17h, chuông trường reo cũng là lúc Nguyễn Ngọc Hùng (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vội quay trở về ký túc xá Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, ăn tạm gói mì để bắt đầu việc làm thêm tại một quán ăn trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP.HCM).
"Mỗi buổi tối làm 4 tiếng, mình nhận được 100.000 đồng, tích cóp sẽ có một khoản để bớt gánh nặng cho mẹ ở nhà", Hùng chia sẻ.
Không đầu hàng số phận
Căn phòng ký túc xá nơi Hùng ở rộng chừng 15m2 cho 4 sinh viên với vài vật dụng đơn sơ. Trong phòng có vài thùng mì tôm để sẵn nhưng "thỉnh thoảng cả phòng cũng dẫn nhau tự thưởng dĩa cơm sườn 30.000 - 35.000 đồng/suất".
Bà Trần Thị Vĩnh, mẹ Hùng, cho biết gia đình quê gốc ở vùng đất võ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Gia đình có ít đất đai, thời tiết miền Trung nắng gió quanh năm nên mùa màng thất bát, không đủ sống. Hai vợ chồng bàn nhau chuyển lên vùng đất Ea Ning tìm cơ hội đổi đời.
Bán nhà đất, vay mượn người thân, vợ chồng bà mua được miếng đất nhỏ để trồng trọt nên cũng đủ ăn, đủ mặc.
Thế nhưng gian nan không thương kẻ khó, 13 năm trước, chồng bà đang làm vườn bất ngờ đột quỵ rồi qua đời. Gánh nặng ập trên đôi vai bà Vĩnh. Lo tang chồng xong, bà tất tả ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy để nuôi hai con.
Những tưởng cuộc sống ba mẹ con sẽ êm đềm, vui vẻ thì năm lên lớp 6, Hùng bỗng ngã khuỵu khi đang ở lớp. Mẹ đưa đi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán Hùng bị "xương thủy tinh".
Bà Vĩnh kể lúc đó phải vay mượn, chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con. May phát hiện sớm, chữa trị kịp thời và cộng thêm ý chí nên bệnh tình thuyên giảm. Tuy nhiên do di chứng của bệnh, Hùng vẫn đi khập khiễng.
Ba năm trước chị gái Hùng đậu vào đại học, bà chưa hết mừng rồi lại lo, thì nay Hùng tiếp tục đi học xa nhà. "Tôi vẫn nói với các con, khó nghèo mấy cũng phải vượt qua, các con phải học để sau này bớt cực", bà Vĩnh nói.
Thiếu tiền có thể xoay xở, thiếu chữ khó có thể vươn lên
Hùng kể thêm, ngày nhận thông báo đậu Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, bạn rất vui vì đã chạm một tay vào ước mơ. Tuy nhiên khi về nhà, thấy mẹ lo lắng chưa biết tiền đâu để đóng học phí, Hùng đã đắn đo nên đi học hay không. Hàng xóm có người khuyên Hùng nghỉ học vì chị gái đang học năm 3 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
"Thấy mình đắn đo, mẹ yêu cầu mình phải đi học vì thiếu tiền có thể xoay xở, thiếu chữ nghĩa khó vươn lên, sẽ mãi khổ. Lời khuyên của mẹ đã tiếp cho mình động lực, quyết tâm để theo đuổi đam mê. Mẹ cũng luôn dạy phải sống ngay thẳng, theo đuổi đam mê vì nhiều người còn khó hơn cũng đã vượt qua và thành công", Hùng chia sẻ.
Từ lời động viên của mẹ, Hùng "xương thủy tinh" quyết tâm vác ba lô đi Sài Gòn chinh phục ước mơ làm MC truyền hình. Ngày lên xe, mẹ đứng nhìn theo, nắm hai tay giơ lên nói Hùng phải kiên cường. Xe đi xa, gương mặt mẹ mếu máo, hình ảnh đó khiến Hùng nhớ mãi.
"Chính mẹ thường nhắc nhở cả hai chị em phải cố gắng học tập vươn lên trong cuộc sống, phải thoát nghèo. Mẹ nói đừng quá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, phải luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh để thay đổi cách nhìn của người khác về mình", Hùng nói.
Ngày lên thành phố, Hùng hứa với mẹ sẽ đi làm thêm để có tiền đóng học phí và đang cố gắng thực hiện điều đó.
"Mình thấy bản thân là người hướng ngoại, giao tiếp tốt, thích những công việc liên quan đến truyền thông nên chọn Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II. Mình sẽ cố gắng học thật tốt để đạt ước mơ thành một phát thanh viên, có thu nhập để lo cho mẹ", Hùng tự tin.
Cô Nguyễn Thị Bích Quyên - giáo viên Trường THPT Y Jut (huyện Cư Kuin) - cho biết Hùng là học sinh rất chăm chỉ, không ngại khó trong học tập, không nản chí, luôn biết vươn lên trong cuộc sống.
"Là giáo viên chủ nhiệm, tôi cũng hiểu được sự khó khăn vất vả của gia đình Hùng. Biết Hùng đậu Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, tôi rất mừng, mong em cố gắng học tập để không phụ công của mẹ", cô Quyên mong mỏi.
Trao 90 suất học bổng cho tân sinh viên Tây Nguyên
Tối 3-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp Tỉnh đoàn 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ trao 90 suất học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực, với tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng.
Học bổng thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển và quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cùng sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ. 90 sinh viên được trao học bổng (15 triệu đồng/suất) lần này là những hoàn cảnh vượt khó để bước vào giảng đường đại học.
Trong số này, có 2 tân sinh viên sẽ nhận 2 học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất/4 năm học; chương trình sẽ trao thêm laptop cho 4 sinh viên thiếu thiết bị học tập và 8 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận