Sáng 30-8, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Hướng về Trường Sa - Nhà giàn thân yêu”.
Triển lãm ảnh với chủ đề “Hướng về Trường Sa - Nhà giàn thân yêu” được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, đồng thời nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã lựa chọn 60 tác phẩm của 15 tác giả vừa tham gia chuyến công tác Trường Sa. Triển lãm góp phần truyền tải những nét đẹp về quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Bên cạnh đó, hình ảnh các chiến sĩ kiên cường bám đảo và tình cảm của người dân cả nước nói chung và người dân TP.HCM nói riêng với quân, dân nơi đầu sóng, ngọn gió cũng được thể hiện thông qua những tác phẩm.
Bà Huỳnh Thu Thảo, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, cho hay thông qua triển lãm ảnh lần này, ban tổ chức mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước, tôn vinh những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Qua đó, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, gắn liền với chủ đề biển đảo quê hương, góp phần tuyên truyền tới đông đảo công chúng”, bà Thảo nhấn mạnh.
Cũng trong buổi lễ khai mạc triển lãm, đại diện Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, thượng tá Hà Văn Hậu, phó chính ủy Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân, đã trao tặng cây bàng vuông Trường Sa cho Thảo cầm viên như một món quà thể hiện tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, kết nối tình thân giữa biển đảo - đất liền.
“Cây bàng vuông thể hiện sức sống mãnh liệt của Trường Sa. Đưa cây này trực tiếp từ Trường Sa vào đất liền cũng là hình thức giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng vươn lên, không ngừng nỗ lực, góp phần bảo vệ và phát triển biển đảo quê hương”, thượng tá Hà Văn Hậu tâm tình.
Triển lãm “Hướng về Trường Sa - Nhà giàn thân yêu” sẽ diễn ra từ ngày 30-8-2024 đến hết ngày 15-9-2024.
Một số hình ảnh ghi nhận tại triển lãm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận