Ông Phạm Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Trần Huỳnh |
Theo đánh giá của Trung tâm lao động hướng nghiệp, Bộ GD-ĐT, công tác hướng nghiệp cho học sinh của các trường chưa hiệu quả và ít có tác động đến việc lựa chọn nghề tương lai của học sinh.
Điều này dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tồn tại trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác hướng nghiệp hiện nay đang bế tắc bởi... bệnh thành tích.
Cần thay đổi cách đánh giá nhà trường
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, xã hội đang đánh giá các trường qua thành tích như 100% học sinh đỗ ĐH, tỉ lệ bao nhiêu học sinh giỏi...
“Giá trị nhà trường được nhìn nhận như vậy nên hiệu trưởng phải theo thành tích đó. Thậm chí có trường hợp giáo viên hướng cho học sinh đăng ký xét tuyển miễn sao đậu ĐH để đạt trường chỉ tiêu 100% đậu ĐH.
Nếu một trường được đánh giá công nhận một trường làm tốt công tác hướng nghiệp, có thống kê đánh giá và khen thưởng trường đó, khi đó các trường sẽ tự động điều chỉnh động lực phát triển của mình theo hướng chú trọng công tác hướng nghiệp” - ông Thanh nói.
Về việc phân luồng học sinh ông Phạm Ngọc Thanh cho biết chỉ thị 10 của Bộ Chính trị trong chiến lược phát triển giáo dục có nêu làm sao 30% học sinh sau THCS tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy động thái cụ thể nào để đạt chỉ tiêu đó.
Sau nhiều lần góp ý, đề nghị hiện nay Nhà nước cũng đã có chính sách dành cho học sinh THCS nếu học trung cấp chuyên nghiệp sẽ được miễn học phí.
“Để thực hiện việc này, khi bàn chỉ tiêu lớp 10, Sở GD-ĐT cũng băn khoăn. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính là chỉ lấy tỉ lệ nhất định vào lớp 10, số còn lại phải đi học trung cấp nghề nhưng cũng không an lòng. Cả xã hội ai cũng mong cho con mình phải có bằng tú tài...” - ông Thanh chia sẻ.
Lẽ ra nên phân luồng học sinh từ năm lớp 9 nhưng thực tế thì các trường THCS nhắm đến thành tích 100% học sinh đậu vào lớp 10. Đến với hội thảo, một phụ huynh ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ câu chuyện chọn nghề của chính con trai mình.
Học xong lớp 9 con chị không muốn thi tiếp lớp 10, muốn chuyển sang hệ giáo dục thường xuyên hoặc trung cấp nghề nhưng vấp phải sự phản đối của nhà trường vì lý do: “Trường này năm nào cũng 100% học sinh đậu vào lớp 10”.
Sau đó, dù đậu vào trường THPT công lập nhưng con chị đã chọn học hệ giáo dục thường xuyên, tự tìm hiểu về năng lực, sở thích của mình và theo học nghề đồ họa...
Nhiều chuyên gia còn đặt câu hỏi tại sao lại không có tiêu chí “định hướng nghề nghiệp hiệu quả cho học sinh” hay “tỉ lệ học sinh trúng tuyển trung cấp nghề”? Mỗi ngày, giáo viên đến trường lo tải hết chương trình trong vài tiết học. Vậy thời gian đâu để tích hợp nội dung hướng nghiệp vào bài giảng?
Cần giúp học sinh hiểu nghề, nhận biết đam mê
Chủ đề hội thảo nhằm tìm ra giải pháp để nâng cao năng lực hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên bộ môn ở trường THPT nhưng ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, lại thẳng thắn cho rằng: “Đó là một đòi hỏi cao xa!”.
Theo ông Tuấn, giáo viên bộ môn đã dành thời gian, đầu tư cho chuyên môn, sẽ không chuyên về xã hội, công tác hướng nghiệp chỉ quanh quẩn các môn học cơ bản. Quan trọng nhất là phải giúp cho học sinh hiểu nghề, nhận biết được đam mê sở thích... Cần phải có tổ chức hướng nghiệp chuyên nghiệp.
TS Vương Văn Cho, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, cũng cho rằng trong quá trình dạy giáo viên không có chủ ý hướng nghiệp nhưng trong đó đã lồng nội dung hướng nghiệp rồi. Vấn đề quan trọng phát hiện năng khiếu của học sinh để phát huy sở trường, sở thích của học sinh để hướng nghiệp.
Trong khi TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng giáo viên bộ môn gần gũi với học sinh nhưng không thể “phủ sóng” hết tất cả ngành nghề. Những ngành mang tính chất nghề nghiệp trong tương lai thì thầy cô hoàn toàn bó tay. Vì vậy nếu nhắm đến hướng tăng cường năng lực cho giáo viên bộ môn vô tình sẽ tạo áp lực rất lớn cho thầy cô.
Cần giáo dục coi trọng giá trị nghề nghiệp Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo viên bộ môn sẽ là một bộ phận quan trọng trong hệ thống hướng nghiệp tại trường THPT, nhưng không phải là bộ phận duy nhất làm tất cả công tác này. Cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các bộ phận: lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, chuyên viên tư vấn. Giáo viên bộ môn cần được trang bị kiến thức, kỹ năng từ khi còn là sinh viên sư phạm. Nếu các trường sư phạm làm tốt công tác này sẽ giúp các sinh viên sau khi trở thành giáo viên sẽ đỡ vất vả trong công tác hướng nghiệp cho học sinh sau này. Với giáo viên đã tham gia công tác giảng dạy chưa có kỹ năng hướng nghiệp cần được bồi dưỡng thông qua các khóa ngắn hạn, chất lượng. Sau một năm nên được tập huấn để cập nhật kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp. Quan trọng nhất có lẽ vẫn là câu chuyện về nhận thức và động thái tích cực, mạnh mẽ hơn cho phân luồng giáo dục, coi trọng giá trị nghề chứ không phải cấp bậc hành nghề như tư tưởng giáo dục của nhiều bậc phụ huynh, học sinh và người làm công tác giáo dục. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận