Những hàng sưa cổ thụ trên đê đã bao năm che chắn gió bão cho làng Hương Trà, nay còn là nơi thu hút nhiều người biết đến làng, người làng có thêm kế sinh nhai - Ảnh: LÊ TRUNG
Cứ độ tháng 3, tháng 4 hằng năm, trên khắp các ngả đường ở làng Hương Trà (phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), những hàng sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi rộ khoe sắc vàng trong ánh nắng như một dải lụa vàng bên dòng sông Tam Kỳ đẹp đến nao lòng người.
Mới đây, du khách thập phương đổ về làng Hương Trà tham dự lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2022 thì tiếc là những cơn mưa trái mùa đã khiến nụ hoa dập dụi. Nay hoa đã bung nở và câu chuyện về những "ông sưa" vẫn còn đầy nguyên sự lôi cuốn.
Dưới bóng sưa cổ thụ
Đường làng Hương Trà dài hai cây số, hai bên in bóng những hàng sưa cổ thụ rêu bám xanh rờn, rợp bóng mát. Con đường này vốn dĩ là một tuyến đê bên sông được dân làng đắp và trồng sưa dọc hai bên để giữ đất không bị sạt lở và chống chọi với những cơn lũ dữ, nay trở thành một điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu sắc vàng óng ánh.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Ngoạn (66 tuổi) nằm nép dưới những tán sưa cổ thụ. Năm 1983, khi ông làm nhà đã có những hàng sưa cổ thụ, cây nhỏ thì một người ôm, cây lớn hai, ba người ôm không xuể.
"Sống dưới tán sưa không khí trong lành, quanh năm mát mẻ, mỗi độ sưa nở hoa phảng phất một mùi thơm nhẹ rất dễ chịu" - ông Ngoạn khoe.
Ông Ngoạn nói ở làng nơi có nhiều cây sưa cổ thụ nhất phải kể đến là vườn Cừa phía đầu làng, dọc sông với hàng chục cây đường kính từ 0,5 - 1m, tuổi đời hơn 100 năm, quanh năm mát rượi, ánh nắng chẳng thể lọt nổi qua tán sưa.
Làng Hương Trà có khoảng 200 hộ dân trồng sưa với hàng trăm cây sưa lớn nhỏ, trong đó khoảng gần 180 cây sưa cổ thụ trên 100 năm tuổi. Một số cây có đường kính từ 1,5 - 2m, tuổi đời 200 - 300 năm, ít nhất thì cũng 40 - 50 năm.
Cây sưa ở Hương Trà còn có tên gọi là cây giáng hương, dân làng còn gọi là cửu lý hương (tức là hương bay xa 9 dặm) hay hương vườn. Cây có đặc điểm rễ cắm sâu vào đất rất vững chắc, cành dẻo không bị gãy bởi gió bão.
"Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ"
Những bậc cao niên kể rằng làng Hương Trà xưa được hình thành từ những năm đầu quy dân lập ấp thời vua Lê Thánh Tông mở cõi về phương Nam (khoảng những năm 1470 - 1471). Nguồn gốc của tên gọi Hương Trà xuất phát từ hai loại cây được dân trồng tại vùng đất này là cây sưa và cây chè phe (dùng làm trà).
Theo bản sắc phong mộc bản mà cụ Trần Văn Truyền còn lưu giữ thì vào năm Cảnh Hưng thứ 27, Đinh Hợi, tức năm 1767, vị tổ tiên của dòng tộc ông là ông Trần Văn Túc được nhà vua ban thưởng với công trạng đã quy tụ được dân của sáu làng tại vùng đất này, gồm Hương Trà, Hương Sơn Hạ, Hương Sơn Thượng, Hòa Phước, Hòa An Khuôn và Hòa An Ấp, để tân lập thành xã Tam Kỳ.
Dân làng sinh sống theo phương cách "ngụ binh ư nông" - vừa lo làm ăn trong thời bình và là binh lính trong thời loạn. Thuở ban sơ, làng Hương Trà là những cồn. Đi vào, đi ra làng bằng đò dọc đò ngang, đến mùa bão lũ dân sống chung với lũ. Vì vậy ông cha xưa đắp đê, trồng cừa ven sông, trồng sưa bên đường đê để ngăn lũ.
Cụ Trần Văn Truyền (98 tuổi, một bậc cao niên trong làng) kể rằng từ khi cụ còn nhỏ đã nghe các bậc cao niên ngâm hai câu thơ gắn với tên làng: "Hương bay vĩnh bảo quang thiên cổ/ Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên".
Cụ Truyền giải thích: Thường mỗi năm đến tiết tháng 3 thanh minh, hoa cây hương (sưa) nở vàng theo gió rơi xuống đất, phủ kín những nấm mồ người xưa và đường làng làm ấm lòng người đã khuất (những người góp công trồng sưa), hương sưa như an ủi và vỗ về người thiên cổ.
Những người đi tảo mộ về uống bát nước trà gấm (tức cây chè phe); nước trà pha lên đỏ như gấm, đậm đà hương vị của làng.
Làng từ buổi đầu cây sưa được trồng trước ngõ và cây chè trồng sau vườn. "Đặt tên làng Hương Trà để con cháu đời sau tri ân loài cây tỏa hương mà những bậc tiền nhân đã dày công vun trồng" - cụ Truyền nói.
Cụ kể thêm ở cổng đình làng cũng khắc hai câu đối gắn liền cây sưa: "Hương địa thủy phong thanh vạn cổ giang san y cảnh cựu/ Trà thiên tinh nguyệt lãm tứ thời ba thảo hoán minh tân", tức: "Đất hương nước trong gió mát, giang sơn ngàn xưa vẫn còn đây/ Trời Hương Trà trăng sáng rọi bốn mùa hoa trái vẫn sinh sôi.
Du khách đến Hương Trà ngắm hoa sưa trong khi người dân trong làng cần mẫn với công việc hàng ngày, hình ảnh thanh bình những ngày này ở Hương Trà
Sống nhờ sưa
Quán nước của vợ chồng bà Trần Thị Giản (62 tuổi) mấy hôm có lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa đông nghịt khách. Từ năm 2018, khi lễ hội hoa sưa đầu tiên, bà cùng nhiều người dân ở khu vực này mở quán ăn uống phục vụ du khách, mở ra cho dân làng một kế sinh nhai mới.
"Du khách đến đây quanh năm, nhất là những ngày lễ hội thì quán tôi cũng kiếm được 4-5 triệu đồng/ngày, ngày thường thì 300.000 - 400.000 đồng/ngày" - bà Giản kể.
Ông Nguyễn Văn Em - trưởng khối phố Hương Trà Tây - kể rằng từ khi có lễ hội hoa sưa, có khoảng 30 hộ dân chuyển nghề sang kinh doanh quán ăn uống, homestay phục vụ khách du lịch, mang lại thu nhập đáng kể.
"Ngoài ra người dân cùng nhau chung tay góp phần cho lễ hội đặc sắc hơn, những làng nghề truyền thống làm bánh trái, làng nghề rèn Hồng Lư cũng góp mặt" - ông Em nói thêm.
Ông Nguyễn Hồng Lai - phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ - cho biết từ năm 2019 đến nay TP Tam Kỳ chủ trì tổ chức lễ hội về loài hoa này với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, phục dựng hình ảnh văn hóa làng quê xưa phục vụ du khách.
Việc này nâng cao đời sống tinh thần người dân, dần dần xây dựng hình ảnh du lịch làng sinh thái Hương Trà, khắc họa lại hình ảnh văn hóa làng quê, đồng thời nhân lên tình yêu đối với thiên nhiên và quê hương.
Hiện nay thành phố đang xây dựng quy hoạch điểm du lịch Làng sinh thái Hương Trà. Dịp lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2022, thành phố được Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam (văn phòng đại diện tại Đà Nẵng) công nhận thành tích bảo tồn và nhân giống cây sưa hoa vàng gắn với phát huy các giá trị văn hóa, du lịch.
"Sự công nhận này khẳng định hướng đi đúng đắn của thành phố trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây di sản, làm cơ sở xây dựng thương hiệu du lịch, cải thiện đời sống tinh thần và sinh kế cho dân, xây dựng thành công sản phẩm du lịch Làng sinh thái Hương Trà" - ông Lai nói thêm.
Nghiên cứu nghiêm túc về sưa
Ông Nguyễn Hồng Lai cho biết sưa với nét đẹp của hoa vàng, hương thơm dịu, thân gỗ có giá trị kinh tế và là loại gỗ quý, cứng, rất đẹp và có mùi thơm trong quá trình sử dụng, đặc tính dễ trồng, phù hợp làm cây đô thị.
Từ năm 2010, thành phố đã có chủ trương bảo tồn loài cây gắn với lịch sử giữ đất giữ làng, nhân giống phát triển thành cây đô thị chủ yếu trên địa bàn với mong muốn tương lai xây dựng được thương hiệu Thành phố hoa vàng.
Đến nay, Tam Kỳ đã trồng và bảo tồn 4.897 cây sưa hoa vàng, chiếm hơn 24% trong tổng số cây xanh. Trong số này, cây cổ thụ trên 100 năm tuổi là khoảng 180 cây, chủ yếu phân bố tại làng Hương Trà.
Nói đến tuổi đời cây sưa, theo các tư liệu lịch sử - sắc phong của cụ ông Trần Văn Truyền, đình làng Hương Trà tính từ năm lập làng 1767 đến nay đã trên 250 năm thì tuổi của cây sưa cội ở đình Hương Trà khoảng trên 200 năm, còn cây sưa ở vườn Cừa là cây sưa con, có độ tuổi khoảng hơn 100 năm.
"Chúng tôi đang phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đang nghiên cứu để xác định cụ thể độ tuổi của cây sưa và các giá trị văn hóa, giá trị di sản của cây sưa hoa vàng (giáng hương) về mặt khoa học và sẽ có công bố khoa học trong thời gian sớm nhất" - ông Lai nói.
Bảo vệ, trồng thêm sưa
Cụ Truyền cho biết mỗi năm, từ tháng 10 âm lịch, làng đều tổ chức ra quân tỉa nhánh, cành, trồng thêm nâng số lượng sưa ở làng nhiều lên. Còn ông Em thì cho hay địa phương lâu nay vận động người dân ra sức bảo vệ những hàng sưa cổ thụ, không được chặt hạ và trồng thêm cây mới.
"Bây giờ làng phát triển du lịch sinh thái, vì vậy phải bảo tồn, trồng thêm tạo không khí trong lành. Khuyến khích người dân trồng thêm cây ăn quả làm du lịch, đón khách" - ông Em nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận