Theo thông tin của Tuổi Trẻ, dù đến nay đã có 15/85 dự án điện gió, mặt trời đàm phán giá chuyển tiếp đã thống nhất được mức giá tạm bằng 50% khung giá đã duyệt, nhưng mới chỉ có 85/172MW công suất của một dự án điện mặt trời được hòa lưới, còn lại vẫn chờ hướng dẫn.
Ngay điện mặt trời áp mái không được huy động lên lưới vì chờ... hướng dẫn.
Chờ Bộ Công Thương
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20-5 để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời, cho vận hành phát điện lên lưới với các dự án năng lượng sạch chuyển tiếp.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một nhà đầu tư trong nhóm dự án đã đàm phán được mức giá tạm cho hay các bên vẫn tiếp tục chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương!
"Công ty mua bán điện (EVN-EPTC) đưa ra nhiều phương án trong hợp đồng mua bán điện, nhưng lại không nêu rõ ý chỉ đạo của Phó thủ tướng liên quan đến việc thanh toán sau khi huy động tạm thời trong các điều khoản hợp đồng.
EPTC nói chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương, nhưng dù đến thời hạn là ngày 20-5 rồi vẫn chưa có hướng dẫn. Chúng tôi không thể ký hợp đồng mua bán điện vì sẽ rất rủi ro khi chưa có hướng dẫn nên tất cả các bên lại đều vướng", vị này cho hay.
Một chủ đầu tư nhà máy điện gió cũng cho biết gặp khó khăn nữa khi EVN yêu cầu thực hiện lại thử nghiệm kỹ thuật. Đây là một trong những tiêu chí đã được thực hiện từ trước đó và nhiều dự án đã được cấp chứng chỉ.
Tuy vậy, với yêu cầu này doanh nghiệp cho rằng sẽ gây mất nhiều thời gian, khi có những dự án thực hiện thử nghiệm đo gió mất tới ba tháng mới đủ điều kiện nghiệm thu, do bị phụ thuộc vào điều kiện gió, bố trí nhân lực.
"Với các yêu cầu như vậy, doanh nghiệp đấu tranh mất thời gian lắm, nên đành phải đăng ký thử nghiệm lại, dù phải huy động lực lượng rất vất vả", vị này nói.
Chủ đầu tư dự án điện gió khác cũng cho biết vẫn còn nhiều dự án bị vướng các thủ tục như chứng minh tài chính, năng lực thực hiện dự án... trong khi nhà máy đã xây xong.
"Hôm nay, ngày 24-5, EVN sẽ làm việc với các chủ đầu tư tìm các giải pháp gỡ vướng để huy động điện, chúng tôi chỉ còn biết chờ và hy vọng sớm được đưa điện lên lưới", vị này nói.
Huy động nguồn điện áp mái cũng vướng
Trong khi đó, nguồn năng lượng mặt trời áp mái vốn được đầu tư, xây dựng rất lớn thời gian qua cũng chưa phát huy hết hiệu quả.
Theo ông Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group, việc phát triển điện mặt trời tại nhà dân, tòa nhà công trình... là một giải pháp hiệu quả bởi đây là hệ thống phân tán, tự sản xuất, tự tiêu thụ nên không gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện.
"Các dự án áp mái cũng giúp tăng thêm nguồn cấp điện tại chỗ, tăng năng lực cung ứng cho hệ thống điện của các địa phương, chỉ cần có cơ chế để vận hành", ông An nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Bidrico, có nhà máy tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (TP.HCM), cho biết đã thuê đơn vị tư vấn đến kiểm tra mái, hệ thống nhà xưởng, đảm bảo đủ điều kiện để lắp điện mặt trời nhưng do chưa có chính sách để tiếp tục phát triển điện mặt trời mái nhà nên dự án bị "tắc".
Theo ông Hiến, nếu lắp được điện mặt trời với công suất gần 1MW, doanh nghiệp này sẽ dùng 100% cho sản xuất bên dưới nhà máy, không bán điện lên lưới và bớt đi 1/3 lượng điện mua từ ngành điện.
"Cần sớm ban hành chính sách mới về điện mặt trời mái nhà để doanh nghiệp chủ động nguồn điện, giảm gánh nặng tiêu thụ cho ngành điện mùa nắng nóng", ông Hiến đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới.
Do đó, ngành điện đã chuẩn bị để khi có chính sách mới sẽ đồng hành với người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Cũng theo ông Kiên, trong cuộc làm việc giữa EVN và TP.HCM ngày 23-5, các doanh nghiệp và UBND TP.HCM cũng kiến nghị phát triển điện mặt trời mái nhà.
Trước đó, EVN đã có kiến nghị tới Bộ Công Thương về việc hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, góp phần giảm bớt tình trạng căng thẳng về cung cấp điện.
Một đại diện của EVN cho biết tổng công suất nguồn điện mặt trời áp mái là 9.300MWp, đóng góp khoảng 7% sản lượng điện tiêu thụ trên cả nước, thậm chí 10% nếu tính thêm điện mặt trời áp mái trên các nông trại, nên nguồn điện này đã phát huy vai trò rất lớn trong bối cảnh thiếu điện hiện nay.
Gặp khó về truyền tải, phải cắt giảm công suất
Ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, cho biết thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà máy năng lượng tái tạo hòa lưới, bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về truyền tải, nhiều dự án năng lượng tái tạo vẫn phải giảm công suất trong thời gian cao điểm. Thậm chí, một số dự án ở những đường dây quá tải buộc phải cắt giảm 100% công suất vào khung giờ cao điểm là 9h-15h.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận