Thông điệp đó không chỉ hướng đến những người Việt ở trong nước mà còn là hàng triệu đồng bào ở nước ngoài.
"Đổi mới sáng tạo là để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản trị xã hội bền vững và hiệu quả. Chuyển đổi số ở Việt Nam là con đường không thể không làm, là con đường ngắn nhất, để chúng ta đi tắt đón đầu và bắt kịp sự phát triển của thế giới".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh như thế khi gặp các đại diện của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ vào ngày 23-9, nơi quy tụ những trí tuệ Việt ở nước ngoài cùng hướng về mục tiêu phát triển đất nước.
Lựa chọn khách quan, yêu cầu chiến lược
Xuyên suốt các cuộc làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến công tác Mỹ từ ngày 21-9 đến nay là năng lượng nhiệt huyết, bầu không khí tin tưởng rằng đất nước chắc chắn sẽ tiến vào kỷ nguyên mới và vươn mình mạnh mẽ.
Trong đó, khoa học công nghệ được xác định là ưu tiên phát triển để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước lãnh đạo các nước tại Liên Hiệp Quốc ngày 22-9 (giờ Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và chủ nghĩa đa phương.
Trong đó ông kêu gọi các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, cần chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển.
Trong các cuộc làm việc sau đó tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều khẳng định Việt Nam coi trọng con người, lấy con người làm trung tâm để tạo đột phá trong khoa học công nghệ, nhất là ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên tiên tiến, văn minh.
Ông cũng nhắc đến việc huy động sức mạnh của trí tuệ Việt cả trong và ngoài nước để đưa Việt Nam tiến nhanh hơn vào kỷ nguyên mới.
Chẳng hạn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi đưa hợp tác khoa học công nghệ, lĩnh vực có tính đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, lên tầm cao mới. Trong đó ưu tiên tìm kiếm đột phá trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh; đi cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Trong quá trình này, tôi rất kỳ vọng vào sự đóng góp của thế hệ trẻ những người Mỹ gốc Việt Nam cũng như những chuyên gia, nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc tại các tập đoàn, trung tâm nghiên cứu của Mỹ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ.
Còn tại cuộc gặp Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh giai đoạn hiện nay là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút để hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm của Việt Nam.
Do đó, việc phát huy nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trên toàn cầu là rất cần thiết và quan trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ tiếp tục phát huy vai trò kết nối của mình, mở rộng sự tham gia của các thành viên mới và tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, trí thức người Việt và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu là đến năm 2030, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo sẽ quy tụ ít nhất 10.000 thành viên là chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
Những tình cảm hướng về Việt Nam
Một số chuyên gia là thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Mỹ như ông Lợi Nguyễn, phó chủ tịch Tập đoàn Marvell, đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng lĩnh vực nghiên cứu phát triển.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển kinh doanh, phát triển thị trường, đồng thời tăng cường nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành để thu hút những bộ não tài năng đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực này.
Với tình cảm dành cho Việt Nam, các chuyên gia cũng bày tỏ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn được giới thiệu nhiều doanh nghiệp tới đầu tư tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở Mỹ cho hay nhiều thành viên của mạng lưới đã chuyển trụ sở công ty về Việt Nam.
Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời họ mong Chính phủ Việt Nam có cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả, thu hút sự đóng góp của các doanh nghiệp ngày càng đáng kể hơn.
Ông Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành Google, khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 23-9, đã khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á.
Ông chỉ ra những tín hiệu tích cực như nhiều công ty với công nghệ mới và nhiều câu chuyện thành công đi lên từ mô hình công ty nhỏ lẻ.
Theo góc nhìn của ông Schmidt, điều tối ưu cho Việt Nam là thành lập các công ty phần mềm chuyên về trí tuệ nhân tạo.
Theo truyền thống, nhiều nước xây dựng công ty phần mềm cấp thấp.
Tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tham gia phân khúc cao, dùng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề lớn như giáo dục, y tế và môi trường.
Về nguồn nhân lực, ông Eric Schmidt đánh giá cao trí tuệ Việt Nam và đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các trường đại học, đưa thêm những nội dung về khoa học công nghệ vào giảng dạy.
Ông lấy ví dụ như tại Mỹ, trường đại học và các công ty phần mềm nằm rất gần nhau và đó là một cách Việt Nam có thể tham khảo.
"Phát triển các trường đại học sẽ góp phần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng. Trong lĩnh vực phần mềm, việc đào tạo sẽ mất nhiều thời gian nhưng tăng trưởng sẽ đến rất nhanh và thấy rõ", ông khẳng định.
Ông cũng bày tỏ hy vọng việc xây dựng các công ty phần mềm này sẽ được bao gồm trong chiến lược của Việt Nam. "Tôi cam kết sẽ đưa nguồn vốn từ Mỹ đến các công ty này", cựu CEO Google nhấn mạnh và bày tỏ tình cảm với đất nước Việt Nam.
● Tiếp các chuyên gia, học giả về Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ, ngày 23-9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành hoạt động đầu tiên trong ngày để tiếp một số chuyên gia, học giả về Việt Nam do Viện Đông Á Weatherhead (Đại học Columbia) tổ chức.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các chuyên gia, học giả tiếp tục quan tâm, tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt về hợp tác nghiên cứu, trao đổi chính sách và hỗ trợ Việt Nam phát triển khoa học công nghệ.
● Phát biểu chính sách tại Đại học Columbia
Trong bài phát biểu chính sách sau đó cũng tại Đại học Columbia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình. Đề cập mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, ông cho biết quan hệ hai nước đã bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp.
Từ bài học này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của nhau. Nhìn rộng ra, nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột.
Hướng về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng bạn bè, đối tác, các giới ở Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, không chỉ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân hai nước, mà còn đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và sự phát triển phồn vinh của các dân tộc trong khu vực cũng như trên thế giới.
● Gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tại cuộc gặp, ông bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD/năm và tăng lên hơn 30 tỉ USD vào năm 2030, gấp đôi so với năm 2023.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại lời mời Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu thăm Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng Modi trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sớm thăm Ấn Độ.
● Làm việc với doanh nghiệp Mỹ
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã dành trọn buổi chiều 23-9 (giờ địa phương) cho các hoạt động liên quan tới doanh nghiệp Mỹ.
Ông dự tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng gặp đại diện Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ; tiếp đại diện các tập đoàn Apple, Meta, Supermicro, Quỹ đầu tư Blackstone, Quỹ đầu tư Warburg Pincus và cựu CEO Google Eric Schmidt.
Tiếp tục chương trình công tác, trong sáng 24-9 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez... và gặp lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận