05/06/2014 10:06 GMT+7

"Hướng dẫn chấm" thay cho đáp án

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định hướng đổi mới thi năm nay sẽ là tiền đề cho việc hoàn thiện phương án đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, trong đó đổi mới cách ra đề là yếu tố quan trọng.

o1PWCk9Q.jpg
Thí sinh tranh thủ ôn bài môn sinh sau khi vừa thi xong môn tiếng Anh tại HĐCT Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM sáng 4-6 - Ảnh: Như Hùng
kCUltyQK.jpg
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Ng.Khánh
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

- Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, đặc biệt là đề thi các môn khoa học xã hội - nhân văn, đã theo đúng hướng đổi mới là chuyển dần từ chú trọng yêu cầu tái hiện kiến thức thuần túy sang chú trọng kiểm tra năng lực, kỹ năng với việc tăng tỉ lệ câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể đặt ra trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

Những câu hỏi mở đã khuyến khích thí sinh có thể trình bày quan điểm, suy nghĩ riêng, liên hệ giữa bài học với cuộc sống và sự lựa chọn của mình. Cách ra đề như thế này sẽ khuyến khích học sinh phải rèn luyện, phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, xâu chuỗi, tổng hợp kiến thức, suy luận, đánh giá, bày tỏ cảm xúc.

Một điểm được dư luận quan tâm là đề thi một số môn thi năm nay đã đặt ra vấn đề chủ quyền biển đảo, tầm quan trọng của biển đảo, thậm chí đưa ra câu chuyện thời sự trực tiếp là Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển VN...

Việc này cũng nhằm mục đích để học sinh quan tâm và biết suy nghĩ, tìm hiểu nhiều hơn đến vấn đề lớn của đất nước.

“Thi gì học nấy”

18-6 công bố kết quả chấm thi

Ngày 18-6, các địa phương sẽ phải hoàn tất việc chấm thi, công bố kết quả chấm thi. Việc xét tốt nghiệp cũng không phức tạp vì các sở GD-ĐT đều sử dụng phần mềm xử lý dữ liệu trên máy. Thí sinh sẽ có đủ thời gian để nhận chứng nhận tốt nghiệp THPT trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vào tháng 7 năm nay.

* Các đề thi môn xã hội năm nay được dư luận khen hay không chỉ ở độ “mở” mà còn đề cập tới câu chuyện đang nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.Tuy nhiên có ý kiến cho rằng giữa việc dạy - học - thi cử không phải là một tiến trình tiếp nối, thì việc đưa những ý tưởng, nội dung hay vào đề thi cũng chỉ khiến thí sinh thay đổi cách đối phó với kỳ thi. Ông có ý kiến gì về bình luận này?

- Dạy học là nhằm tạo nên ở người học một nền tảng đạo đức, kiến thức, kỹ năng, còn việc kiểm tra đánh giá là dựa vào nền tảng đó, đưa ra những tình huống cụ thể để yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề.

Đề tài về chủ quyền biển đảo, tầm quan trọng của biển đảo, câu chuyện về việc biểu lộ lòng yêu nước, trách nhiệm công dân đều được đưa vào chương trình - sách giáo khoa phổ thông qua các môn lịch sử, địa lý, văn học, giáo dục công dân...

Vì thế câu chuyện “Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép” chỉ là tình huống cụ thể để thí sinh trình bày, vận dụng kiến thức đã học và hiểu biết thực tế. Dĩ nhiên nền tảng không vững thì việc giải quyết vấn đề (kỳ thi) cũng sẽ không tốt, hiệu quả giáo dục sẽ không như ý muốn.

Điều này đụng tới một vấn đề mà nhiều người băn khoăn là “thi cử phải tương ứng với thực trạng chất lượng dạy học”, nói nôm na là “học gì thi nấy”. Tôi đồng ý, nhưng trước thực trạng hiện nay tôi lại muốn nhấn mạnh “thi gì học nấy”.

Ngành GD-ĐT sẽ phải làm nhiều việc để thay đổi chất lượng, nhưng việc thay đổi thi cử, thay đổi cách ra đề thi cũng là một tác động trực diện trở lại việc dạy học.

Cứ nói nội dung đề thi năm nay mới quá, nhưng tất cả đều là những kiến thức, kỹ năng nằm trong yêu cầu của chương trình.

Việc phát triển năng lực vận dụng kiến thức, hiểu biết thực tế đều đã được đặt ra từ trước nhưng vẫn chưa được thực hiện đúng mức. Nguyên nhân có thể do chương trình - sách giáo khoa còn có bất cập, do trình độ giáo viên, quản lý giáo dục, nhưng cũng có một phần lớn nguyên do là thi cử chưa đổi mới.

Nếu cứ “học gì thi nấy” thì chất lượng giáo dục không chuyển biến được. Việc đổi mới đề thi năm nay chỉ là bước đầu thôi, những năm sau sẽ phải tiếp tục đổi mới theo hướng này nhưng quyết liệt hơn nữa.

Cho phép học sinh được triển khai ý tưởng

* Với tỉ lệ câu hỏi mở nhiều hơn ở các đề thi môn xã hội trong kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT có điều chỉnh hướng dẫn chấm thi so với năm trước không? Những bài thi bày tỏ suy nghĩ, quan điểm quá cá biệt và không đúng với gợi ý chấm thi liệu có được điểm không?

- Hướng dẫn chấm thi năm nay sẽ có điều chỉnh khác với các năm trước. Tôi muốn lưu ý đây là “hướng dẫn chấm” chứ không phải “đáp án”. Như vậy nghĩa là không có quy định cứng nhắc, duy nhất trong phương án chấm thi với những môn xã hội, nhất là ở các câu hỏi mở.

Hướng dẫn chấm thi năm nay sẽ cho phép học sinh được triển khai ý tưởng, nhưng không đi ngược với thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đạo lý truyền thống.

Theo đó những bài thi của thí sinh đảm bảo yêu cầu trên, trình bày mạch lạc, logic, truyền đạt được thông điệp, tác động được tới tình cảm, nhận thức của người khác và không đi lạc với yêu cầu của đề thì đương nhiên sẽ được cho điểm.

* Với quy định mới cho phép thí sinh chọn hai môn thi, ở nhiều nơi có rất ít hoặc không có thí sinh thi lịch sử. Tương tự nhiều tỉnh miền núi, vùng nông thôn, rất ít hoặc không có thí sinh thi ngoại ngữ. Đây có phải là điều đáng lo ngại cho chất lượng giáo dục toàn diện không, nhất là khi lịch sử và ngoại ngữ lại là các môn học cần thiết đối với học sinh phổ thông?

- Việc cho phép học sinh lựa chọn hai môn thi trong tổng số bốn môn thi nhằm tiệm cận với mục tiêu phân hóa, định hướng nghề nghiệp tương lai mà chương trình giáo dục phổ thông tới đây sẽ triển khai, nhưng cũng phản ánh rất chân thật thực trạng giáo dục ở bậc THPT bây giờ.

Thí sinh chọn môn thi đều theo sở trường, theo định hướng nghề nghiệp. Xét ở thời điểm thực tế, việc cho học sinh lựa chọn môn thi gần với sở trường, định hướng sẽ giúp thí sinh giảm áp lực không cần thiết, giảm tình trạng đối phó, tiêu cực với thi cử.

Việc nhiều tỉnh không có thí sinh lựa chọn môn ngoại ngữ cũng phản ánh đúng thực trạng dạy học ngoại ngữ hiện nay. Chúng ta không nên cố vận động thí sinh thi ngoại ngữ mang tính hình thức, mà cứ để các em lựa chọn một cách thực chất. Qua đó cũng biết rõ về tình hình dạy học, điều kiện dạy học để có hướng khắc phục, nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai đề án về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong cả nước; chất lượng dạy học sẽ nâng lên, phương pháp thi được cải tiến thì năng lực ngoại ngữ sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả học sinh.

Trong kỳ thi năm nay, cho dù không có nhiều thí sinh thi lịch sử nhưng kiến thức về lịch sử, những vấn đề về lịch sử cũng có trong nhiều đề thi. Xu thế này sẽ đậm hơn ở các năm sau.

Trước hết tôi khẳng định đổi mới của kỳ thi năm nay là một hướng đúng và Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm. Sẽ duy trì và thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc đánh giá năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức. Đề thi sẽ có những phần kiểm tra kiến thức cơ bản, đồng thời có nhiều câu hỏi yêu cầu năng lực tư duy, vận dụng kiến thức khác nhau, trong đó tăng cường nhiều hơn những câu có độ khó ở mức cao, có tác dụng phân hóa thí sinh. Với đề thi như vậy có thể sử dụng để công nhận hoàn thành tốt nghiệp THPT và là một căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VINH HIỂN

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp