuôi nhau. Rồi chẳng hiểu sao mẹ mắc chứng bệnh thần kinh phân liệt.

Càng ngày căn bệnh của mẹ càng nặng. Mẹ không cho tôi đi học. Những giây phút hạnh phúc, bình yên cứ ít dần đi. Kể từ ngày mẹ bị bệnh, tôi trở thành trụ cột của gia đình.

Sau mỗi buổi học, tôi thường lấy hạt đan tấm thảm về làm thêm lấy tiền đóng học phí và thêm tiền sinh hoạt. Cũng may mỗi tháng mẹ được nhận mấy trăm ngàn đồng trợ cấp...

Những khi mẹ phát bệnh, tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Có khi mẹ trở bệnh nặng, tôi vừa học vừa làm, vừa ôn thi và chăm sóc mẹ ở bệnh viện.

Đã có lúc tôi cảm thấy rất bất lực, muốn buông xuôi nghỉ học để đi làm. Nhưng tôi lại được bà con cô bác động viên phải đi học tiếp. Tôi nghĩ đến cuộc sống vất vả, cực nhọc của người nông dân. Khao khát muốn thay đổi cuộc sống cho mẹ đã giúp tôi có thêm nghị lực. 

Bắt đầu từ năm lớp 9, mỗi buổi được nghỉ học tôi đi may găng tay cho nhà hàng xóm. Trưa và tối tôi tranh thủ làm thêm hàng hạt. Ngày đi làm thêm lưng đau quặn, đêm về tôi chỉ muốn lên giường ngủ ngay nhưng vì ước mơ vào đại học, tôi tự nhủ mình: Phải cố gắng!

Tôi thường tưởng tượng ngày mình được làm cô sinh viên ở Hà Nội, được làm thêm gia sư để kiếm tiền. Tôi luôn thấy ngày ấy đến rất gần.

Tôi biết ơn những tấm lòng xung quanh mình. Biết hoàn cảnh của tôi, mọi người thường cho tôi sách vở, cặp sách rồi động viên, an ủi tôi. Thầy cô luôn tạo mọi điều kiện để tôi được đến trường mà không thu học phí.

Cô giáo ở gần nhà có con học trên tôi một lớp nên năm nào cô cũng để dành sách cũ cho tôi. Ngày trúng tuyển vào lớp chọn của trường cấp III, tôi đã tính nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Các bác ở ủy ban xã và hội phụ nữ đã quyên góp cho tôi đóng tiền học.  

Cuối năm lớp 11, may mắn thay bức thư của tôi gửi tới quỹ học bổng “Chung một ước mơ” do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã được chấp nhận. Tôi được nhận suất học bổng trị giá 5 triệu đồng.

Cũng nhờ có khoản tiền học bổng ấy mà giờ đây căn nhà mái tôn ximăng của hai mẹ con đã được thay bằng mái tôn chống nóng, chống dột.

Việc nhận học bổng đã giúp tôi quen chị Tâm Lụa, làm việc ở báo Tuổi Trẻ. Lúc đến nhà tôi phỏng vấn viết bài, chị đã động viên tôi rất nhiều.

Những đêm tôi bế tắc, chán nản và khóc thầm, chị lại an ủi và không ngần ngại sẻ chia câu chuyện của bản thân mình cho tôi nghe. Cứ như vậy, tôi biết mình không được phép vì khó khăn mà bỏ dở việc học.

Cũng nhờ có mọi người giúp đỡ, thầy cô tạo điều kiện mà bây giờ tôi sắp là tân sinh viên năm nhất. Tôi không biết mình có đủ khả năng để theo đuổi bốn năm đại học hay không khi căn bệnh của mẹ ngày càng nặng.

Mẹ tôi đã không còn làm chủ được ý thức của mình cùng những cơn đau xương liên tục. Rồi tôi sẽ phải rời xa ngôi nhà để vào giảng đường đại học.

Tôi sẽ phải để mẹ ở lại một mình? Tôi xa nhà đi học mà lòng ngập tràn lo lắng. Nhưng nếu tôi không tiếp tục học thì tương lai tôi sẽ ra sao? Chỉ có cố gắng học tập mới giúp tôi thoát khỏi bế tắc hiện tại, có một cuộc sống tốt đẹp sau này.

Tôi luôn tin vào điều đó và cố gắng với 200% sức lực của mình. 

Con ở nhà với mẹ!

Tháng 7-2015, chúng gặp Huyền trong chương trình “Chung một ước mơ”. Hai mẹ con ở nhờ trong một căn nhà nhỏ xíu, được xây lên thêm từ bức tường của nhà hàng xóm.

Huyền chưa kịp trưởng thành đã phải già đi với mọi nỗi lo toan tiền học, tiền thuốc cho mẹ, miếng cơm manh áo hằng ngày cho hai mẹ con...

Căn bệnh của mẹ đã đặt lên đôi vai Huyền một gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi đã tự hỏi Huyền trở thành học sinh giỏi ra sao, trúng tuyển vào lớp chọn ra sao khi hằng ngày mẹ đều bắt em bỏ học.

Thấy con ngồi vào bàn học hay đi làm thêm bà cũng đều la mắng...

Tối 24-9, chúng tôi gọi điện thông báo để mời Huyền đến tham dự lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên các tỉnh phía Bắc ở Ninh Bình (vào tối 27-9) thì đầu dây bên kia là tiếng khóc của Huyền cùng câu chuyện buồn: “Tôi đã làm đơn xin thôi học một tuần trước”. 

Ngày hôm qua, chúng tôi tức tốc chạy đến “nhà” Huyền ở xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Sau khi thuyết phục đủ mọi cách, chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận tôn trọng quyết định của Huyền: có thể chọn học Trường cao đẳng Y tế Hà Nội vì có thể đi xe buýt đến trường, thời gian học ngắn hơn và là cách tốt nhất để còn chăm sóc mẹ lúc này. 

Chúng tôi tiếc cho Huyền với ước mơ ban đầu dở dang, nhưng cũng tôn trọng với quyết định có thể là tốt nhất với Huyền ngay lúc này. Chúng tôi hiểu điều đó khi Huyền tiễn chúng tôi về, mẹ Huyền chạy ra rưng rưng cầm tay con: “Con ở nhà với mẹ!”. 

T.LỤA - H.THANH

LÊ THỊ HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp