Ông Hoàng Trọng An điều tình nguyện viên hiến máu và sau đó lấy tiền của người nhà bệnh nhi vào sáng 11-5. (1) Ông An và người nhà trao đổi với tình nguyện viên trước khi lấy máu. (2) Sau hiến máu, ông An nhắc cha bệnh nhi bỏ 2 triệu đồng vào giấy xét nghiệm. (3) Rồi mang ra quán cà phê cạnh Viện Tim. (4) Ông An nhận tiền. (5) Và kiểm tra tiền - Ảnh: H.L - T.H.
Cứ 350ml máu của tình nguyện viên được hiến đi, ông này đút túi từ 1-3 triệu đồng. Sau nhiều tháng thâm nhập, phóng viên Tuổi Trẻ xác định người này là ông Hoàng Trọng An (ngụ quận Tân Bình) - đang là phó trưởng ban phụ trách công tác xã hội và thiện nguyện thuộc Câu lạc bộ doanh nhân (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM).
Người hiến máu, kẻ nhận tiền
Theo tìm hiểu, để mổ tim tại Viện Tim TP.HCM, gia đình các bệnh nhi phải "ứng máu". Sau phẫu thuật, hoặc gia đình trả tiền máu (thường đắt đỏ), hoặc tìm đủ hai người hiến máu tương đương 2 đơn vị máu, mỗi đơn vị 350ml trả lại ngân hàng máu của Viện Tim. Thủ tục này vô tình đẩy nhiều gia đình vào thế "bí" và dễ dàng "lọt" vào tai mắt của ông Hoàng Trọng An.
Điều tra của Tuổi Trẻ xác định trong số các gia đình được ông An hỗ trợ tìm "máu sạch" vào đầu tháng 5-2022, có vợ chồng chị K.T. (quê Phú Yên) và T.L. (quê Quảng Ngãi). Họ có con nhỏ chỉ từ 6 - 11 tháng tuổi, vừa sinh đã gặp phải các vấn đề về tim mạch như hở van tim hai lá, thông liên thất, thân chung động mạch... cần can thiệp phẫu thuật sớm.
Sáng 11-5, ông An dẫn theo hai tình nguyện viên đến Viện Tim "hỗ trợ hiến máu" cho gia đình chị K.T.. Lúc này gia đình bệnh nhi cũng có mặt "chào hỏi", đồng thời đóng chi phí xét nghiệm, mua nước đường cho tình nguyện viên uống. Mọi việc do ông An "đạo diễn" nên rất nhanh.
Trong số các tình nguyện viên hiến máu, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận được N.. Chị N. chia sẻ phải thức dậy từ khá sớm, nhịn ăn sáng, xin nghỉ việc công ty chạy từ phường Tân Tạo (quận Bình Tân) đến Viện Tim để kịp giờ hiến máu cho bệnh nhi.
Đây là lần thứ ba chị N. hiến máu tình nguyện thông qua sự điều phối của ông An. "Thấy các bé đáng thương quá, tôi xin nghỉ việc một buổi để hiến máu giúp các gia đình, hoàn toàn không nhận một đồng tiền bồi dưỡng nào cả" - chị N. khẳng định.
Đúng như "kịch bản" dựng sẵn, khi chị N. và tình nguyện viên kia đi về, ông An gọi điện thoại cho người nhà bệnh nhi gửi tiền "bồi dưỡng". Anh L. (chồng chị T.) vét ví còn được 2 triệu đồng cẩn thận nhét vào hóa đơn màu hồng, chân thấp chân cao chạy ra quán cà phê sát bên hông Viện Tim đưa cho ông An.
Theo tư liệu, trước đó gia đình ông V.S. và gia đình bà T.L. (cùng quê Quảng Ngãi), mỗi gia đình cũng phải gửi 2 triệu đồng tiền "bồi dưỡng" tình nguyện viên thông qua ông An.
Ngày 13-5, khi đang nằm vật vờ ở hành lang Viện Tim cùng con, ông V.S. tiết lộ: "Ông An nói mỗi tình nguyện viên hiến máu gia đình phải bồi dưỡng 1 triệu đồng, kẹp vào tờ giấy xét nghiệm để khỏi ai thấy và dặn tôi đến quán cà phê sát bên Viện Tim đưa tiền. Số tiền này có đến tay các tình nguyện viên hay không thì tôi không biết được".
Hút máu...
Để làm sáng tỏ việc tình nguyện viên có được ông An gửi lại tiền "bồi dưỡng" hay không, phóng viên Tuổi Trẻ nhiều lần vào vai người hiến máu tình nguyện. Qua điện thoại, ông này nói: "Tuần nào cũng có vài ca mổ cần máu, hiện còn 4-5 bé nằm xếp hàng chờ mổ tim".
Chỉ sau vài giờ để lại thông tin cá nhân, tối 16-5 ông An gọi điện cho phóng viên "chốt" lịch hiến máu vào sáng hôm sau. Hai bé nhận máu hiến là T.A. (2 tháng tuổi, ngụ Đắk Lắk) và B.A. (8 tháng tuổi, ngụ Ninh Thuận).
Cùng được điều phối hiến máu với chúng tôi vào sáng 17-5 còn có 3 tình nguyện viên gồm 1 kỹ thuật viên X-quang của Viện Tim, 1 nhân viên bảo hiểm và 1 giám đốc doanh nghiệp tư nhân.
Đi theo ông An và chúng tôi là chị T. và chị S. (mẹ của hai bé), dáng người khắc khổ, họ ngồi nép mình sau dãy ghế chờ lệnh từ ông An.
Khoảng gần 1 tiếng sau việc xét nghiệm và hiến máu hoàn tất, phóng viên và các tình nguyện viên ra về.
Mẹ B.A. hỏi ông An các thủ tục tiếp theo, ông này hướng dẫn: "Lát mẹ B.A. mang 3 phiếu màu hồng, mẹ T.A. mang 4 phiếu đưa cho bác ở quán cà phê bên cạnh".
Khoảng 11h30, ông An bình thản nhận từ hai gia đình bệnh nhi các phiếu màu hồng, trong đó có kẹp 4 triệu đồng "tiền máu" của các tình nguyện viên.
Số tiền này cả phóng viên và các tình nguyện viên đều không được gửi lại như lời ông này nói với gia đình bệnh nhi.
Thế nhưng câu chuyện của các gia đình trên chưa bi đát bằng hoàn cảnh của chị Đ.T.C. (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Cuộc sống vốn đã khó khăn, khi đứa con mới 9 tháng tuổi bị mắc tứ chứng fallot (một dạng bệnh tim bẩm sinh) cần phẫu thuật, gia đình chị rơi vào bế tắc.
Chị đã phải lao ra đường nhặt ve chai, chồng nai lưng phụ hồ. Ngoài 6 triệu đồng bỏ ống heo tiết kiệm, vợ chồng chị C. phải vay nặng lãi thêm 4 triệu đồng cho đủ 10 triệu đồng đóng tạm ứng mổ tim cho con.
Sáng 25-5, một phóng viên khác tiếp tục được ông An gọi hiến máu cho con chị C.. Và như các "kịch bản" trước đó, đợi cho các tình nguyện viên ra về, ông An ngồi ở quán cà phê nói với chị C. qua điện thoại.
"Nếu thủng thẳng tiền bạc, con đưa cho bác nộp thẻ điện thoại cho các tình nguyện viên, lấy miếng giấy gói lại đưa cạnh hẻm cấp cứu". Trong túi chỉ còn 200.000 đồng, chị C. đành vét nhét vào tờ giấy đưa cho ông An.
Cũng giống như các lần trước, không một tình nguyện viên nào nhận được bất cứ chi phí nào từ ông An.
Chờ phản hồi từ Viện Tim và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM
Tuổi Trẻ đang liên hệ và sẽ có cuộc trao đổi với Viện Tim và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM về nội dung bài viết liên quan đến ông Hoàng Trọng An - phó trưởng ban phụ trách công tác xã hội và thiện nguyện thuộc Câu lạc bộ doanh nhân (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM).
"Ai xác nhận tôi cầm tiền, tôi đưa tay cho công an còng"
Sáng 17-5, ông An tiếp tục điều tình nguyện viên hiến máu cho một bệnh nhi tại Viện Tim và sau đó cũng yêu cầu người nhà gửi tiền bồi dưỡng - Ảnh: H.L.
Nhiều ngày đeo bám, phóng viên Tuổi Trẻ xác định ông Hoàng Trọng An thường có mặt tại Viện Tim từ lúc 7h sáng các ngày thứ hai đến thứ sáu. Trước khi bắt tay vào việc, ông này thường ngồi uống cà phê ở quán nước cạnh Viện Tim.
Với cách ăn mặc lịch sự cộng với việc "thuộc" Viện Tim như lòng bàn tay, nhiều người bệnh lầm tưởng ông ta là nhân viên bệnh viện.
Đặc biệt, có rất nhiều lần ông ta thay luôn vai trò của nhân viên phòng công tác xã hội, ngồi chễm chệ tại quầy khoa khám bệnh hướng dẫn người bệnh.
Để "xoay tua", trong tay ông An luôn có một danh sách khoảng 40 tình nguyện viên tại TP.HCM thường xuyên đăng ký hiến máu, có người hiến cả chục lần.
Trong khoảng 8 năm (từ 2014 đến nay), ông này đã kết nối cho máu cho khoảng 263 trẻ em mổ tim và luôn tự nhận mình là "ông bầu" hoặc "ông ngoại nhiều cháu nhất Việt Nam".
Ngoài ra, bằng cách chủ động "quảng cáo" kèm các hình ảnh những lần đi tỉnh này tỉnh nọ trao quà từ thiện cho người nghèo, trẻ em mồ côi hoặc trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo đã giúp ông ta có được "vỏ bọc" khá hoàn hảo, trở thành người uy tín trong Viện Tim.
Từ một "cò" hiến máu, ông An thiết lập một mạng lưới những người sẵn sàng giúp mình "vô điều kiện" như hỗ trợ kinh phí, địa điểm, cơ sở vật chất, hiến máu, tài xế xe chở người bệnh về quê.
"Người góp tiền mua xe, người góp máu, họ là những người học theo chú An làm người tử tế" - ông này tâm đắc nói.
Nhưng không phải ai cũng tin tưởng ông này, có tình nguyện viên nghi ngờ bị lừa đảo đã âm thầm rút lui. Đặc biệt, từng có thời gian Viện Tim cử lực lượng bảo vệ theo sát hành tung của ông này mỗi lần xuất hiện trong khuôn viên.
Dù vậy, ông này vẫn luôn mạnh miệng tuyên bố: "Không tin cứ hỏi gia đình bệnh nhân coi tôi có cầm đồng cắc nào của họ không? Mấy anh muốn chứng cứ thì mời Công an quận 10 vào cuộc điều tra. Chỉ cần một người xác nhận có cầm tiền, tôi sẽ đưa hai tay cho còng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận