Dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động như "phá cỗ đêm trăng", múa lân của Tết Trung thu không thể diễn ra - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo đó, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt là trẻ em là con lực lượng tuyến đầu chống dịch, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày…
Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhấn mạnh việc phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em, nhất là bảo đảm an toàn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong bối cảnh giãn cách xã hội dài ngày.
Về tổ chức các hoạt động Tết Trung thu, Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu tổ chức phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường nội dung, thời lượng, chương trình, sân chơi dành cho trẻ em trên các phương tiện thông tin, truyền thông và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào dịp Tết Trung thu.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội yêu cầu công tác tổ chức Trung thu phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, độc hại, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho hay các hoạt động tổ chức Tết Trung thu năm nay bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, những chương trình thăm hỏi, tặng quà như bánh kẹo, đồ chơi… tại các vùng xanh, vùng an toàn không có dịch vẫn diễn ra để các em cảm nhận được không khí Trung thu.
Theo ông Nam, Đoàn thanh niên và các địa phương sẽ phối hợp xây dựng các sân chơi văn hóa, nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến (online) hoặc tặng quà động viên nếu điều kiện cho phép cho trẻ em tại nơi áp dụng chỉ thị 16, khu cách ly...
"Hạn chế tới mức tối đa hoạt động đông người nhưng không vì thế mà không tổ chức Trung thu cho các em. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ có thể tự tổ chức các hoạt động tại gia để gắn kết các thành viên trong gia đình như làm bánh trung thu, thi vẽ tranh…", ông Nam nói.
Theo dự báo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), từ nay đến cuối năm 2021, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể tăng lên khoảng 42.000.
Trước đó, vào ngày 29-5, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung. Mức hỗ trợ cụ thể mỗi ngày 80.000 đồng/cháu trong 21 ngày.
Thời gian áp dụng từ ngày 27-4 đến 31-12 từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận