15/11/2014 09:10 GMT+7

​Hưởng ứng thực hiện văn hóa giao thông

MAI HOA - QUANG KHẢI ghi
MAI HOA - QUANG KHẢI ghi

TT - Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ việc “NSƯT Thành Lộc kêu gọi thực hiện văn hóa giao thông” với mong muốn từ dự án này, tình hình giao thông ở nước ta sẽ được cải thiện.

>>

* Bà Mai Thị Hương (52 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Chỉ mong các con tôi ý thức hơn

Sáng nay tôi đọc báo Tuổi Trẻ, thấy nghệ sĩ Thành Lộc kêu gọi mọi người cam kết thực hiện văn hóa giao thông. Tôi lớn tuổi, ít lên mạng, nhưng thấy chương trình có ý nghĩa nên nhờ con gái vào tìm hiểu. 

Quả thật tình hình giao thông bây giờ quá căng thẳng. Hôm nào đi làm về mà thấy ba đứa con chưa về tới là nơm nớp lo dù các con cũng lớn cả rồi. Cứ dặn dò con hoài là ra đường phải cẩn thận, nhường nhịn người ta là hơn, đừng chen lấn làm gì, chậm một vài phút cũng không sao cả.

Nhưng chạy xe ngoài đường cứ nhìn thấy những người trạc tuổi con mình rồ ga, lạng lách, vượt đèn đỏ, say rượu chạy bạt mạng... là tôi lại thót cả tim. Thật là tai họa nếu như họ đụng vào mình, hoặc nếu như con mình cũng mải vui hùa theo đám bạn mà làm như thế...

Tôi không hiểu lắm về việc cam kết qua mạng, nhưng vẫn tin rằng các con tôi sẽ được thêm một lời nhắc nhở phải ý thức và biết nhường nhịn khi tham gia giao thông. Là một người mẹ, tôi chỉ mong được như vậy cũng rất vui rồi.

* Chị Phan Thị Q. (24 tuổi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội):

Biết luật nhưng vẫn vi phạm

Bản thân tôi là một người học luật, các quy định của Luật giao thông cũng nắm được tương đối đầy đủ. Nhưng nghiêm túc mà nói chính tôi cũng không nghiêm chỉnh chấp hành.

Đôi lúc vội vã, tắc đường, tôi cũng cố leo lên vỉa hè mà đi, thi thoảng cũng tặc lưỡi đi ngược chiều một đoạn cho tiện. Thậm chí tôi còn đắc chí, hả hê vì “vượt rào” thành công mà không bị bắt, phạt. 

Vừa rồi có người bạn gửi cho tôi đường link cam kết thực hiện văn hóa giao thông của UNESCO CEP VN, tôi xem mà thấy xấu hổ vì sự thiếu văn hóa của mình.

Leo vỉa hè, vượt đèn đỏ, chen lấn khi tắc đường... những hành vi đó thuộc về ý thức giao thông, chứ ai cũng biết chẳng luật nào cho phép làm như thế cả. Nếu ai cũng nghĩ cố chen chúc len lỏi cốt sao cho được việc mình giống như tôi thì đâu còn trật tự nữa.

Cái “giật mình” của tôi bây giờ xem ra rất cần thiết, dù có hơi muộn. Mỗi người tự nhìn lại mình, sửa đi một chút sẽ bớt rất nhiều căng thẳng.

Mỗi khi luồn lách, “chiến đấu” qua biển người, xe cộ để về nhà, tôi vẫn thấy quá mệt mỏi và ấm ức. Tôi quên mất rằng mình là nạn nhân, nhưng cũng chính là một thủ phạm gây ra tình trạng đó. Tôi tham gia cam kết để nghiêm túc nhắc nhở mình về văn hóa khi ra đường.

* Anh Trịnh Đức Lam (30 tuổi, TP.HCM):

Nên mở rộng đối tượng tiếp cận

Nhiều lần đi đường, tôi đã phải nén giận khi thấy có người thản nhiên vứt bịch nước uống dở xuống đường, hay rồ ga cố vọt lên khi đèn vàng chỉ còn 1 giây, bấm còi inh ỏi khi sắp chuyển đèn xanh mà xe trước chưa chạy...

Những người này lao động chân tay cũng có, mà người trông rất sang trọng hào nhoáng cũng có. 

Tôi nghĩ những chương trình như “Cùng cam kết vì một VN tốt đẹp hơn” mà nghệ sĩ Thành Lộc đang nhiệt tình kêu gọi có tác động rất tích cực, nhưng chỉ tiếp cận được với một nhóm đối tượng là những người trẻ, hay đọc báo, hay theo dõi mạng xã hội.

Tất nhiên là ở đô thị hiện nay, nhóm đối tượng này rất đông. Thay đổi được ý thức của nhóm này cũng đã là tốt lắm rồi.

Nhưng với những người khác không có điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng thì sao? Theo tôi, với những người bề ngoài sang trọng và bảnh chọe nhưng thiếu văn hóa giao thông thì không còn gì để bàn.

Còn khi nhìn những người lam lũ, chạy những chiếc xe cọc cạch “hiên ngang” như chỗ không người, tôi không khỏi chạnh lòng. Chắc hẳn chẳng ai nói cho họ biết là bác không nên như thế, như thế...

Mong sao sau những cam kết này, sẽ có những phong trào mạnh mẽ hơn, hướng vào những nhóm đối tượng cụ thể. Có như vậy ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông sẽ được cải thiện nhiều.

David Beckham đăng ảnh về vi phạm Luật giao thông tại VN

Tối 13-11, cựu danh thủ David Beckham đã đăng tải bức máy không đội mũ bảo hiểm, lái xe một tay, còn tay kia đang chụp hình cựu danh thủ. Đáng chú ý, trên xe còn có một em bé đang ngủ gật.

Beckham đăng kèm lời chú thích dưới tấm ảnh: “I’m all for fans taking a picture but not sure this is the safest way to do it!” (Tôi rất sẵn lòng để người hâm mộ chụp ảnh, nhưng tôi không chắc đây là cách an toàn nhất).

Bức ảnh đã thu hút gần 500.000 lượt thích, hơn 5.400 lượt chia sẻ và gần 13.000 lời bình luận từ người hâm mộ Beckham ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều ý kiến phê phán hành động của người phụ nữ.

Đa số người nước ngoài chú ý đến đứa trẻ đang ngủ trên xe, không hề có đai hay dây ràng buộc và chỉ được cố định nhờ hai chân người phụ nữ. “Trời ơi, có một đứa bé ở giữa chân chị ấy, thật quá nguy hiểm” - người tên Somayeh Saatchi ở Canada nhận xét.

“Ôi, có phải giữa chân chị ấy còn có một em bé không? David Beckham, tôi cũng là một người cực kỳ hâm mộ anh, nhưng tôi không bao giờ đùa giỡn với tính mạng con mình để chụp ảnh anh như thế” - Toni Maderis chia sẻ.

Khoảng 6g chiều 10-11, trên Facebook cá nhân của một phụ nữ tên V.K.L. ở Hà Nội cũng chia sẻ những hình ảnh chụp David Beckham đang ngồi trong xe hơi.

Chị cho biết khi ấy con chị đang ngủ gục, tình cờ trông thấy đoàn xe chở Beckham đi ngang qua chụp hình mình nên chị đã cầm điện thoại lên chụp lại ảnh danh thủ.

Cựu danh thủ David Beckham vừa đến Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-11 để quảng bá cho một nhãn hàng đồ uống mà anh làm đại diện thương hiệu.

BÌNH MINH

Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó Ban an toàn giao thông TP.HCM):

Cần nhân rộng mô hình

Việc văn nghệ sĩ cùng chung tay thực hiện và kêu gọi mọi người thực hiện văn hóa giao thông là tín hiệu đáng mừng, tôi hoàn toàn ủng hộ.

Thật ra việc thực hiện văn hóa giao thông không phải là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị, càng không phải của cá nhân nào mà của toàn cộng đồng xã hội. Văn nghệ sĩ là người của công chúng nên việc thực hiện và kêu gọi có sức lan tỏa hơn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia rất quan tâm thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông.

Đã có nhiều chương trình hành động, vận động từ người dân đến các chức sắc tôn giáo cùng thực hiện.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng - phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - đã ký kết với Hội đồng giám mục Việt Nam triển khai chương trình chức sắc, tu sĩ, tín đồ công giáo tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, Bộ trưởng Thăng cũng đã ký kết với Giáo hội Phật giáo VN về nội dung này. 

Có thể nói việc ứng xử có văn hóa trong tham gia giao thông không chỉ thể hiện nét đẹp, hành động đúng mà còn góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Nếu người tham gia giao thông nào cũng cam kết hành động: không đi sai làn đường, không đi ngược chiều, không lái xe khi uống rượu bia... thì chắc chắn tai nạn giao thông sẽ giảm, nhiều cái chết thương tâm sẽ không xảy ra...

Vì vậy thông qua lời kêu gọi của NSƯT Thành Lộc, Ban an toàn giao thông TP kêu gọi nhiều người, nhiều giới từ cán bộ công chức đến người dân cùng chung tay, cam kết thực hiện tuân thủ đúng quy định Luật giao thông.

MAI HOA - QUANG KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp